Virus gây bệnh dại. Ảnh: AP
Đài CNN ngày 30-9 đưa tin người đàn ông nói trên khoảng 80 tuổi. Ông qua đời vì mắc bệnh dại một tháng sau khi được cho là nhiễm virus từ một con dơi tìm thấy trong phòng.
Hồi tháng trước, người đàn ông tỉnh dậy và phát hiện một con dơi trên cổ mình tại ngôi nhà thuộc quận Lake, bang Illinois. Cơ quan y tế địa phương nói rằng họ tiến hành xét nghiệm và cho ra kết quả con dơi dương tính với virus gây bệnh dại. Tuy nhiên, ông nhất quyết không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Một tháng sau, người đàn ông bắt đầu gặp các triệu chứng đau đầu, cổ, tê ngón tay, khó kiểm soát cánh tay và nói khó khăn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 28-9 xác nhận ông bị mắc bệnh dại.
Các chuyên gia động vật hoang dã sau đó tìm thấy một bầy dơi tại nhà của người đàn ông. Theo bác sĩ Ngozi Ezike, bệnh dại là một trong những bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Mặc dù vậy, bệnh nhân có thể được cứu sống nếu điều trị sớm ngay sau khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh.
Virus gây bệnh dại truyền qua tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh, bao gồm cả nước bọt, não và mô thần kinh, theo CDC. Virus này tấn công hệ thần kinh trung ương, gây bệnh não có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị.
Người đàn ông kể trên là trường hợp mắc bệnh dại đầu tiên ở bang Illinois kể từ năm 1954. Trên toàn nước Mỹ, số ca mắc bệnh dại rất ít, khoảng 1-3 ca/năm. Tuy nhiên, ước tính 60.000 người Mỹ tiêm vắc-xin bệnh dại sau phơi nhiễm hằng năm.
Các quan chức y tế bang Illinois cảnh báo mọi người cần chú ý khi bị một con dơi cắn. Ngoài ra, họ cần quan sát kỹ vì dơi có hàm răng rất nhỏ và dấu cắn có thể không dễ nhìn thấy. CDC thống kê hầu hết trường hợp mắc bệnh dại ở Mỹ đều bắt nguồn từ dơi.