TIN TỐT LÀNH 9/5: Ước mơ của bộ trưởng lương 20 triệu/tháng và bài thơ gai người của dân nghèo

Bùi Hải |

Với mức lương hiện hành như của Bộ trưởng, để mua được biệt thự giá 100 tỉ, phải mất khoảng 714 năm, mua biệt thự 50 tỉ phải mất 357 năm, mua biệt thự 10 tỉ cũng mất 71 năm.

"Tôi hỏi thật"

Theo tiết lộ của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, lương hiện tại của ông là 11.690.000đ, chưa bằng một nửa thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank (26,5 triệu, số liệu năm 2016).

Điều kiện để một công bộc liêm chính có thể sở hữu một biệt thự khủng như thế, là ông ta phải sống lâu như ông Bành Tổ, làm việc liên tục không nghỉ và lĩnh lương xong, chỉ hít không khí để sống, không được chi tiêu bất cứ thứ gì (chứ đừng nói đến điện thoại Vertu, thắng lưng LV, áo Burberry, giày Lacoste, đánh golf, du hí ngoại quốc…)

Câu hỏi của ông Nguyễn Chí Dũng cũng là câu hỏi của rất nhiều người: "Với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?".

Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ - TB - XH Phạm Minh Huân kể: Từ 1993 - khi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan ước ao đến năm 2000 lương Bộ trưởng được 1.000 USD/tháng (khoảng 20 triệu đồng).

Tuy nhiên, đã 18 năm qua, lương Bộ trưởng ở Việt Nam mới khoảng 13 triệu đồng/tháng. (đọc tin chính)

Nguyên thủ: Chi tiêu tiết kiệm vẫn nhận lương khủng

Thủ tướng Lý Hiển Long, người rất hay chọn đi công cán (kể cả dự hội nghị thượng đỉnh APEC) bằng máy bay thương mại. Ông không dùng chuyên cơ để tiết kiệm cho quốc khố.

Tuy nhiên ông lại nhận mức lương cao ngất ngưởng: Năm 2015 ông lĩnh 1,7 triệu USD, bằng mức lương của Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức, Nhật và Anh cộng lại; cao hơn 4 lần lương Tổng thống Mỹ Obama.

Ông Obama là một người vô cùng tiết kiệm trong ăn mặc: Trong suốt 8 năm, ông Obama chỉ sắm duy nhất và mặc duy nhất 1 bộ vest và đi duy nhất 1 đôi giày.

Nhưng ông Obama vẫn có mức lương nguyên thủ cao thứ 2 thế giới, sau ông Lý Hiển Long.

Mức lương ấy, chính là một trong những động lực mạnh (cộng với rất nhiều thể chế, cơ chế, giám sát) để họ "dưỡng liêm" – nuôi dưỡng sự liêm chính.

Phong bì công khai và phong bì đi đêm

"Chúng ta có đang sống bằng lương không?". Công bộc Việt Nam không sống bằng lương thì sống bằng gì?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng đã đưa ra một câu hỏi và câu trả lời mà rất nhiều người đã đặt ra năm này qua năm khác:

"Lương cán bộ lãnh đạo không đủ sống, nhưng tại sao con cái họ vẫn đi học ở nước ngoài, tại sao có biệt thự, xe con? Rõ ràng đang có chuyện sống bằng các nguồn thu nhập không chính thức, không công khai". (đọc tin chính)

Câu hỏi của ông Dũng, về nguyên lý, chỉ có 3 hướng trả lời:

Thứ nhất, vẫn có những lãnh đạo liêm chính chỉ sống bằng lương như Thủ tướng Phan Văn Khải. Sau khi về hưu, ông về quê, ăn rau nhà trồng, gà nhà nuôi, mặc áo nâu sồng, cắt tóc 30.000 đ. 

Những cách sống như thế, liệu có còn ai không, chắc chúng ta đều trả lời được.

Thứ hai, họ không sống bằng lương, nhưng có những nguồn thu nhập chính đáng từ người thân kinh doanh, từ tư vấn, giúp đỡ chính đáng.

Thứ ba, sống bằng phong bì. Phong bì công khai và phong bì đi đêm.

Phong bì công khai hiện nay, cũng là một nguồn thu nhập đáng kể. Ông Lê Mạnh Hà, khi còn làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cũng đã thừa nhận:

"Tôi chưa thấy ai nói về thu nhập của mình từ phong bì, thế nhưng đó là thực tế. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì ít phong bì lắm. 

Nhưng ra ngoài này thì khác, tôi đi họp ở nơi này nơi kia, người ta đưa phong bì, tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ. Xấu hổ nhưng rất khó từ chối, vì ở Việt Nam, đó là một thứ văn hoá, đã là thứ không thể thiếu trong hoạt động thường ngày". (đọc tin chính)

Với một lịch họp dày đặc như ở Việt Nam, mà nhiều cuộc họp đều có phong bì, thì rõ ràng đây là một nguồn thu nhập không nhỏ.

TIN TỐT LÀNH 9/5: Ước mơ của bộ trưởng lương 20 triệu/tháng và bài thơ gai người của dân nghèo - Ảnh 1.

GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, ông Sử Ngọc Anh, đã tính toán: Trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo sở (4 người) phải dự hơn... 2.000 cuộc họp, bình quân mỗi lãnh đạo sở họp 3-4 cuộc/ngày là bình thường, chưa kể họp đột xuất, họp phát sinh".

Một sở đã như vậy, thì tần suất họp một bộ sẽ như thế nào?

Còn phong bì đi đêm thì muôn hình vạn trạng, nó được biến hình từ chai rượu ngoại, từ một buổi ăn nhậu đã đời đến những biệt thự khủng, một chiếc ghế, thậm chí cả một dự án…

Có thể nói, những công bộc sống bằng con đường thứ ba này, càng kiếm tiền nhanh bao nhiêu thì con đường vào lò càng ngắn lại bấy nhiêu.

Bài thơ gai góc của dân nghèo

Theo đề án cải cách tiền lương mới đang được thảo luận tại Hội nghị TƯ 7, tất cả công chức viên chức đều được tăng lương.

Công cuộc đốt lò, chính là cuộc cách mạng để "bảo liêm" – bảo vệ sự liêm chính cho công bộc.

Cải cách tiền lương, chính là cuộc cách mạng để "dưỡng liêm".

Dưỡng liêm, bảo liên tốt, bộ máy kiến tạo, phục vụ sẽ vận hàng trơn tru.

Theo tờ Tuổi trẻ, hôm qua, trong cuộc tiếp xúc cử tri ở TP.HCM, sau khi trình bày những bức xúc về đất đai, một cử tri đã đọc mấy câu thơ gai góc:

Trên kiến tạo dưới kiến bò

Công văn đã gửi vòng vo chín lần

Chính quyền luôn nói vì dân

Làm thì ngược lại cứ ngâm quá trời

Mong sao hành động đi thôi

Xin đừng lặp lại những lời hứa suông.

Khi hai cuộc cách mạng "bảo liêm, dưỡng liêm" được thực hiện song song, cùng với những đề xuất thay đổi rất lớn trong công tác cán bộ, chặn đứng tình trạng cả họ làm quan, chặn đứng vấn nạn đúng quy trình nhưng chọn sai người, chắc chắn những câu thơ của dân nghèo sẽ vui tươi và bớt đi nhiều cay đắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại