Tìm thấy sinh vật có khả năng "chết đi sống lại" tại hoang mạc khô hạn nhất hành tinh

Trang Ly |

Các nhà khoa học vừa phát hiện dạng sống tồn tại ngay ở vùng đất khắc nghiệt, được mệnh danh là "sao Hỏa trên Trái Đất".

Dọc theo bờ biển phía Tây của Nam Mỹ có một vùng đất được xem là "địa ngục trần gian", nơi khô cằn và hiếm mưa bậc nhất trên Trái Đất - Hoang mạc Atacama.

Không khí ở đây khô hạn tới mức cây xương rồng cũng không thể sống sót, thậm chí, không cần bất cứ phương pháp ướp xác nào, một miếng thịt cũng có thể giữ nguyên vẹn trong một thời gian dài tại đây.

Nóng bỏng, khô cằn, hiếm mưa... tất cả biến hoang mạc Atacama như một sao Hỏa thu nhỏ trên Trái Đất, nơi sinh vật sống rất khó có thể tồn tại!

Tìm thấy sinh vật có khả năng chết đi sống lại tại hoang mạc khô hạn nhất hành tinh - Ảnh 1.

Những nét tương đồng của địa hình trên sao Hỏa (trái) và hoang mạc Atacama trên Trái Đất. Nguồn: NASA/Alessandro Airo, TU Berlin

Tuy nhiên, sự sống luôn tìm đường phát triển của riêng nó, và các nhà khoa học thuộc trường Đại học bang Washington (Mỹ) đã có một phát hiện bất ngờ tại chính nơi khắc nghiệt ấy: Lần đầu tiên, các nhà khoa học quan sát thấy sự sống của vi sinh vật tồn tại ngay trong vùng đất khô cằn, khắc nghiệt của Atacama.

Nhà khoa học hành tinh Dirk Schulze-Makuch của Đại học bang Washington cho biết: "Thật thú vị khi đến những vùng đất mà nhiều người nghĩ rằng chẳng có gì có thể tồn tại ở đó và rồi bất ngờ phát hiện sự sống dù là nhỏ nhoi nhất đang hiện hữu ở đây.

Sự sống có thể tồn tại tại hoang mạc khô hạn nhất trên Trái Đất (theo nhận định của NASA) thì chẳng có lý do gì mà chúng ta không hi vọng sự sống tương tự cũng đang tồn tại trên hành tinh đỏ."

Tìm thấy sinh vật có khả năng chết đi sống lại tại hoang mạc khô hạn nhất hành tinh - Ảnh 2.

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bằng chứng dạng sống tồn tại ở hoang mạc khô hạn nhất Trái Đất. Ảnh: Dirk Schulze-Makuch

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được bằng chứng thực tế về một "cộng đồng" vi khuẩn đang sống và phát triển tại hoang mạc Atacama.

"Chúng tôi tin rằng, cộng đồng vi khuẩn này đã "ngủ đông" hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm trong môi trường khô hạn như trên sao Hỏa, để rồi chúng tái sinh khi gặp được nước mưa.", ông Dirk Schulze-Makuch nói.

Với bằng chứng này, các nhà nghiên cứu có niềm tin vào sự sống trên hành tinh đỏ, khi giới khoa học vũ trụ cung cấp thông tin cho rằng, tại một số khu vực trên hành tinh này tồn tại nước và có tuyết rơi.

"Nếu sự sống tồn tại trên sao Hỏa, việc của các nhà khoa học chỉ là tìm bằng chứng xác thực của chúng dưới bề mặt tưởng chừng khô cằn đó thôi."

Phát hiện khoa học này được đăng trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences của Mỹ.

Tìm thấy sinh vật có khả năng chết đi sống lại tại hoang mạc khô hạn nhất hành tinh - Ảnh 3.

Vị trí hoang mạc khô cằn nhất Trái Đất Atacama trên bản đồ. Nguồn: Wikipedia

Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại