Linh vật chính thức của Thế vận hội Paris 2024 tại trụ sở Ủy ban Olympic ở Saint-Denis (Pháp) - Ảnh: REUTERS
Ukraine tẩy chay Olympic ở Pháp nếu có vận động viên Nga
Hôm 26-1, Bộ trưởng Thể thao Ukraine Vadym Goutzeit cảnh báo Ukraine sẽ tẩy chay Thế vận hội Paris 2024 nếu các vận động viên Nga và Belarus được phép tham dự sự kiện thể thao này.
Động thái của Ukraine diễn ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết đang tìm "một con đường" để người Nga được tham dự thế vận hội. Theo Bộ trưởng Goutzeit của Ukraine, hành động của IOC là "không thể chấp nhận".
Bản thân các tổ chức thể thao đang gặp sức ép lớn với cáo buộc "đạo đức giả". Một mặt, họ thúc đẩy một nền thể thao phi chính trị. Một mặt, họ phải chịu sức ép chính trị vì cấm vận động viên Nga tham dự.
* Tăng sức ép lên những công ty hỗ trợ Nga tại Ukraine. Ngày 26-1, Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt lên tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, liên quan tới vai trò của công ty tư nhân này ở Ukraine cũng như các hoạt động khác ở châu Phi.
Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra các tuyên bố phối hợp nhắm vào hàng chục chi nhánh của Wagner hoạt động tại châu Phi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Ngoài ra, danh sách trừng phạt cũng chạm tới công ty nghiên cứu khoa học công nghệ Trung Quốc Spacety China (Changsha Tianyi Space Science and Technology Research Institute Co. LTD). Spacety China được cho đã cung cấp hình ảnh vệ tinh về Ukraine cho Wagner và hỗ trợ các hoạt động của công ty đánh thuê này ở Ukraine.
Động thái mới nhất của Mỹ phản ánh sức ép cho chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc trừng phạt đồng minh của Nga.
Truyền thông Mỹ cho rằng Washington đang phải tìm cách "chặt vây cánh" của Nga tại Ukraine thông qua việc trừng phạt các công ty hỗ trợ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Matxcơva. Trong số các mục tiêu trừng phạt này có công ty của Iran và Trung Quốc.
* Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 18 cá nhân và thực thể Nga. Cùng ngày 26-1, Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các thực thể và cá nhân Nga.
Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) đang thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm làm suy yếu khả năng của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các biện pháp hạn chế được cho là nhằm vào các cơ sở hỗ trợ chiến dịch này, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí, các doanh nghiệp sửa chữa tàu, những người liên quan đến việc quản lý các khu vực đã được sáp nhập vào Nga cùng các thực thể và cá nhân có liên quan đến công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga.
Tổng cộng có 6 cá nhân và 12 thực thể nằm trong diện trừng phạt lần này.
Trong danh sách công bố có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov, cũng như người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga Rustam Minnikhanov và phu nhân Gulsina Minnikhanova.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định công ty quân sự tư nhân Wagner là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
* Ngoại trưởng Nga tới Eritrea. Theo Hãng tin TASS của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Eritrea trong chuyến thăm và làm việc tại quốc gia châu Phi này.
Trong thời gian ở Eritrea, ông Lavrov dự kiến sẽ gặp Tổng thống nước chủ nhà, ông Isaias Afwerki, và Ngoại trưởng Osman Saleh Mohammed.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nam Phi ngày 23-1 - Ảnh: REUTERS
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga trước đó đã đến thăm Nam Phi, Eswatini và Angola trong khuôn khổ chuyến công du châu Phi của ông. Eritrea dự kiến sẽ là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du. Eritrea là một quốc gia ở đông nam châu Phi bên bờ Biển Đỏ.
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Eritrea được thiết lập vào ngày 24-5-1993. Hồi tháng 4-2022, Bộ trưởng Ngoại giao Eritrea Osman Saleh Mohammed đã có chuyến thăm Matxcơva. Eritrea là một trong các quốc gia bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga về tình hình ở Ukraine hồi tháng 3-2022.
* Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong quý 4. Ngày 26-1, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu tăng trưởng quý 4-2022 của nước này cao hơn kỳ vọng, nhưng vẫn để lại nhiều mối lo.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý 4 (từ tháng 10 tới tháng 12-2022) đạt mức 2,9%. Con số này thấp hơn tăng trưởng trong quý trước đó (3,2%), nhưng vẫn là số liệu tích cực và thực tế đã cao hơn một chút so với dự đoán của giới chuyên gia.
Ví dụ, trước đây các nhà kinh tế của Dow Jones chỉ hy vọng tăng trưởng quý 4 của Mỹ đạt 2,8%. Đây cũng là quý thứ hai liên tục Mỹ ghi nhận tăng trưởng tích cực sau hai quý suy giảm.
Tuy vậy, theo Hãng tin Reuters, số liệu này có thể "phóng đại" sức khỏe nền kinh tế Mỹ vì tăng trưởng trong nhu cầu nội địa đang chậm nhất trong hai năm rưỡi qua, phản ánh tác động từ việc chi phí đi vay tăng cao.
Chi tiêu của người tiêu dùng được duy trì, nhưng thực tế phần lớn sự gia tăng diễn ra chỉ trong đầu quý 4. Doanh số bán lẻ suy yếu mạnh trong tháng 11 và 12.
* Mỹ tiêu diệt nhóm lãnh đạo của IS tại Somalia. Hôm 26-1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quân đội Mỹ đã tiêu diệt một quan chức cấp cao và 10 người khác thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Somalia.
Theo đó, đợt vây ráp triển khai ngày 25-1 đã tiêu diệt Bilal al-Sudani, người được xem đóng vai trò quan trọng trong khâu tài chính của IS.
Al-Sudani đã lọt vào tầm ngắm của tình báo Mỹ nhiều năm nay sau khi giúp gây quỹ cho các hoạt động của IS ở châu Phi, cũng như nhánh ISIS-K của tổ chức này tại Afghanistan, Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
* Nổ gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Nga phản bác IAEA. Ngày 26-1, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc thông tin về một vụ nổ mạnh gần Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đây là nhà máy hiện do Nga kiểm soát kể từ tháng 3-2022, không lâu sau khi khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, ông Rafael Grossi, cho rằng Nga không thể đảm bảo an toàn cho nhà máy ở Zaporizhzhia - do Công ty Rosenergoatom của Nga điều hành.
Tuy nhiên ông Renat Karchaa, một cố vấn của Rosenergoatom, khẳng định bình luận của ông Grossi là vô căn cứ.
"Tôi chỉ có thể mô tả đây là một sự khiêu khích. Trước khi các anh trưng ra thông tin kiểu như vậy, các anh phải kiểm tra và đảm bảo nó không dựa trên tin đồn", Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Karchaa.
An toàn hạt nhân là vấn đề ưu tiên tại nhà máy Zaporizhzhia. Nga và Ukraine trong khi đó thường xuyên tố đối phương tấn công vào khu vực gần nhà máy này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden xem múa lân trong sự kiện Tết âm lịch tổ chức ở Nhà Trắng ngày 26-1-2023 - Ảnh: REUTERS