Tình hình Đông Nam Á sẽ phức tạp hơn nếu Anh đặt căn cứ quân sự

Cẩm Bình |

Kế hoạch lập căn cứ quân sự mới tại Đông Nam Á của Anh có nguy cơ khiến bối cảnh chiến lược vốn rối ren tại đây thêm phức tạp.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cuối tuần trước cho biết nước này lên kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự mới tại các vùng Caribbean và Đông Nam Á sau khi hoàn tất quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Singapore và Brunei là hai ứng viên được xem xét đến.

Một vài nhà phân tích cảnh báo kế hoạch nếu được xúc tiến sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á láng giềng, cũng như khiến căng thẳng Trung - Anh leo thang.

Chuyên gia hải quân Nghê Lạc Hùng thuộc đại học Thượng Hải đánh giá kế hoạch của Anh là bằng chứng cho thấy các đồng minh quan trọng của Mỹ ngày càng gắn kết với đường lối cứng rắn với cường quốc châu Á mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng.

“Đây (chuyện Anh lập căn cứ) là bước đi bổ trợ cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Washington sẽ rất hài lòng”, theo giáo sư Nghê.

Trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, chính quyền Trump thời gian qua thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh với khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Giáo sư Hứa Lợi Bình đến từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) tin rằng chính Mỹ đứng sau kế hoạch lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á của Anh.

“London hoạt động ngày càng tích cực ở Biển Đông vào thời điểm Washington e ngại đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh”, giáo sư Hứa nhận định.

Quan hệ Anh - Trung vốn tốt đẹp trong vài năm qua bỗng nhiên xấu đi khi đảo quốc sương mù bắt đầu thách thức nhiều yêu sách phi lý trên biển của Bắc Kinh. London năm ngoái từng điều tàu chiến tiếp cận khu vực gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khiến Bắc Kinh nóng mặt.

Hiện diện của căn cứ quân sự Anh có thể là tin tốt cho những đồng minh Mỹ trong khu vực đang lo ngại về cam kết của Washington. Còn với Trung Quốc thì điều này báo hiệu thách thức mới trong việc giữ vững thế cân bằng an ninh, gia tăng căng thẳng và thậm chí là đối đầu một phần, chuyên gia Nghê cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia Nghê, kế hoạch của Anh dù chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng sẽ thử thách mối quan hệ giữa Trung Quốc với Singapore và Brunei.

Bắc Kinh đã rất nỗ lực lôi kéo Brunei, bên có liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế thông qua Vành đai và Con đường (BRI). Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 11.2018 vừa sang thăm nước này. Thương mại song phương tăng vọt trong vài tháng qua.

Quan hệ với Singapore không được suôn sẻ như vậy. Trung Quốc hai năm trước cáo buộc đảo quốc sư tử đứng về phía Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Mới đây, Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á về viễn cảnh buộc phải chọn phe khi bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại