Xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, được sáp nhập từ 3 xã là: Thạch Tân, Thạch Lâm và Thạch Hương. Sau khi sáp nhập, xã Tân Lâm Hương kiện toàn đội ngũ cán bộ, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư và tinh giản biên chế, trong đó phần lớn cán bộ tinh giản đợt này là cán bộ đến tuổi về hưu và xin nghỉ hưu trước tuổi.
Theo Bộ Nội vụ, kết quả tinh giản biên chế mới chỉ đạt về chỉ tiêu, số lượng, chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là, chỉ giảm được số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại công việc. (Ảnh: Văn Ngân/VOV.VN)
Nhiều đơn vị khác ở tỉnh Hà Tĩnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dù hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% theo kế hoạch, nhưng lại chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy.
Ông Lê Minh Đạo, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh nêu thực tế: "Việc đánh giá một công chức hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nó vẫn mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng. Nên là trên cơ sở kế hoạch tinh giản biên chế từng cơ quan họ sẽ sắp ra người nào có khả năng để tinh giản chỉ còn đánh giá thực chất cũng chưa chính xác hoàn toàn".
Biên chế giảm nhưng chưa tinh, không chỉ là chuyện riêng ở Hà Tĩnh mà là thực trạng chung của nhiều bộ, ngành, địa phương. Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ thừa nhận: Tinh giản biên chế thời gian qua vẫn chưa sàng lọc được những người năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy, cũng như giữ chân được những cán bội giỏi ở lại làm việc.
"Chúng ta tinh giản biên chế trong bối cảnh vừa làm vừa hoàn thiện thể chế. Ngay cả vấn đề vị trí việc làm mặc dù chúng ta triển khai trong thời gian dài nhưng do cách tiếp cận chưa thực sự đúng hướng, khoa học nên bố trí, đánh giá người theo vị trí việc làm là chưa thực hiện được. Nên nói giảm mang tính cơ học cũng hoàn toàn phù hợp thực tiễn, kết quả chúng ta đang triển khai", ông Vũ Hải Nam chia sẻ.
Cũng liên quan đến tinh giản biên chế, có một thực tế đáng lo ngại cũng đang xảy ra, đó là xuất hiện tình trạng, có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả không cao để "được" đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ nhằm đưa bản thân vào diện tinh giản biên chế. Đáng nói là trong số những cán bộ như vậy có cả những người có năng lực, trình độ.
Người cần không ở, người đuổi không đi. Thực tế này vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước và mục đích tinh giản biên chế không đạt.
PGS, TS Ngô Thành Can, Giảng viên cao cấp Học viện hành chính Quốc gia phân tích: "Chúng ta chưa giảm được số người năng lực hạn chế cần thiết phải giảm đâm ra là người giỏi thì chưa thực sự được khuyến khích và người đuối đuối, kém kém một tý thì lại trông chờ vào người khác giúp đỡ mình, trông chờ vào chế độ chính sách. Chính vì vậy mà không khí làm việc cơ quan nó cũng bị ảnh hưởng. Do đó mà nhiều người đúng là chán nản, làm cầm chừng ấy. Nhiều người ít sáng tạo ít có ý kiến".
Bộ Nội vụ cho biết, nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ việc do tinh giản biên chế cao nhất, chiếm hơn 66%. Nếu tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, chiếm hơn 52%. Tuy nhiên, tính theo chính sách được hưởng, đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất, chiếm gần 82%./.