Sự quyết đoán của bà Bí thư
Tin tốt lành đầu tiên là phản ứng nhanh nhạy quyết đoán của Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà về hủy bỏ hủ tục treo trâu đến chết trong lễ hội đền Đông Cuông, ngay từ năm nay (hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội và báo chí là của những năm trước, năm nay lễ hội chưa diễn ra).(đọc tin chính)
Hy vọng sang năm chúng ta sẽ không còn phải tự chế giễu về những hủ tục man rợ kiểu "Từ trong hang đá chui ra/Vươn vai một cái rồi ta chui vào" như thế này nữa.
Nhà quản lý muốn nghe bằng... facebook
Tôi tình cờ đọc được một status thú vị trên Diễn đàn dành cho các bác tài mang tên Bạn hữu đường xa. Người viết có nick Nguyen Duc Tham, tự giới thiệu công tác tại Sở GTVT tỉnh Bình Dương, trực tiếp tham gia quản lý việc xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Ông "rất muốn lắng nghe và trao đổi cùng các bác tài để cùng xây dựng những con đường an toàn hơn, phù hợp với tâm lý, thói quen chạy xe của các bác tài vì mình nghĩ thực tế bao giờ cũng sống động hơn lý thuyết."
Dưới status lập tức xuất hiện liên tục hàng chục comment của các tài xế góp ý chủ yếu về đường cao tốc mới mở Mỹ Phước-Tân Vạn. Tôi đếm, chỉ trong chưa đến 24 tiếng, ít nhất ba góp ý đã được ông Nguyen Duc Tham ghi nhận: Một đã chuyển đến cơ quan chủ quản, hai đã lên văn bản giải quyết, các góp ý khác được bàn luận và cung cấp thêm thông tin.
Hai "quan đầu tỉnh" khác của Bình Dương trực tiếp liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ cũng cùng tham gia bàn bạc với các tài xế, khiến họ rất thích thú và tôi cũng vậy.
Đó là nick Vinh Bao, Phó chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh và nick Khuong Nguyen Duy, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh.
Trong phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm Bình Dương phát triển (diễn ra vào trước Tết), thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bình Dương phải trở thành một hình mẫu độc đáo về tư duy phát triển.
Những hoạt động tích cực và thân thiện của các cá nhân trên quả đã ghi ấn tượng cho tôi về một phong cách Bình Dương trẻ trung với slogan "trải thảm đỏ" như đã thành truyền thống.
Chú bé không tiền đi xe bus và "bài toán nhân văn" của phụ xe
Bạn làm gì khi gặp một chú nhỏ muốn xe bus nhưng không có tiền mua vé? Câu chuyện này, ban đầu có vẻ sai sai (ai lại đi dung dưỡng một người xài chùa xe bus chứ), nhưng nghe đến tận cùng thì trái tim thật là rộng mở.
"Hôm nay đi xe bus, gặp một tên nhóc mặt mày lấm lét lên xe, anh bán vé hỏi tên nhóc "đi đâu?". Nó bảo "Cháu đi sang chỗ mẹ làm việc", sau tự kiểm tra túi rồi mặt nghệt ra bảo "Cháu quên mang tiền...". Mình định tiến tới đưa tiền vé cho nó anh xua tay ra hiệu không cần. Sau đó anh bảo nó ngồi xuống và hỏi:
- Học lớp mấy rồi?
- Dạ lớp 7.- Bây giờ chú đố một bài toán, giải được chú cho đi sang chỗ mẹ, không thì chú bắt về bến.
Nói rồi anh lấy mặt bìa sau của cuốn sổ viết đề bài, cu cậu ngồi đăm chiêu suy nghĩ nháp nháp rồi viết nguệch ngoạc.
- Sai rồi, phải giải như này.
Anh cầm bút rồi hướng dẫn nó làm đúng, mặt cu cậu hớn hở ra trò, cười rất tươi. (đọc tinh chính)
Chiếc dù nhỏ và hiệu ứng không nhỏ trên sân ga
Trên xe lửa là câu chuyện ấm áp khác giữa những ngày miền Trung mưa gió trái mùa. Người che chiếc dù trong bức ảnh dưới đây là ông Nguyễn Đức Thích, 52 tuổi, đã có hơn 30 năm phục vụ trong ngành đường sắt ở ga Quảng Ngãi.
Được đăng trên một diễn đàn về ảnh đường phố của Việt Nam, người chụp ghi chú: "Bác Thích dùng chiếc dù nhỏ xíu để che cho hai mẹ con hành khách lên tàu không bị ướt từ ga Quảng Ngãi vào Sài Gòn".
Dưới đó, một hành khách khác kể vài ngày sau đó anh cũng xuất phát từ ga này, trời vẫn mưa và bác Thích vẫn dùng chiếc dù đó để che cho mọi người.
Tôi bật cười vì hàng loạt người dùng facebook lập tức nhảy vào khoe "Cháu Quảng Ngãi đây" "Con cũng Quảng Ngãi". Cái sự "bắt quàng làm họ" dễ thương này, biết đâu đấy, sẽ khiến cho một hành vi tử tế bắt rễ và lan rộng trong cộng đồng.
Em bé sinh ra từ trứng đông lạnh 16 năm-câu chuyện của con người
Đơm hoa kết quả, nảy nở sinh sôi là một ước mong cầu lành của nhiều người trong đầu năm mới. Tin tốt lành của chúng ta hôm nay có một câu chuyện sinh sôi rất tuyệt vời cho những bà mẹ gặp khó khăn trong mang thai tự nhiên. Đó là một bé trai ở Trung Quốc vừa được chào đời sau 16 năm nằm trong tủ đông lạnh.
Cậu bé sinh ra từ phôi thai đông lạnh nặng 3,8 kg và hoàn toàn khỏe mạnh.. Ảnh: SCMP
"16 năm trước, người mẹ mắc bệnh đa nang buồng trứng đã làm thụ tinh ống nghiệm, thành công tạo được 19 phôi thai. Chị sinh một bé trai, 18 phôi thai còn lại gửi đông lạnh. Năm ngoái, khi Trung Quốc bắt đầu cho phép đẻ hai con, chị đến bệnh viện "đánh thức" thêm một đứa".
18 năm nữa, chú bé lớn lên, có lẽ sẽ trở thành một soái ca với vẻ mặt được lập trình lạnh lùng nhưng trái tim nồng ấm (cứ để tôi mơ đi).
Bây giờ thì bạn cười đi. Top comments dưới cái TIN TỐT LÀNH đó viết như thế này:
- "Sao anh lạnh lùng thế?" - "Tại hồi bé anh bị đông lạnh."
"Cuộc sống là vậy... có những điều thật đẹp và bình dị, chỉ là ta chưa dừng lại để ngắm nhìn mà thôi" (fb của người chụp tấm ảnh chú bé không có tiền mua vé trên xe bus)