Tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích: Gấp rút, rầm rộ nhưng hy vọng đang dần tắt

Trung Phạm |

Chiến dịch tìm kiếm chiếc tàu ngầm A.R.A. San Juan của Argentina mất tích đang phải chạy đua với thời gian, gấp rút nhưng vẫn chưa xuất hiện tín hiệu sáng sủa nào.

Vụ mất tích đầy bí ẩn

A.R.A. San Juan mất tích từ hôm Thứ Tư tuần trước (15/11/2017). Những vấn đề đầu tiên của chiếc tàu ngầm được báo về lúc 7:30 sáng cùng ngày khi viên thuyền trưởng phát đi tín hiệu vô tuyến cho biết A.R.A. San Juan đang gặp phải vấn đề về pin ở vùng biển sâu. Chiếc tàu ngầm đã được lệnh quay lại cảng nhưng thông tin liên lạc cũng mất ngay sau đó.

Lần cuối cùng chiếc tàu ngầm được nhìn thấy là ở vị trí ngoài khơi cách bờ biển Patagonia của Argentina 200 km. Thời tiết xấu, nhiều sóng to và gió mạnh đã gây trở ngại lớn cho các nỗ lực tìm kiếm cả trên mặt biển và cả các cảm biến tìm kiếm dưới nước.

Khi mất tích, A.R.A. San Juan đang thực hiện nhiệm vụ giám sát sinh thái ngăn chặn các tàu đánh cá bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển Patagonia. Chiếc tàu ngầm tiến hành tuần tra từ một căn cứ hải quân ở Ushuaia, Argentina, phía cực Nam châu Mỹ và là cửa ngõ ra Eo biển Magellan. Đây là địa điểm được xem là một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới.

A.R.A. San Juan là tàu ngầm diesel lớp TR-1700 với thủy thủ đoàn gồm 44 người, trong đó có 1 nữ sĩ quan hải quân đầu tiên của Argentina. Tàu ngầm được đóng bởi Công ty đóng tàu Nordseewerke của Đức và hạ thủy tháng 11/1985.

TR-1700 là lớp tàu tác chiến ngầm đã chứng tỏ được năng lực thực tế và hiện đang được Israel, Nam Phi và Argentina vận hành. Nó nằm trong số các tàu ngầm diesel nhanh nhất thế giới và luôn tự hào về lịch sử an toàn cao.

Tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích: Gấp rút, rầm rộ nhưng hy vọng đang dần tắt - Ảnh 1.

Tàu ngầm A.R.A. San Juan. Ảnh: Hải quân Argentina

Chiến dịch tìm kiếm rầm rộ

Cùng với lực lượng đến từ nhiều quốc gia khác, Hải quân và Không quân Mỹ đã điều động một số lượng lớn các máy bay vận tải và trinh sát biển được trang bị những phương tiện cứu hộ đặc biệt nhằm đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm A.R.A. San Juan ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam khu vực Nam Mỹ.

Trong số các phương tiện mà Hải quân Mỹ gửi tới đây tham gia chiến dịch tìm kiếm có hai chiếc máy bay trinh sát biển P-8A Poseidon do Tập đoàn Boeing chế tạo.

P-8A Poseidon là loại máy bay trinh sát và tấn công chống ngầm mới nhất và tiên tiến nhất của Mỹ. Nó được trang bị các cảm biến có thể phát hiện những tín hiệu từ trường bất thường trên đại dương, theo dõi các cuộc liên lạc dưới biển và thả dù triển khai hệ thống phao âm phát đi các tín hiệu âm thanh ra các vùng nước xung quanh rồi chuyển kết quả tìm kiếm được về cho P-8A.

Chiếc P-8A đầu tiên được Hải quân Mỹ cử đi hôm thứ Bảy (18/11) còn chiếc thứ hai được bổ sung hôm Chủ Nhật (19/11). Cả hai chiếc P-8A đã tham gia đội tìm kiếm quy mô lớn gồm nhiều máy bay và tàu cứu hộ đến từ các quốc gia khác đang có mặt tại vùng biển phía Nam Đại Tây Dương thực hiện chiến dịch tìm kiếm khẩn cấp.

Tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích: Gấp rút, rầm rộ nhưng hy vọng đang dần tắt - Ảnh 2.

Máy bay tác chiến ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tham gia chiến dịch tìm kiếm A.R.A. San Juan. Ảnh: Hải quân Mỹ

Cũng trong ngày 19/11, Hải quân Mỹ tuyên bố triển khai thêm các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) hỗ trợ cho quá trình tìm kiếm tàu ngầm A.R.A. San Juan, gồm 1 chiếc Bluefin 12D và 3 chiếc Iver 580.

Những tàu ngầm mini điều khiển từ xa này được vận hành bởi Phi đội UUV số 1 mới được Hải quân Mỹ thành lập và đóng tại Keyport, Washington. Cả hai đều có khả năng triển khai nhanh chóng và sử dụng sonar quét lòng biển tìm kiếm ở các khu vực rộng lớn.

Bluefin 12D có thể thực hiện các chiến dịch tìm kiếm ở vận tốc 3,5 dặm/giờ với độ lặn sâu tối đa khoảng 1.500 feet, kéo dài trong 15 giờ. Trong khi đó, Iver 580 có thể hoạt động ở độ sâu 325 feet, di chuyển với vận tốc 2,8 dặm/giờ và thời gian tìm kiếm là 5 giờ.

Ngoài ra, Mỹ còn điều một máy bay NASA P-3 hỗ trợ cho các nỗ lực tìm kiếm ở khu vực trước khi tầu ngầm A.R.A. San Juan biến mất bí ẩn.

Ngày 19/11, Đơn vị Ứng cứu Tàu ngầm tinh nhuệ (SPAG) cũng được Hải quân Hoàng gia Anh điều tới khu vực để tham gia chiến dịch tìm kiếm. Đội cứu hộ chuyên nghiệp này nổi tiếng với khả năng nhảy dù từ máy bay xuống biển tham gia tìm kiếm và cứu hộ trong các vụ tàu ngầm gặp sự cố.

Thành viên của SPAG là các bác sĩ dã chiến, kỹ sư và chuyên gia thoát hiểm dưới nước được huấn luyện đặc biệt. SPAG luôn sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào liên quan tới tàu ngầm ở bất cứ đâu trên thế giới chỉ trong vài giờ.

Trong chiến dịch lần này, SPAG hoạt động trên chiếc HMS Protector (A163) của Hải quân Hoàng gia Anh. Đây là một tàu tuần tra hiện đại với thiết kế đặc biệt, đóng năm 2001 và đã có mặt tại thực địa tìm kiếm.

Ngoài ra, còn có nhiều phương tiện khác từ California và Hawaii cũng như từ các quốc gia trong khu vực được điều động tới để rà soát đáy biển trong nỗ lực tìm kiếm cứu hộ đang diễn ra rất khẩn trương.

Tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích: Gấp rút, rầm rộ nhưng hy vọng đang dần tắt - Ảnh 3.

Đơn vị Ứng cứu Tàu ngầm tinh nhuệ (SPAG) của Anh. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh

Những hy vọng dần vụt tắt

Thời gian của chiến dịch tìm kiếm A.R.A. San Juan đang cạn dần. Tiến sĩ Robert Farley, giảng viên Đại học Kentucky được BBC dẫn lời cho biết: "Biên độ sống sót khoảng 10 ngày nếu họ được chuẩn bị tốt. Đến thứ Tư (21/11), chiến dịch tìm kiếm đã bước sang ngày thứ 7. Hiện tại, thời tiết đã diễn biến tốt hơn và do đó, có chút thuận lợi cho nỗ lực tìm kiếm".

Tuy nhiên, trong vài ngày vừa qua, đã xuất hiện một số cảnh báo nhầm lẫn. 7 cuộc gọi nhỡ cho các căn cứ hải quân hôm 18/11 đã được khẳng định không phải từ chiếc tàu ngầm mất tích. Các ánh sáng trắng ghi nhận ngày 21/11 cũng không phải phát ra từ tàu ngầm A.R.A. San Juan.

Điều nghịch lý là, những ưu điểm của A.R.A. San Juan giờ đây lại chính là những trở ngại khiến nỗ lực tìm kiếm trở nên khó khăn hơn. San Juan là tàu ngầm diesel tàng hình vận hành cựu kỳ yên tĩnh dưới lòng biển và phát ra rất ít tín hiệu có thể phát hiện được, đặc biệt nếu một số hệ thống của nó có thể bị hỏng hóc.

Một chuyên gia tác chiến ngầm đồng thời từng là thủy thủ tàu ngầm Hải quân Mỹ đã bình luận trên The Aviationist: "Chiến dịch tìm kiếm giống như việc mò kim đáy bể".

Argentina đang chạy đua với thời gian tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan mất tích

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại