Lực lượng của Cộng hòa Donetsk tự xưng bắn pháo tại khu vực này ngày 11-10 - Ảnh: AFP
* Ukraine kêu gọi phương Tây hỗ trợ phòng không. Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine kêu gọi các nước nhóm G7 cung cấp thêm các hệ thống phòng không trong bối cảnh Nga đang tăng cường không kích tại nước này. Nhóm G7, gồm Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Anh, Ý, Canada, đã cam kết sẽ tiếp tục giúp Kiev về tài chính, quân sự, ngoại giao, nhân đạo...
Trong bản thông tin tối 11-10, ông Zelensky cũng cho biết Nga đã bắn 28 tên lửa vào các vùng lãnh thổ của Ukraine trong ngày thứ hai liên tiếp thực hiện tấn công trả đũa vụ cầu Crimea bị đánh bom xe.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng cuộc tấn công của Nga chưa có dấu hiệu dừng, nhưng trong ngày 11-10, lực lượng phòng không của Ukraine cũng đã bắn hạ hơn 15 máy bay không người lái (chủ yếu là loại do Iran sản xuất).
* Mỹ đẩy nhanh cung cấp hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine. Ông John Kirby - người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết Washington đang đẩy nhanh việc chuyển tám Hệ thống đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cho Kiev như đã hứa.
Theo đó, hai hệ thống sẽ sớm được chuyển đến Ukraine và sáu hệ thống còn lại được giao sau. Vào cuối tháng 9-2022, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố bắt đầu bàn giao các hệ thống NASAMS trong vòng khoảng hai tháng tới.
Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các đồng minh nhanh chóng thực hiện các lời hứa hỗ trợ cho Ukraine. Washington dự kiến giải ngân 4,5 tỉ USD cam kết hỗ trợ cho Ukraine trong vài tuần tới, theo đó nâng tổng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho Kiev lên 13,5 tỉ USD.
Một hệ thống NASAMS được triển khai ở Hà Lan năm 2014 - Ảnh: NEWSWEEK
* Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Putin đã tính sai về việc tấn công Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với Đài CNN cuối ngày 11-10, ông Biden nói ông tin rằng người đồng cấp Nga đã đánh giá thấp sự phản công của Ukraine. "Ông ta nghĩ rằng sẽ được chào đón nhưng tôi nghĩ ông ta đã hoàn toàn tính toán sai lầm", tổng thống Mỹ nhận định.
* NATO sắp tập trận hạt nhân. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự này sẽ tiến hành một cuộc tập trận hạt nhân vào tuần tới theo kế hoạch định sẵn.
“Hành động chắc chắn, có thể dự đoán được của NATO, sức mạnh quân sự của chúng tôi, là cách tốt nhất để ngăn chặn leo thang", Đài Al Jazeera dẫn lời ông Stoltenberg.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: REUTERS
Cuộc tập trận "Steadfast Noon", diễn ra định kỳ hằng năm và thường kéo dài khoảng một tuần. Tham gia diễn tập gồm máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng không mang theo bom thật, cùng nhiều loại máy bay khác.
Dự kiến sẽ có 14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO tham gia tập trận. Theo một quan chức NATO, phần lớn cuộc diễn tập sẽ diễn ra cách Nga hơn 1.000 km.
* Saudi Arabia giải thích việc cắt giảm sản lượng dầu. Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, nói trên kênh Al-Arabiya vào ngày 11-10 rằng quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu và đồng minh (OPEC+) là hoàn toàn vì lý do kinh tế và có nhất trí chung.
Theo nước này, các thành viên OPEC + đã hành động có trách nhiệm và đưa ra quyết định phù hợp, đồng thời khẳng định liên minh này đang tìm cách ổn định thị trường vì lợi ích của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Trong ngày 11-10, Nhà Trắng của Mỹ cho biết Washington sẽ cân nhắc lại quan hệ với Saudi Arabia sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+.
* Tình báo Anh lo ngại công nghệ của Trung Quốc. Cơ quan tình báo GCHQ của Anh cho rằng sự thống trị ngày càng lớn về công nghệ của Trung Quốc, như định vị vệ tinh và tiền kỹ thuật số, là "vấn đề khẩn cấp" cho phương Tây.
"Công nghệ đã trở thành một chiến trường để (giành) kiểm soát, các giá trị và ảnh hưởng", Hãng tin AFP dẫn lời ông Jeremy Fleming, giám đốc GCHQ, kêu gọi phương Tây hành động, đầu tư vào công nghệ.
* G20 lo ngại an ninh lương thực sẽ càng trầm trọng. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết gần như tất cả các bộ trưởng nông nghiệp và tài chính từ Nhóm 20 nền kinh tế lớn đã đồng ý yêu cầu Ngân hàng Thế giới đưa ra các sáng kiến để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực hiện tại.
Theo Indonesia, hầu hết các quan chức G20 vẫn lo ngại sâu sắc về tình trạng mất an ninh lương thực và tình trạng thiếu phân bón do cuộc chiến ở Ukraine. "Chúng ta đang hướng tới năm 2023, với nhiều rủi ro hơn đối về vấn đề lương thực", bà Sri Mulyani nói.
* Vua Charles III đăng quang tại Anh vào giữa năm sau. Ngày 11-10, Cung điện Buckingham thông báo lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra vào ngày 6-5-2023. Theo truyền thống kéo dài hơn 900 năm qua, Vua Charles, 73 tuổi, sẽ chính thức được trao vương miện tại Tu viện Westminster ở London.
Vợ của nhà vua, bà Camilla, 75 tuổi, cũng sẽ lên ngôi vương hậu.
* Cuộc diễn tập cứu trái đất khỏi va chạm với tiểu hành tinh đã thành công. Ngày 11-10, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã thành công trong việc làm chệch hướng một tiểu hành tinh trong thử nghiệm khả năng phòng thủ của Trái đất.
Ảnh mô phỏng tàu Dart của NASA và tiểu hành tinh trước vụ va chạm - Ảnh: REUTERS
Giám đốc NASA Bill Nelson thông báo tàu vũ trụ DART của cơ quan này đã được cho chủ động va chạm với tiểu hành tinh Dimorphos vào ngày 26-9 và đẩy nó đi vào một quỹ đạo khác.
Sứ mệnh trị giá 330 triệu USD và mất bảy năm phát triển này cũng là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về hệ thống phòng thủ hành tinh được thiết kế để ngăn chặn nguy cơ va chạm tiềm tàng của thiên thạch với Trái đất.
Bình tĩnh nào!
Góc ảnh thú vị này đã được tay máy Baiju Patil chớp lại được tại khu bảo tồn chim ở Bharatpur, bang Rajasthan, Ấn Độ. Đây là khu bảo tồn nổi tiếng với hàng ngàn con chim và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1985. (Atlantic/Baiju Patil)