Thế giới đang có một tia hy vọng trong trận chiến với Covid-19: Sau một thời gian theo dấu sự lây lan của virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học kết luận rằng chủng corona mới này có tốc độ biến đổi khá chậm.
Nó đột biến chậm hơn các virus thường tấn công đường hô hấp khác như cúm. Và tỷ lệ đột biến chậm này có hai hàm ý - cả hai đều tích cực.
Thứ nhất, nó có nghĩa là SARS-CoV-2 sẽ tồn tại ổn định ở dạng hiện tại và khó có thể trở nên nguy hiểm hơn. Thứ hai, bởi virus không biến đổi nhanh, loại vắc-xin chống lại nó sẽ kéo dài được hiệu quả phòng bệnh.
Đối với virus cúm mùa có tốc độ biến chủng rất nhanh, chúng ta vẫn đang phải tinh chỉnh lại vắc-xin mỗi năm một lần. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi mùa cúm mới chúng ta lại phải tiêm thêm một mũi vắc-xin mới.
Nhưng nếu sản xuất được vắc-xin cho Covid-19, nó có thể là một loại vắc-xin duy nhất. Chúng ta có thể tiêm vắc-xin này nhiều năm liên tiếp mà không mất hiệu quả, giống với vắc-xin sởi hoặc thủy đậu hiện nay.
Một tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Mỹ.
Thông tin mới này đã được Peter Thielen, một nhà di truyền học phân tử tại Đại học Johns Hopkins chia sẻ trên tờ The Washington Post:
Các nhà khoa học đã phân tích 1.000 mẫu virus SARS-CoV-2 khác nhau và thấy rằng chủng virus đang lây lan tại Mỹ chỉ có từ 4-10 khác biệt di truyền so với chủng virus lây lan trong những ngày đầu đại dịch ở Vũ Hán.
"Tại thời điểm này, tỷ lệ đột biến của virus gợi ý rằng vắc-xin được phát triển cho SARS-CoV-2 sẽ là một loại vắc-xin định nhất, chứ không phải mỗi năm lại cần vắc-xin mới như cúm", Thielen nói.
Virus corona ổn định hơn virus cúm
Như một quy luật của tự nhiên, tất cả các virus đều đột biến theo thời gian. Trong quá trình sao chép mã di truyền để nhân lên, virus luôn luôn gặp phải một xác suất lỗi nhất định. Các lỗi này được gọi là đột biến, và các đột biến được di truyền sang thế hệ sao chép tiếp theo của nó, tạo ra một quần thể virus đột biến.
Khi các lỗi sao chép tích lũy qua nhiều thế hệ, virus sẽ bị đột biến thành một chủng khác. Thông thường, các đột biến chủng này không ảnh hưởng đến mức độ lây nhiễm hay cách thức lây lan của virus. Nhưng bằng cách theo dõi sát sao quá trình này, các nhà khoa học có thể theo dấu được quá trình virus lan qua các quần thể người. Đó là một cuộc điều tra quan trọng.
Như một quy luật của tự nhiên, tất cả các virus đều đột biến theo thời gian.
Cho tới thời điểm hiện tại trong dịch Covid-19, các nhà khoa học xác định được SARS-CoV-2 dường như không đột biến quá nhiều. Mặc dù có những thay đổi tinh tế trong bộ gen theo thời gian, nhưng virus xuất hiện giống nhau ở mọi nơi trên thế giới. Các chủng biến đổi của chúng gần như giống hệt nhau.
Andrew Rambaut, một nhà sinh học tiến hóa phân tử tại Đại học Edinburgh, nói với Tạp chí Science rằng SARS-CoV-2 tích lũy trung bình khoảng 1 đến 2 đột biến mỗi tháng. "Tốc độ đó chậm hơn khoảng 2 đến 4 lần so với bệnh cúm", ông nói.
Trevor Bedford, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, chia sẻ rằng virus cúm là một chủng đột biến cực kỳ nhanh. Cứ 10 ngày một lần, nó lại tích lũy được một đột biến vào bộ gen của mình.
"Hầu hết những đột biến đó không quan trọng", Bedford viết trên trang Twitter cá nhân của mình. "Nhưng đôi khi một đột biến trên virus cúm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch hiện tại của người dân đối với căn bệnh mà nó gây ra". Đó là lý do tại sao chúng ta phải tiêm phòng cúm mùa mỗi năm một lần, mỗi năm vắc-xin đều được tinh chỉnh nhưng không phải lúc nào cũng có hiệu quả tuyệt đối.
Stephen Morse, một nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, cho biết tất cả các chủng virus corona nói chung ít có xu hướng đột biến nhanh như cúm. Virus SARS-CoV-2 mới cũng vậy, nó không thể thay đổi theo mùa.
Giải thích lý do tại sao lại vậy, nhà virus học Benjamin Neuman đến từ Đại học Texas A & M cho biết:
"Cúm có một mánh khóe mà virus corona không có - bộ gen của virus cúm được chia thành nhiều phân đoạn, mỗi phân đoạn mã hóa cho một gen. Khi hai virus cúm chui vào trong cùng một tế bào, chúng có thể hoán đổi một số phân đoạn, có khả năng tạo ra một đột biến mới ngay lập tức. Đó chính là cách mà cúm lợn H1N1 được sinh ra".
Vắc-xin có thể giữ được hiệu lực lâu dài
Đó là một tin vui cho chúng ta, bởi virus không biến chủng có nghĩa là vắc-xin sẽ có thể hiệu quả trong nhiều năm. Bedford dự đoán "sẽ mất một vài năm để virus biến đổi đến mức kháng lại được vắc-xin đầu tiên mà con người tạo ra dành cho nó".
Tính tới thời điểm này, chúng ta đang có hơn 40 ứng cử viên vắc-xin tiềm năng cho Covid-19. Moderna, một công ty công nghệ sinh học tại Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin của mình trên người. Quá trình thử nghiệm có thể kéo dài khoảng một năm.
Điều đó có nghĩa là từ giờ cho tới tháng 3 năm 2021, chúng ta sẽ chưa thể có bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào trên thị trường. Nhưng Bedford nói một khi vắc-xin được tung ra, nó sẽ bảo vệ được chúng ta trong một thời gian dài.
Tất nhiên, virus cũng sẽ vẫn biến đổi và có khả năng phá vỡ miễn dịch cộng đồng hoặc kháng lại vắc-xin mà chúng ta tạo ra, nhưng "quá trình này phải mất nhiều năm chứ không thể tính bằng tháng", Bedford viết.
Nhiều khả năng vắc-xin Covid-19 sẽ hoạt động giống những mũi tiêm sởi, nó có thể bảo vệ chúng ta suốt đời.
SARS-CoV-2 sẽ vẫn biến đổi và có khả năng kháng lại vắc-xin mà chúng ta tạo ra, nhưng quá trình này phải mất nhiều năm chứ không thể tính bằng tháng.
Trở lại với sự đột biến của virus. Phải nhấn mạnh lại một điều rằng hầu hết các đột biến trong bộ gen của chúng là vô hại. Chỉ có một tỷ lệ thấp rủi ro có thể xảy ra, khi một đột biến có thể khiến virus lây lan nhanh hơn hoặc mạnh hơn. Những đột biến này cần phải được theo dõi sát sao, vì nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Khi virus SARS-CoV-2 nhảy từ một loài động vật sang người, đó là vì nó đã tích lũy được một đột biến quan trọng. Và khi virus lây từ người sang người một cách dễ dàng, đó lại là một đột biến nguy hiểm tiếp theo.
Rất may là kể từ đó tới nay, các nhà khoa học chưa nhận thấy SARS-CoV-2 có thêm bất kỳ đột biến theo hướng nguy hiểm nào. Ít nhất, đó cũng là một thông tin tích cực ở thời điểm hiện tại.
Tham khảo Businessinsider