Đây chính là một cách quan tâm, động viên, thể hiện tinh thần nhân đạo của Đảng, Nhà nước và pháp luật đối với những con người lầm lỡ. Đồng thời cũng giúp họ có động lực phấn đấu, yên tâm chấp hành thời gian cải tạo, nỗ lực lao động để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Niềm vui hội ngộ
Mặc cho những cơn mưa như trút nước từ đêm hôm trước vẫn chưa dứt, ngay từ sáng sớm, trước cổng Trại giam Suối Hai đã đông nghịt người.
Họ là những người cha đã ngoài thất thập, những người bạn, người vợ, người chị tóc vẫn còn xanh hay những đứa trẻ đang còn lẫm chẫm sốt ruột chờ tới giây phút được gặp thân nhân của mình.
Bà Phạm Thị T. ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) nói: “Gia đình tôi cách vài tháng lại lên thăm con trai một lần, nhưng chủ yếu chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại.
Lần này Ban giám thị cho phép các gia đình gặp trực tiếp phạm nhân, vì thế tôi đưa cả vợ và thằng cháu nhỏ đi cùng để bố con chúng được bế nhau cho đỡ nhớ”.
Đúng 8h, cả hội trường khu hành chính bỗng trở nên huyên náo. Người ta tíu tít gọi nhau, những cái vẫy tay, những nụ cười, những gương mặt bỗng trở nên rạng rỡ.
Nhìn con trai tham gia đội văn nghệ biểu diễn trên sân khấu, bà T. bùi ngùi: “Đẻ con ra ai chẳng mong con nên người, nhưng con tôi vi phạm pháp luật thì phải gánh chịu hậu quả chứ biết làm sao.
Lần nào lên thăm, gia đình tôi cũng động viên cháu cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, đặc xá của Nhà nước.
Có lẽ chính nhờ ý thức được việc đó nên cháu đã rất cố gắng và lần này được Ban giám thị xét cho gặp gia đình. Tôi già rồi, nhưng vợ chồng nó còn trẻ và còn cả cuộc đời dài phía trước.
Vì thế lúc nào cũng phải tâm niệm luôn cố gắng để trở về xã hội làm lại từ đầu”.
Đưa tay xoa đầu đứa cháu trong lòng đang nghểnh cổ ngóng bố trên bục biểu diễn, bà T. nói tiếp: “Chỉ thương thằng cu này, ở nhà suốt ngày nhắc và hỏi bao giờ bố về mà tôi chẳng biết phải trả lời thế nào”.
Phạm nhân Võ Thanh Ngưu (quê Tây Ninh) tự làm món quà tặng Ban giám thị Trại giam Suối Hai để tỏ lòng biết ơn
Để phạm nhân phấn đấu, yên tâm cải tạo, ngoài công tác giáo dục chung, Ban giám thị Trại giam Suối Hai còn thường xuyên gặp gỡ riêng từng phạm nhân để kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng cũng như những vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Các phân trại cũng thường xuyên nêu gương các điển hình người tốt việc tốt, các tấm gương của những phạm nhân sau khi hết án có ý chí nghị lực vươn lên.
Hàng tháng, các phân trại cũng tổ chức các buổi tọa đàm tuyên truyền những quy định mới trong công tác thi hành án, giải đáp những khó khăn vướng mắc từ đó giúp phạm nhân yên tâm tư tưởng, chấp hành các quy định của pháp luật.
Chính nhờ đó mà có nhiều phạm nhân nhận rõ tội lỗi của mình và có sự tiến bộ vượt bậc.
Quyết tâm hướng thiện
Là một trong số những phạm nhân thuộc diện phải “quan tâm đặc biệt” của Trại giam Suối Hai cần nhắc đến cái tên Võ Thanh Ngưu quê ở Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh.
Mặc dù mới ngoài 30 tuổi, nhưng Ngưu đã có tới 5 tiền án, 3 lần trốn trại, chưa kể đến 1 lần trốn thoát khỏi nơi tạm giữ.
Trước khi chuyển đến Trại giam Suối Hai, Ngưu đã trải qua 5 trại giam khác nhau với 12 lần vi phạm kỷ luật, 4 lần bị giam riêng và hầu như không có sự chuyển biến về ý thức kỷ luật cũng như chấp hành án.
Thế nhưng khi về đây, sau khi được cán bộ giáo dục, động viên, Ngưu đã hiểu rõ tội lỗi của bản thân, thực sự ăn năn hối cải và hiện nay đã tích cực tham gia lao động.
Các cán bộ quản giáo vui chung niềm vui hội ngộ với người thân của các phạm nhân
Tại “Ngày hội gia đình phạm nhân”, Ngưu còn được biểu dương là gương điển hình và thay mặt các phạm nhân lên phát biểu ý kiến.
Thậm chí ngay sau bài phát biểu, Ngưu còn bí mật chuẩn bị sẵn một món quà hết sức công phu do chính tay mình làm là một chiếc thuyền buồm để tặng cho Ban giám thị trại thay lời cảm ơn khiến cả hội trường ngỡ ngàng.
Tuổi trẻ của Ngưu là những tháng ngày trượt dài trong tội lỗi. Vốn là kẻ ngang tàng, từ lúc còn thiếu niên Ngưu đã bỏ nhà đi bụi rồi “làm ăn” cùng đám du thủ du thực.
Công việc chính lúc đó là chuyên “thổi xế”, Ngưu móc nối với đám trộm cắp xe máy rồi tuồn ngược sang Campuchia bán kiếm lời.
Năm 2003, Ngưu bị bắt lần đầu tiên về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ của gian nhưng sau đó lại đào thoát thành công khỏi nơi tạm giữ.
Dạt sang Campuchia để trốn tránh, đến năm 2005 Ngưu về Việt Nam thì bị bắt giữ và lĩnh bản án 6 năm tù, thụ án tại Trại giam Phước Hòa (Tiền Giang).
Tuy nhiên, ngồi tù chưa được bao lâu thì Ngưu lại vượt ngục rồi gây ra một vụ cướp xe máy. Đến tháng 3-2006, trong một lần về nhà, Ngưu lại bị bắt và xử thêm 12 năm tù cho tội cướp tài sản và trốn khỏi nơi giam giữ.
Bị đưa về Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), đến năm 2007 Ngưu tiếp tục trốn trại ra ngoài làm ăn phi pháp. Bị công an bắt lại năm 2009 và đưa về Trại giam Xuân Phước (Phú Yên), tới năm 2011 khi chuyển về Trại giam An Điềm (Quảng Nam), Ngưu một lần nữa qua mặt quản giáo và đào thoát đến năm 2012 mới bị bắt giữ.
Ở bất kỳ trại nào, Ngưu cũng nghĩ, với số án bị cộng qua các lần trốn trại lên tới 22 năm thì chẳng còn cơ hội trở về, cần gì phải nghe lời ai.
Chỉ tới khi về Trại giam Suối Hai, gặp các quản giáo ở đây thì tính tình Ngưu mới chịu thay đổi bởi tình người lúc nào cũng đầy ăm ắp.
Nói về ý nghĩa của món quà, Ngưu bảo: “Chiếc thuyền cũng giống như một con đò mà các thầy giám thị Trại giam Suối Hai chính là người bẻ lái để đưa em sang bến bờ của tự do và lẽ phải.
Nhờ các thầy mà em thấy được mục đích cuộc sống và cố gắng tu dưỡng để có ngày trở về xã hội”.