Tín hiệu của TT Trump khi gạt "cố vấn diều hâu" khỏi cuộc gặp với ông Tập Cận Bình

Thi Anh |

Peter Navarro, cố vấn chính sách thương mại "diều hâu" của Nhà Trắng sẽ không nằm trong danh sách tham gia cuộc gặp Trump - Tập ở Buenos Aires.

Chỉ dấu lạc quan

Bắc Kinh và Washington đang ở trong quá trình chốt danh sách thành phần tham dự cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires hôm 1/12, sự kiện có thể tác động tới quan hệ thương mại và kinh tế giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, Peter Navarro, cố vấn chính sách thương mại gây tranh cãi của Nhà Trắng, một nhân vật diều hâu có tiếng sẽ không nằm trong danh sách kể trên, SCMP dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Trước đó, Washington Post đã đưa tin rằng Bắc Kinh và Washington đang tiến hành hoạt động đàm phán trù bị đầy căng thẳng cho cuộc gặp, nơi 2 nhà lãnh đạo được tháp tùng bởi 6 cố vấn mỗi bên.

Quyết định loại bỏ Navarro (một nhân vật quan trọng đằng sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc) của chính quyền Trump được đưa ra trong bối cảnh hai bên đều có những dấu hiệu cho thấy họ muốn đạt tiến triển trong cuộc gặp.

Chia sẻ với Fox Business News, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, ông Trump đang cố gắng "bơm một chỉ dấu lạc quan" vào cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

"Ông ấy [Trump] tin rằng Trung Quốc sẽ muốn có một thỏa thuận", ông Kudlow nói, bổ sung thêm rằng đã có "những trao đổi rất cụ thể" giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra ở tất cả các cấp trong chính phủ.

SCMP cho rằng: Với sự vắng mặt của Navarro, các ứng viên có thể đồng hành cùng ông Trump trong hội nghị ở Buenos Aires sẽ gồm có: Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad.

Thỏa thuận đình chiến ở Argentina?

Hồi đầu tháng này, Navarro, tác giả cuốn sách "Chết bởi Trung Quốc" (Death By China) đã cáo buộc "các tỉ phú toàn cầu" Wall Street đại diện cho Bắc Kinh và lợi ích của chính mình khi tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, ông Kudlow đã bác bỏ cáo buộc của ông Navarro và khẳng định rằng quan điểm của cố vấn chính sách thương mại không đại diện cho Tổng thống Trump hoặc chính quyền Mỹ.

Ông Trump rõ ràng đã hạ giọng khi đề cập tới Trung Quốc và thương mại kể từ cuối tháng 9, khi chính quyền Mỹ áp 10% thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Kể từ thời điểm đó, ông Trump chỉ đề cập tới Trung Quốc 5 lần - mới đây nhất là 1/11, khi ông nói rằng mình vừa có một "cuộc trao đổi dài và rất tốt đẹp" với ông Tập về nhiều vấn đề - trong khi từ 6/7 đến cuối tháng 9 ông tweet về Trung Quốc tới 20 lần.

Chính quyền Mỹ thì vẫn chia rẽ giữa những diều hâu cứng rắn như Navarro, Lighthizer - những người tìm kiếm nhượng bộ tối đa từ Trung Quốc - với những nhân vật thực dụng, sẵn lòng thỏa hiệp hơn như Kudlow, Mnuchin. Tình trạng này sẽ khiến ông Trump và ông Tập khó đạt thỏa thuận hơn.

Nhận định về cuộc gặp sắp tới giữa 2 lãnh đạo Trump - Tập, Alan Wheatley, học giả kinh tế quốc tế của trung tâm nghiên cứu Anh Chatham House cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ vẫn gập gềnh dù có thỏa thuận "đình chiến" ở Argentina hay không.

"Mỹ đã tỏ rõ rằng họ xem Trung Quốc như một thách thức chiến lược lớn hơn trước đối với ưu thế quân sự và kinh tế Mỹ", Wheatley nói, "Thỏa thuận đình chiến sẽ giúp xoa dịu những thị trường toàn cầu đang lo lắng về mặt ngắn hạn, nhưng sẽ không phải là yếu tố bước ngoặt trong quan hệ giữa 2 nước".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại