Tỉnh nghèo toàn núi đá vôi hiểm trở của Trung Quốc được Foxconn nhận định là có lợi thế "độc nhất vô nhị", bứt tốc phát triển thần kỳ

Ngọc Hiệp |

Tỷ phú Jack Ma từng nói rằng nếu từng bỏ lỡ cơ hội ở Quảng Đông và Chiết Giang cách đây 30 năm thì không nên bỏ lỡ tỉnh này ở thời điểm hiện tại.

Tỉnh nghèo toàn núi đá vôi hiểm trở của Trung Quốc được Foxconn nhận định là có lợi thế độc nhất vô nhị, bứt tốc phát triển thần kỳ - Ảnh 1.

Quý Châu là một tỉnh miền núi ở phía Tây Nam của Trung Quốc, nổi tiếng với địa hình hiểm trở với hơn 90% diện tích được bao phủ bởi đồi núi. Tuy nhiên, từ chỗ là một tỉnh nghèo, Quý Châu đã nỗ lực tìm cách phát triển và đi tiên phong trong ngành dữ liệu lớn (Big data) của Trung Quốc.

Sau một thập kỷ, Quý Châu đã trở thành nơi đặt trung tâm dữ liệu lớn quốc gia của Trung Quốc và một trong những khu vực có số lượng siêu trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn cầu. Đến tháng 2 năm nay, 37 trung tâm dữ liệu lớn đã được đưa vào hoạt động hoặc đang được xây dựng ở Quý Châu. Hàng nghìn công ty dữ liệu lớn đang hoạt động tại tỉnh này.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số của tỉnh này đã đứng đầu Trung Quốc trong 7 năm liên tiếp. Hàng loạt gã khổng lồ công nghệ như Apple, Qualcomm, Intel, Oracle, Alibaba, Tencent, Huawei... đã đổ xô đến Quý Châu để thành lập trung tâm dữ liệu. Thậm chí, tỷ phú Jack Ma từng chia sẻ: “Nếu từng bỏ lỡ cơ hội ở Quảng Đông và Chiết Giang cách đây 30 năm thì không nên bỏ lỡ Quý Châu ở thời điểm hiện tại”.

Bộ Công nghệ Thông tin Công nghiệp Trung Quốc cho biết Quý Châu là nơi lý tưởng để xây dựng trung tâm dữ liệu ở miền nam Trung Quốc. Địa hình núi đá vôi – điều từng cản trở sự phát triển của Quý Châu, hóa ra lại là môi trường hoàn hảo cho cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn.

Tỉnh nghèo toàn núi đá vôi hiểm trở của Trung Quốc được Foxconn nhận định là có lợi thế độc nhất vô nhị, bứt tốc phát triển thần kỳ - Ảnh 2.

Triển lãm Công nghiệp Dữ liệu lớn Quốc tế 2021 diễn ra tại Quý Châu (Ảnh: Global Times).

Thời tiết mát mẻ của Quý Châu giúp các máy chủ trong trung tâm dữ liệu luôn được duy trì nhiệt độ ổn định và giảm mức tiêu thụ năng lượng. Lấy Foxconn làm ví dụ, ông lớn công nghệ này đã xây dựng một đường hầm nằm giữa hai ngọn núi ở Quý Châu để các máy chủ luôn được làm mát một cách tự nhiên. Ngoài ra, Quý Châu còn giàu tài nguyên nước và dư thừa điện năng nên có thể cung cấp năng lượng sạch cho các trung tâm dữ liệu.

Không chỉ nổi tiếng về dữ liệu lớn, Quý Châu còn được biết như trung tâm giao thông ở Tây Nam Trung Quốc. Mạng lưới giao thông phát triển bao gồm đường sắt cao tốc, cầu đường và hàng không dân dụng đã biến Quý Châu trở thành trung tâm giao thông ở khu vực này.

Trong đó, không thể không nhắc tới năng lực xây dựng cầu đáng kinh ngạc của Quý Châu. Từ năm 1979 đến năm 2020, mạng lưới đường cao tốc Quý Châu đã phát triển nhanh chóng và hình thành nhiều cây cầu mới.

Ngày nay, Quý Châu được mệnh danh là “bảo tàng cầu của thế giới” với hơn 28.000 cây cầu cao tốc. Tỉnh này còn là quê hương của gần một nửa trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới. Đáng chú ý, 15 cây cầu tại đây đã giành được 25 giải thưởng quốc gia và quốc tế, đánh dấu vị thế của Quý Châu trên bản đồ xây dựng cầu đường thế giới.

Tỉnh nghèo toàn núi đá vôi hiểm trở của Trung Quốc được Foxconn nhận định là có lợi thế độc nhất vô nhị, bứt tốc phát triển thần kỳ - Ảnh 3.

Một trong những cây cầu tại Quý Châu (Ảnh: People's Daily).

Điều thú vị là chức năng của những cây cầu này cũng đã được khai thác triệt để. Từ chỗ chỉ hỗ trợ giao thông, chúng đã trở thành chất xúc tác cho phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại và du lịch của tỉnh.

Ví dụ, cầu treo Balinghe không chỉ đánh dấu sự đột phá về quy mô và độ phức tạp mà còn thúc đẩy các hoạt động giao thông, thương mại khi cung cấp dịch vụ nhảy bungee, nhảy dù và các hoạt động mạo hiểm khác. Từ năm 2019 đến nay, cây cầu đã thu hút khoảng 50.000 khách du lịch, tạo thêm thu nhập cho những hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay, cắm trại và bán nông sản địa phương.

Mới đây nhất, trụ tháp cuối cùng của cây cầu treo Huajiang tại Quý Châu đã được hoàn thành, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng. Đây dự kiến sẽ trở thành cây cầu cao nhất thế giới sau khi hoàn thành vào năm 2025 với chiều cao 625 mét tính từ mặt cầu xuống mặt nước. Cây cầu sẽ giảm thời gian đi qua hẻm núi từ 70 phút xuống còn 1 phút, hứa hẹn giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội địa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại