Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 25-1 - Ảnh: EPA
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý gửi 31 chiếc xe tăng M1 Abrams đến Ukraine. Đây được xem là bước tiến quan trọng đối với các nỗ lực của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine, đặc biệt về xe tăng.
Mỹ gửi xe tăng cho Ukraine, đồng minh hưởng ứng?
Tại Nhà Trắng ngày 25-1 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden nhấn mạnh sự đoàn kết của Mỹ và châu Âu trong việc ủng hộ Ukraine.
"Putin hy vọng quyết tâm của châu Âu và Mỹ suy yếu. Ông ấy hy vọng sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine sụp đổ theo thời gian. Ông ta đã sai, sai từ đầu và giờ vẫn tiếp tục sai", ông Biden nói.
Ukraine rút khỏi Soledar, Nga áp sát điểm nóng Bakhmut ĐỌC NGAY
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ phía Nhà Trắng cho biết các xe tăng của Mỹ sẽ mất nhiều tháng để tới được Ukraine. Tuy nhiên, hàng loạt động thái gần đây từ châu Âu ít nhiều mang tính biểu tượng cho một mặt trận đoàn kết ủng hộ Ukraine, đặc biệt đối với vấn đề xe tăng.
Trước đó, Đức xác nhận sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine nhằm giúp Kiev chống lại các lực lượng Nga. Quyết định này mở đường cho các nước như Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan và Na Uy cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine.
Nga và Ukraine phản ứng về quyết định gửi xe tăng của phương Tây
* Nga tức giận với Đức. Trước việc Đức chấp nhận cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, Nga tỏ ra giận dữ và cho rằng Berlin đã từ bỏ "trách nhiệm lịch sử với Nga", bắt nguồn từ tội ác của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Trong khi đó, đại sứ Nga tại Washington khẳng định việc Mỹ gửi xe tăng cho Ukraine là "một hành động khiêu khích trắng trợn".
* Ukraine ca ngợi quyết định của Mỹ. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, điểm then chốt giúp Ukraine chống lại Nga là tốc độ và số lượng vũ khí. Ông ca ngợi quyết định gửi xe tăng của Mỹ và Đức, đồng thời kêu gọi các nước tiếp tục hỗ trợ Ukraine ở các nhu cầu quân sự khác.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết đã nói chuyện với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg, và kêu gọi các nước NATO hỗ trợ thêm tên lửa tầm xa và máy bay nhằm bổ sung vào cam kết của Mỹ và Đức trong lĩnh vực xe tăng nêu trên.
* Hải quân Thái Lan lên kế hoạch đóng tàu khu trục thứ hai. Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã đề nghị nội các nước này cấp 15 tỉ baht (457 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để tài trợ cho kế hoạch đóng mới một tàu khu trục nhỏ.
Hải quân Hoàng gia Thái Lan tiếp nhận khinh hạm HTMS Bhumibol Adulyadej do Hàn Quốc đóng trị giá 14,6 tỉ baht tại Chuk Samet, ngày 7-1-2019 - Ảnh: Bangkok Post
Theo TTXVN, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã trình nội các cấp 15 tỉ baht (khoảng 457 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để trang trải cho kế hoạch đóng một tàu khu trục nhỏ mới.
Đề nghị được Bộ Quốc phòng Thái Lan đưa ra trong dự thảo kế hoạch ngân sách cho năm tài chính 2024, bắt đầu vào ngày 1-10 tới.
Truyền thông sở tại cho biết đề xuất này đã được nội các xem xét lần đầu tiên vào ngày 24-1 và đã được đồng ý về nguyên tắc.
Khoản giải ngân đầu tiên được đề nghị trong năm tài chính 2024 là 1,7 tỉ baht (gần 52 triệu USD). Hiện, các công ty đóng tàu ở Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nga và Pháp đã tỏ sự quan tâm đến dự án đóng tàu khu trục nhỏ.
Nguồn tin cho biết một điều kiện quan trọng là công ty được chọn cũng sẽ phải chuyển giao công nghệ cho Hải quân Thái Lan. Tàu khu trục được lên kế hoạch là chiếc thứ 2 trong số 2 chiếc mà Hải quân Thái Lan được cấp theo kế hoạch.
Tàu khu trục đầu tiên là HTMS Bhumibol Adulyadej được chế tạo tại Hàn Quốc và được bàn giao vào năm 2019.
Trong một tin tức liên quan, phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng gần đây, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã nói về việc xây dựng một kế hoạch chiến lược quốc gia để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Đại tá Chitanat Punnothok, phó phát ngôn Bộ Quốc phòng, cho biết theo kế hoạch kéo dài từ năm nay đến năm 2027, Thái Lan dự kiến sẽ ít phụ thuộc vào các bộ phận nhập khẩu cho phần cứng quân sự trong khi phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình.
* Triều Tiên phong thành 5 ngày để chống dịch bệnh hô hấp. Theo NK News ngày 25-1, chính quyền thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đã ra lệnh tạm phong tỏa thành phố trong 5 ngày sau khi ghi nhận số ca bệnh hô hấp gia tăng. Hiện chưa rõ ca bệnh hô hấp này là gì.
Theo thông báo của chính quyền, một "giai đoạn chống dịch đặc biệt được hình thành". Các đoàn ngoại giao ở Bình Nhưỡng cũng được yêu cầu không để nhân viên đi ra bên ngoài, đồng thời người dân được khuyến cáo đo nhiệt độ 4 lần/ngày, gửi kết quả cho bệnh viện qua điện thoại.
* Số người vượt biên vào Mỹ giảm mạnh. Ngày 25-1, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết tình trạng vượt biên trái phép vào Mỹ đã giảm mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai một chương trình mới cho phép người di cư nộp đơn từ quốc gia của mình để nhập cảnh vào Mỹ.
Dữ liệu của Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cho thấy chương trình mới, vốn chỉ áp dụng cho những người di cư từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela, đã giúp giảm 97% số người vượt biên trái phép vào Mỹ từ 4 quốc gia này.
Theo chương trình, tối đa 30.000 người di cư từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela có thể nhập cảnh vào Mỹ mỗi tháng và Mỹ có thể trục xuất sang Mexico một số lượng tương đương người di cư trái phép từ 4 quốc gia nêu trên.
Trong thông cáo báo chí, Bộ An ninh nội địa Mỹ nêu rõ tính đến ngày 11-12-2022, trung bình mỗi ngày trong tuần có 3.367 người vượt biên trái phép vào Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai chương trình mới tính đến ngày 24-1, số lượng người vượt biên trái phép vào Mỹ trung bình mỗi ngày trong tuần đã giảm xuống chỉ còn 115 người.
Người di cư trèo qua bức tường biên giới Mexico - Mỹ, gần cửa khẩu El Chaparral ở Tijuana, bang Baja California, Mexico - Ảnh: AFP/TTXVN
Các biện pháp kiểm soát biên giới bổ sung nhằm hạn chế người nhập cư bất hợp pháp và mở rộng các các con đường an toàn, hợp pháp để nhập cảnh vào Mỹ được Tổng thống Joe Biden công bố và áp dụng từ ngày 5-1.