Trước đó, trên tuyến đường BT Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có vốn đầu tư hơn 700 tỉ đồng đã xảy ra 2 vụ sụt lún nghiêm trọng.
Rạng sáng 30-1, tại Km21+130 (đoạn qua khu vực Nông trường 402 thuộc giai đoạn 1 dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc), làm hư hỏng nền, mặt đường với chiều dài khoảng 20 m. Đến ngày 6-2, lại xảy ra sụt lún cách điểm sụt lún cũ khoảng 1 km.
Phạm vi sụt lún đến nay đã mở rộng với chiều dài khoảng 30 m, lấn sâu 5 m vào mặt đường. Hiện mặt đường chỉ còn rộng 2 m.
Một số ý kiến cho rằng do mực nước ở dưới kênh dọc theo tuyến đường hạ thấp quá nhiều so với hằng năm và việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, nơi có những ao nước của dân, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở.
Để ngăn nguy cơ đường tiếp tục sụt lún, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề xuất phương án khẩn cấp là dẫn nước mặn vào kênh để cứu nguy công trình.
Để củng cố quan điểm đưa nước mặn vào kênh sẽ "cứu" được đường, ông Trần Triều Tiên - Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời - cho biết trước Tết nguyên đán, xã Khánh Hải có 168 điểm sụt lún với 1.905 m đường đất đen và 440 m đường bê-tông bị hư hại hoàn toàn.
Ngoài ra còn hàng trăm mét đường có nguy cơ sụt lún. Tuy nhiên, từ khi vùng này bị xâm nhập mặn, hiện tượng sụt lún đã biến mất.
Theo PGS-TS Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, tuyến kênh dọc theo tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc đều cạn nước nhưng chỉ có vài điểm sụt lún cho thấy nguyên nhân chính không hẳn do khô hạn.
Qua khảo sát thực tế tại các điểm sụt lún, ông thấy có nhiều khối đất, chứng tỏ không có lu lèn... Đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có nền đường mới hoàn toàn, đơn vị thiết kế có tính đủ các yếu tố và biện pháp xử lý về tải trọng chưa.
Áp lực thủy tĩnh chỉ chiếm 1 tấn/m3, với phương án đưa nước vào không phụ thuộc vào không gian nước mà chỉ phụ thuộc vào chiều cao nước. Nếu đưa 1 m nước thì tăng được áp lực chống lại 0,1 kg/m2, không có ý nghĩa lớn về việc chống lại sự cố trên.