Theo Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang nằm ở phía Tây - Bắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và về phía Tây Nam của Tổ quốc. Ranh giới hành chính được xác định như sau: Phía Đông Bắc giáp các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang; Phía Nam giáp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu; Phía Tây Nam là biển; giáp với vùng biển của các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Phía Bắc giáp Campuchia, với đường biên giới trên đất liền dài 56,8 km.
Theo đó, Kiên Giang là tỉnh có vùng biển rộng khoảng 63.290 km2, với 5 quần đảo, trong đó có 9 huyện, thành phố ven biển, đảo (gồm 1 thành phố đảo Phú Quốc, 1 huyện đảo Kiên Hải và 07 đơn vị hành chính cấp huyện ven biển) có 51/145 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển; với hơn 200 km bờ biển, khoảng 137 hòn/đảo nổi lớn, nhỏ. Tỉnh này là cửa ngõ thông thương quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long, có vị thế liên kết đặc biệt với các nước tiểu vùng sông Mekong qua trục xuyên Á.
Cảng hàng không Quốc tế là một trong hai sân bay tại Kiên Giang. Ảnh: Dy Khoa.
Vịnh Rạch Giá là một trong 8 vịnh chính dọc theo đường bờ biển Việt Nam, được hình thành theo điều kiện tự nhiên. Vịnh cửa sông duy nhất của Việt Nam ở bờ biển phía Tây, diện tích khoảng 1.226 km2. Tỷ trọng đất xây dựng tại vịnh Rạch Giá ở mức thấp nhất trên toàn bộ 8 vịnh trên lãnh thổ Việt Nam ở cả 3 chỉ số: tỷ trọng năm 1988 (0,3% so với trung bình 4,9%); tỷ trọng năm 2015 (2,8% so với trung bình 12,5%) và tăng trưởng giai đoạn 1988 - 2015 (2,5% so với trung bình 7,6%). Lãnh đạo Sở Xây dựng Kiên Giang đánh giá việc khai thác tiềm năng của vịnh Rạch Giá đang ở mức rất thấp và cho rằng đây là một sự lãng phí to lớn trên bình diện vùng, tỉnh và quốc gia, theo bài viết trên Tạp chí Xây dựng .
Tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện được chia thành 3 thành phố và 12 huyện với 144 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 10 thị trấn, 18 phường và 116 xã. Các thành phố gồm Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc. Có hai sân bay trên địa bàn tỉnh này: Cảng hàng không Rạch Giá và Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc.
Kiên Giang có tiềm năng về kinh tế biển rất lớn. Ảnh: Dy Khoa.
Kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang có nhiều khởi sắc, đáp ứng yêu cầu định hướng xây dựng tỉnh Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn vào năm 2045 và sớm “trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”. Kiên Giang có bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km2, đa dạng về chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao; ngoài ra, còn có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo độc đáo, đặc biệt là Phú Quốc - thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam.
Kiên Giang đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển
Kiên Giang xác định 4 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận (Hòn Đất - Kiên Hải), U Minh Thượng để tập trung đầu tư, nhờ đó những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, biển, đảo được khai thác hiệu quả hơn. Riêng thành phố Phú Quốc sở hữu hàng loạt các bãi biển đẹp trải dài từ phía Nam đến phía Bắc của đảo, khi được quan tâm đầu tư đúng mức, thành phố đã có nhiều bãi biển được xếp vào nhóm những bãi biển đẹp nhất thế giới như Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Kem...
Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 9.800 tàu khai thác thủy sản, chiếm hơn 10% cả nước. Sản lượng khai thác trung bình hằng năm đạt 585.00 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng.
Tỉnh Kiên Giang có nhiều đặc sản, trong đó có món bánh canh chả cá. Ảnh: Dy Khoa.
Tỉnh phát triển nghề nuôi thủy hải sản trên biển, với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, nhất là mô hình nuôi xen kết hợp tôm - cua; tôm sú - tôm càng xanh; mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng An Minh, An Biên; ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc...
Kiên Giang có lợi thế nuôi và chế tác ngọc trai, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trồng và chế biến rong biển, nuôi và chế biến hải sâm, cầu gai... mang lại giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh từng nhìn nhận trên Tạp chí Cộng sản: “Kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giá trị khai thác và nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng, nhưng chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều; chất lượng sản phẩm và dịch vụ, du lịch biển chưa cao, chưa thật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang năm 2022 đạt 7,7%. Ảnh: Dy Khoa.
Đồng thời, “kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thiếu đồng bộ để khai thác hiệu quả kinh tế biển. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo có mặt chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nguy cơ ô nhiễm môi trường là một vấn đề thách thức, như tình trạng chất thải từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ có nguy cơ bị ô nhiễm nặng”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang năm 2022 đạt 7,7%, quy mô tổng sản phẩm của tỉnh đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, GDP bình quân đầu người tăng 8% và hoàn thành 24/24 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Một số chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng cao so năm 2021 như sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 5,15%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,67%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9,71%; tổng thu ngân sách vượt 4,81% so dự toán; khách du lịch tăng 142%.
Cũng trong năm 2022, sản lượng lúa của Kiên Giang đạt 4,4 triệu tấn, trong đó có 97,32% là lúa chất lượng cao, lúa chuyên canh, bên cạnh đó, có 109 ngàn ha liên kết tiêu thụ, tất cả đạt tiêu chuẩn Global gap và lúa hữu cơ. Tỉnh mạnh dạn đăng ký sản xuất 200.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.