Tìm thấy bằng chứng bác bỏ sự tồn tại của hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời?

Trang Ly |

Nếu thực sự tồn tại, hành tinh thứ 9 của Hệ Mặt trời phải có kích thước lớn gấp 4 lần Trái Đất cũng như khối lượng gấp 10 lần hành tinh của chúng ta.

Sau sự kiện giới thiên văn học thuộc đài quan sát Palomar (Mỹ) phát hiện hành tinh lùn Eris năm 2005 có kích thước lớn hơn sao Diêm Vương, sao Diêm Vương bị "giáng chức", từ "hành tinh" (thứ 9 trong Hệ Mặt trời) thành "hành tinh lùn".

Do không hội tụ đủ 3 điều kiện của một hành tinh theo quy ước của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU), bao gồm: (1) Có quỹ đạo quay quanh Mặt trời; (2) Có kích thước đủ lớn để có trọng lực riêng và phải có dạng hình cầu; (3) "Làm sạch" được vùng lân cận của riêng mình.

Sao Diêm Vương không đáp ứng được điều kiện thứ 3, nó không hút hoặc đẩy các thiên thể nhỏ nằm trong quỹ đạo của riêng nó.


BẰNG CHỨNG BÁC BỎ SỰ TỒN TẠI CỦA HÀNH TINH THỨ 9?

Kể từ khi sao Diêm Vương bị "giáng chức", các nhà khoa học và giới thiên văn miệt mài đi tìm "Planet Nine" của Hệ Mặt trời có thể hội đủ 3 điều kiện để gọi tên hành tinh còn khuyết trong Thái Dương Hệ của chúng ta, sánh cùng 8 hành tinh còn lại là: Sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Chương trình Khảo sát khởi nguồn sự hình thành của Hệ Mặt trời (OSSOS), nghi ngờ sự tồn tại của "Hành tinh thứ 9" tại khu vực rìa ngoài của Hệ Mặt trời.

Theo đó, chuyên gia của OSSOS xác định 8 thiên thể bên ngoài sao Hải Vương (TNOs) phát hiện từ các năm 2013 đến 2017 đóng vai trò là "phép đo" để xác định hành tinh thứ 9 còn bí ẩn: 8 thiên thể TNOs này có quỹ đạo ở nhiều góc độ khác nhau và không nằm trong quỹ đạo ổn định.

OSSOS cho rằng, những phát hiện này làm "suy yếu đáng kể" cuộc tranh luận về sự tồn tại của hành tinh thứ 9 bí ẩn.

Tìm thấy bằng chứng bác bỏ sự tồn tại của hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời? - Ảnh 2.

Quỹ đạo của các thiên thể TNOs. Nguồn: Wikipedia.

Giới thiên văn học đến nay xác định, hành tinh thứ 9 phải có kích thước gấp 4 lần Trái Đất và khối lượng gấp 10 lần Trái Đất.

Vì ở khoảng cách xa nhất só với 8 hành tinh còn lại so với Mặt trời nên hành tinh thứ 9 này (nếu tồn tại) phải mất từ 10.000 đến 20.000 năm mới quay đủ một vòng quanh ngôi sao chủ.

Kết quả cuộc khảo sát này không đồng nghĩa với việc phủ định hoàn toàn sự tồn tại của hành tinh thứ 9 xa xôi và đầy bí ẩn. Các chuyên gia cho rằng, rất có thể, bên ngoài rìa Hệ Mặt trời kia, tồn tại một hành tinh lùn có khối lượng và kích thước như sao Hỏa.

Hành trình khám phá "Planet Nine" vì thế mà chưa từng dừng lại!

Tìm thấy bằng chứng bác bỏ sự tồn tại của hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời? - Ảnh 3.

Hệ Mặt trời và 8 hành tinh quay quanh nó. Nguồn: NASA

Tham khảo: Forbes.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại