Trung Quốc giữa tuần này loan tin rằng cuộc họp các quan chức cấp cao của Bắc Kinh và ASEAN ở Nội Mông về việc triển khai Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông đã đạt được nhiều "đột phá".
Cụ thể như thông qua nguyên tắc về đường dây nóng cho các tình huống khẩn cấp hàng hải, một tuyên bố chung về áp dụng Quy tắc cho các va chạm bất ngờ trên biển (CUES) và hoàn tất dự thảo khuôn khổ cho Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào giữa năm sau.
Dù không thể phủ nhận nó có thể mở ra cơ hội để Trung Quốc và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng giới chuyên gia cho rằng cần phải nhìn rõ những tiến triển thật sự và thách thức còn tồn tại.
Theo tờ Diplomat, ứng xử của Trung Quốc trong vài năm qua là cơ sở để cần phải cẩn trọng mỗi khi có một tuyên bố đột phá. Chẳng hạn mùa hè năm 2014, bảy tháng sau khi Trung Quốc công bố chiến lược mới cho quan hệ với ASEAN, Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hay năm ngoái, trong khi tuyên bố đây là "Năm hợp tác hàng hải ASEAN - Trung Quốc" nhưng Bắc Kinh lại đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp trái phép, tiếp tục xâm phạm vùng biển của các nước láng giềng và cản trở việc đàm phán COC.
Ngoài ra, trong bối cảnh gặp bất lợi sau phán quyết của Tòa trọng tài The Hague hồi tháng trước, Bắc Kinh có khuynh hướng khuếch đại các diễn tiến nhỏ thành "đột phá" nhằm giả tạo một không khí bình lặng.
Thực tế là Trung Quốc thời gian qua đã kiên quyết phớt lờ phán quyết và thuyết phục quốc tế rằng Bắc Kinh có thể giải quyết căng thẳng trên Biển Đông mà không cần sự can thiệp của những nước bên ngoài như Mỹ.
Những người quan sát chặt chẽ tình hình Biển Đông có thể dễ dàng nhận thấy kết quả của các cuộc họp tuần này chẳng có gì là mới hay đột phá. Hai kế hoạch thành lập đường dây nóng và áp dụng CUES thật ra đã được công bố từ năm ngoái và được nhắc lại nhiều lần trong các tuyên bố của ASEAN vài tháng qua.
Các chi tiết của kế hoạch cũng chưa rõ, chẳng hạn liệu CUES có áp dụng cho cả hải quân và tàu tuần duyên hay không, theo như kêu gọi của các nước ASEAN như Singapore, Malaysia.
Bên cạnh đó, cũng chưa thể chắc chắn những cam kết sẽ được thực hiện theo khung thời gian phù hợp nếu nhìn vào cách Trung Quốc kéo lê việc hoàn tất COC thời gian qua. Và thậm chí nếu được hiện thực hóa, các biện pháp này cũng khó giải quyết được vấn đề thật sự trên Biển Đông.
Theo Diplomat, "thách thức cơ bản ở Biển Đông không phải là thiếu luật hoặc cơ chế xử lý khủng hoảng, mà là sự trỗi dậy quyết đoán và táo bạo của Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng theo hướng có lợi cho mình và sẵn sàng phá luật, gây nguy cơ xảy ra khủng hoảng.
Do đó, đường dây nóng hay quy tắc ứng xử cũng vô dụng nếu không đi kèm với sự thay đổi trong cách tiếp cận và tính toán của Bắc Kinh".
Cuối cùng, những "đột phá" kiểu này, có thể được Trung Quốc tung hô trong vài tháng tới, có thể là điềm báo bão trong bối cảnh Bắc Kinh thời gian qua đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông như tập trận cùng Nga, tăng sự hiện diện quân sự quanh bãi cạn Scarborough và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa.
"Do đó đừng ngạc nhiên nếu Bắc Kinh bày trò hợp tác với ASEAN rồi lại tiếp tục thái độ quyết đoán trên Biển Đông, thậm chí vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Hoa Kỳ đã đưa ra như cải tạo bãi Scarborough hay tuyên bố vùng nhận dạng phòng không sau hội nghị G20 hoặc sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11" (theoDiplomat).
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17-8 cho biết sẽ không đưa tranh chấp hàng hải ra cuộc họp ASEAN tại Lào vào tháng sau, thay vào đó sẽ nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc. Ông Duterte cho rằng việc gây náo động có thể khiến Trung Quốc quay lưng với đối thoại.
Ông không nói rõ thời gian, nhưng cho biết cả hai sẽ ngồi xuống nói chuyện vào thời điểm thích hợp. Tại hội nghị vào tháng sau, Manila sẽ nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2017.