Tìm mọi cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, Trung Quốc vẫn khó “hất cẳng” Mỹ

Hoàng Phạm |

Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông bằng các khoản đầu tư và công nghệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng lo ngại về sự bất ổn và vẫn nhạy cảm với quyền lực, ảnh hưởng của Washington trong khu vực.

Cuộc gặp tại California năm 2012 giữa ông Tập Cận Bình (khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc) và ông Joe Biden (khi đó là Phó Tổng thống Mỹ). Ảnh: Getty

Cuộc gặp tại California năm 2012 giữa ông Tập Cận Bình (khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc) và ông Joe Biden (khi đó là Phó Tổng thống Mỹ). Ảnh: Getty

Khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đánh giá lại các chính sách đối ngoại của Mỹ và đặc biệt là chính sách với "đối thủ" Trung Quốc, khu vực mà Washington cần phải để mắt tới là Trung Đông.

Thường được coi là “lãnh địa” của Mỹ, Trung Đông đang trải qua sự chuyển đổi chưa từng thấy và trở thành một trong những mặt trận mới trong cạnh tranh nước lớn.

Trung Quốc chớp thời cơ khi ảnh hưởng của Mỹ suy yếu

Với sự bùng nổ nhu cầu về năng lượng, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội ở Trung Đông và bắt đầu thể hiện ý đồ với khu vực mà ban đầu nước này cho là phức tạp, xa xôi và nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Sau cuộc nổi dậy mùa xuân Arab, làn sóng phản đối Mỹ gia tăng và ảnh hưởng của Mỹ bắt đầu suy giảm. Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng thời cơ.

Cách tiếp cận của Trung Quốc với Trung Đông đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Gần một nửa lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đến từ Trung Đông, trong khi đó hàng hoá dịch vụ và công nghệ của Trung Quốc đang len lỏi vào từng nhà trong khu vực này.

Không chỉ là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, Trung Quốc cũng đã hoàn thành căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti năm 2017, mở rộng “tầm với” với eo biển Hormuz - tuyến vận tải biển quan trọng.

Bắc Kinh cũng tham gia tích cực vào các dự án cơ sở hạ tầng với các đồng minh thiết yếu của Mỹ trong đó có Israel. Trung Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ Israel, tham gia ngày càng nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng của Israel trong đó có cảng Haifa và Ashdod – điều đã khiến Mỹ lo ngại.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ thời chính quyền Trump buộc Trung Quốc phải tìm cách đa dạng hóa sự tiếp cận trong lĩnh vực công nghệ. Và Israel được coi là một đối tác chủ chốt.

Sự cân bằng mối quan hệ với các nước đối địch nhau như Iran, Saudi Arabia, Ai Cập và Israel cũng là một chiến lược của Trung Quốc. Học thuyết “không can thiệp” của Bắc Kinh gây được “thiện cảm” hơn với các lãnh đạo trong một khu vực vốn nhiều tranh cãi.

Những nước bị cô lập như Iran lại hoan nghênh Trung Quốc hơn, với hy vọng gia tăng hợp tác. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ coi Iran như một nguồn đảm bảo về dầu mỏ, khí đốt, và hoàn toàn không muốn dính líu vào các cuộc xung đột trong khu vực. Trung Quốc, có vẻ như cũng đã chuyển hướng khỏi Iran và ngả nhiều hơn sang các nước Vùng Vịnh giàu có hơn và hứa hẹn hơn.

Trung Quốc không thể “đánh bại” Mỹ ở Trung Đông?

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, Trung Quốc đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược trong khu vực với “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao vaccine”.

UAE là nước đầu tiên phê duyệt vaccine của Trung Quốc hồi tháng 9/2020. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phân phối một loại vaccine khác của Trung Quốc vào giữa tháng 1/2021.

Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với Hiệp ước Abraham giữa Israel và các nước Trung Đông không có gì lạ với cách tiếp cận nước đôi của nước này. Tuy nhiên, việc Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Arab có thể đem lại nhiều ổn định hơn, và tiếp đó là nhiều cơ hội hơn.

Trung Quốc cho rằng hiệp ước này phục vụ tham vọng trong nước của Tổng thống Donald Trump (khi còn đương nhiệm) nhiều hơn là đối với khu vực. Bắc Kinh cũng lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng trở lại của Washington trong khu vực.

Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ tìm cách giành lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Chính quyền mới bày tỏ muốn trở lại giải pháp 2 nhà nước [giữa Israel và Palestine], cũng như trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong khi đó, Trung Đông dường như đang “ngả” về Trung Quốc nhiều hơn. Nước này giành được lợi thế trong mặt trận công nghệ thông qua các hợp đồng 5G, các thương vụ bán UAV và công nghệ giám sát - những vấn đề vốn là tâm điểm trong sự cạnh tranh nước lớn.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể - và có vẻ như cũng không có tham vọng – thay thế vai trò thống trị của Mỹ trong khu vực, ít nhất là hiện nay. Trung Quốc biết sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Cảm nhận được sự xa lánh ngày càng tăng của phương Tây, Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào những nơi chào đón mình hơn nhưng vẫn thực dụng; Bắc Kinh lo ngại về những cạm bẫy và bất ổn của Trung Đông, không muốn đóng vai trò chính trị hàng đầu. Bất chấp những tuyên bố khoa trương, Bắc Kinh vẫn “nhạy cảm” với sức mạnh và sự ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Khi chính quyền Biden đánh giá về vị thế của Mỹ đối với Trung Quốc và Trung Đông, họ sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những diễn biến, thách thức và cả những cơ hội mà tình thế phức tạp hiện nay đem lại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại