Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của 'ván cờ tất tay'

Nguyễn Hải |

Thuế quan, dịch bệnh và doanh số sụt giảm tại Trung Quốc đang buộc Apple phải tìm đường thoát khỏi phụ thuộc vào nước này. Nhưng, nói dễ hơn làm.

Từ lâu trước khi virus corona bùng phát, nhóm điều hành Apple đã bắt đầu lo ngại về sự phụ thuộc của người khổng lồ công nghệ này vào Trung Quốc.

Theo một nguồn tin của Wall Street Journal, từ đầu năm 2015, một số giám đốc điều hành Apple còn đề nghị rằng công ty nên chuyển hoạt động lắp ráp ít nhất một sản phẩm sang Việt Nam. Điều này sẽ cho phép Apple bắt đầu quá trình huấn luyện người lao động và tạo ra những nhóm nhà cung cấp linh kiện bên ngoài Trung Quốc – một quá trình sẽ kéo dài nhiều năm.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cấp cao lại phản đối ý tưởng này. Đối với Apple, việc độc lập khỏi Trung Quốc - thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới và là nơi lắp ráp phần lớn sản phẩm - có quá nhiều rủi ro để họ có thể chấp nhận.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 1.

Một cửa hàng Apple Store tại Trung Quốc trong mùa dịch virus corona.

Lâu nay sự phụ thuộc này đã làm phật lòng nhiều nhân viên Apple – và gần đây là cả nhiều nhà đầu tư. Hơn nữa, các vấn đề phát sinh tại Trung Quốc đã làm Apple lần thứ ba phải điều chỉnh các ước tính về doanh số trong quý của mình. Hai lần trước đó đến từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và doanh số iPhone thấp hơn kỳ vọng tại quốc gia này. Lần này, sau khi cảnh báo các nhà đầu tư về tác động tiêu cực của virus corona, giá trị thị trường Apple đã giảm hơn 100 tỷ USD.

Cho đến nay Trung Quốc đã trở thành một yếu tố quan trọng cho giá trị thị trường cao ngất ngưởng của Apple. Quốc gia này cung cấp một lực lượng lao động ổn định, hiệu quả và chi phí sản xuất thấp cùng một mạng lưới rộng khắp các nhà cung cấp linh kiện có thể giúp Apple củng cố lợi nhuận của mình.

Bộ ba quyền lực: Apple - Foxconn - Trung Quốc 

Gia nhập Apple từ năm 1998, Tim Cook chính là kiến trúc sư trưởng cho hoạt động kinh doanh tại quốc gia đông dân nhất thế giới của Apple. Học tập kinh nghiệm của các công ty như Dell, Compaq và các thương hiệu máy tính khác, ông bắt đầu thuê ngoài việc sản xuất cho các nhà lắp ráp tại châu Á.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 2.

Tim Cook là cầu nối Apple với Trung Quốc.

Vào khoảng năm 2000, ông gặp nhà sáng lập Foxconn, Terry Gou, người sau đó trở thành đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple tại châu Á. Foxconn giành được hợp đồng để trở thành một trong những nhà sản xuất iPod và sau đó là iPhone. Trung Quốc cũng ủng hộ các nhà sản xuất công nghệ vì muốn các nhà máy của mình thoát khỏi những món đồ nhựa và quần áo rẻ tiền để tạo ra các sản phẩm tinh vi phức tạp hơn. Năm 2001, Apple chính thức bước chân vào thị trường Trung Quốc với công ty thương mại tại Thượng Hải.

Cùng với việc doanh số iPhone gia tăng, Apple, Foxconn và Trung Quốc đã chạy đua để đáp ứng nhu cầu này. Năm 2010, Trung Quốc dành ra một khu trồng trọt khổng lồ tại Trịnh Châu, và chỉ trong vòng vài tháng sau đó, một tổ hợp nhà máy khổng lồ của Foxconn đã ra đời với hơn 250.000 lao động. Không những thế, chính phủ còn hỗ trợ cho việc tuyển dụng khi đăng tải các thông báo trực tuyến cho Foxconn.

Theo thời gian, Apple, Foxconn và Trung Quốc đã hình thành nên một bộ ba phụ thuộc lẫn nhau.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 3.

Các lao động của Foxconn tại nhà máy ở Trịnh Châu, Trung Quốc năm 2017.

Apple ngày càng phụ thuộc vào Foxconn để sản xuất các thiết bị và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua nó. Hoạt động kinh doanh của Foxconn lại dựa vào lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc và khả năng kiểm soát các vùng đất để xây dựng nhà máy. Trong khi đó, Trung Quốc lại cần Foxconn khi đây là nhà tuyển dụng lao động tư nhân lớn nhất quốc gia này, cũng như cần đến Apple khi đây là người huấn luyện cho những nhà cung cấp công nghệ mới.

Điều đó làm việc Apple rút chân hoàn toàn khỏi Trung Quốc là không thể. Theo Dan Panzica, cựu giám đốc Foxconn, tìm được một lượng lao động có trình độ và cả lao động tay chân như Trung Quốc là điều không thể. Số lượng lao động nhập cư tại Trung Quốc còn lớn hơn toàn bộ dân số Việt Nam với khoảng 100 triệu người. Ấn Độ là nước duy nhất có thể so sánh về quy mô dân số với Trung Quốc nhưng đường xá, cầu cảng và hạ tầng của họ lại kém quá xa nước này.

Không chỉ vậy, chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc còn có thể gây hại cho doanh số của Apple tại quốc gia này, vốn chiếm đến 20% tổng doanh thu của họ. Theo Neil Mawston, nhà nghiên cứu công nghệ tại hãng Strategy Analytics, tuyển dụng nhiều lao động địa phương cũng giúp Apple tiếp cận với thị trường này và bất kỳ sự sụt giảm nào cũng làm suy yếu vị thế của họ trong mắt chính phủ Trung Quốc, cũng như gây ra tác động mạnh mẽ đến khả năng nhận biết thương hiệu.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 4.

Cho dù là nước lắp ráp chính cho iPhone, nhưng Trung Quốc chỉ nắm giữ một phần giá trị rất nhỏ với mỗi thiết bị bán ra. (Số liệu năm 2017)

Cho dù Apple vẫn là một thương hiệu mạnh tại Trung Quốc, nhưng theo báo cáo từ Canalys, thị phần smartphone của họ tại đây đã giảm từ 12,5% năm 2015 xuống còn 7,5% hiện tại, do áp lực từ các đối thủ cạnh tranh bản địa ví dụ như Huawei Technology.

Thế chân vạc bị lung lay

Các chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách phá vỡ mối quan hệ khăng khít này. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tổng thống Trump nói với tạp chí Time rằng, ông đã nói với Tim Cook rằng ông muốn Apple "xây dựng một nhà máy vĩ đại, lớn nhất và tốt nhất, ngay cả khi nó chỉ lớn hơn một chút so với một số nhà máy tại Trung Quốc."

Không chỉ nhắc nhở bằng lời, sau đó căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cùng hàng loạt chính sách thuế quan của Mỹ đã giáng lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nỗ lực vận động hết mình của Tim Cook đã giúp sản phẩm bán chạy nhất của Apple, iPhone thoát khỏi các khoản thuế quan nặng nề đó. Thế nhưng Apple vẫn không thể tránh khỏi thuế quan áp xuống các sản phẩm tai nghe và những thiết bị khác của mình.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 5.

Từ sau khi lên làm tổng thống, ông Trump đã liên tục gây sức ép để Apple chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ.

Trong khi đó đối thủ lớn nhất của họ, Samsung lại không chịu các khoản thuế này. Phần lớn hoạt động sản xuất smartphone của họ đã được chuyển ra khỏi Trung Quốc. Giờ đây họ lắp ráp các điện thoại nổi bật nhất của mình tại Việt Nam, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Theo Kyle Wiens, nhà sáng lập iFixit - một hãng phân tích smartphone - cho biết quá trình lắp ráp điện thoại Samsung Galaxy thường liên quan đến việc dán keo các bộ phận với nhau, dễ tự động hơn việc gắn những con vít nhỏ xíu lên iPhone, do vậy nó cũng đơn giản hơn.

Trong khi chính sách thuế quan của chính phủ Mỹ đang làm mối quan hệ của bộ ba Apple, Foxconn và Trung Quốc lung lay, việc bùng phát dịch virus corona tại Trung Quốc đang như một cú đánh mạnh vào thế chân vạc đã được duy trì bấy lâu nay, khi nó bộc lộ điểm yếu của Apple do phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Apple nỗ lực thoát khỏi Trung Quốc: Nói dễ hơn làm

Theo Jeff Luo, nhà phân tích chuỗi cung cấp tại Isaiah Research, mức thuế quan giáng lên các sản phẩm tai nghe của Apple đã trở thành chất xúc tác để Apple chuyển hoạt động sản xuất tai nghe AirPods Pro từ Trung Quốc sang Việt Nam. Từ cuối năm ngoái, các nhà gia công Trung Quốc như Luxshare Precision Industry và GoerTek Inc được cho đã chuẩn bị bắt tay vào sản xuất từ tháng Ba năm nay để có thể đạt sản lượng 4 triệu AirPods Pro mỗi tháng.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 6.

Apple đã chuyển hệ thống sản xuất tai nghe sang Việt Nam.

Tai nghe AirPods dễ chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc hơn bởi vì chúng có ít linh kiện hơn so với iPhone – chỉ bằng 1/3 so với con số 1.000 linh kiện của iPhone. Chúng cũng được dán với nhau bằng keo thay vì bằng ốc vít như iPhone.

Việt Nam cũng có một số lợi thế tương tự Trung Quốc. Lao động rẻ và các quan chức được khuyến khích phát triển những khu công nghiệp với thuế suất thấp. Tuy nhiên tại đây cũng có một số bất lợi.

Số người biết tiếng Anh còn ít và các dây chuyền sản xuất thường được vận hành bởi người Trung Quốc, điều này sẽ tạo ra khoảng cách về giao tiếp. Theo một số giám đốc điều hành đã đến thăm Việt Nam, các quy trình sản xuất vẫn chưa hiệu quả và các nhà máy vẫn còn nhiều quá trình cần phải học hỏi như kỷ luật lao động.

Ở Ấn Độ, Apple đã thiết lập hoạt động sản xuất iPhone, một phần để tránh khoản thuế 20% áp lên hàng nhập khẩu. Họ cũng muốn tuân thủ quy định của nước này vốn yêu cầu các nhà bán lẻ cho một thương hiệu nước ngoài phải mua ít nhất 30% nguyên vật liệu sản xuất tại Ấn Độ.

Năm 2017, sau nhiều năm chuẩn bị, họ đã hoàn tất việc sản xuất thử nghiệm iPhone SE thông qua nhà lắp ráp Wistron Corp. Kể từ đó họ cũng bắt đầu sản xuất iPhone tại một nhà máy của Foxconn ở gần Chennai.

Tim Cook cùng Apple đặt cược mọi thứ vào Trung Quốc và cái kết của ván cờ tất tay - Ảnh 7.

Bên trong nhà máy lắp ráp máy Mac Pro tại Austin, Texas. Những chiếc desktop lắp ráp tại đây chỉ để phục vụ thị trường châu Mỹ.

Apple cũng trở nên thận trọng với hoạt động sản xuất tại Ấn Độ. Năm ngoái, họ đã chuẩn bị cho việc sản xuất iPhone 11 tại Ấn Độ, đánh dấu lần đầu tiên một thiết bị mới nhất của họ lại không được lắp ráp ở Trung Quốc. Nhưng theo một người thân cận, Apple đã dừng nỗ lực này lại. Ấn Độ chưa sẵn sàng về lao động trình độ cao hay có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của Apple. Cuối cùng việc lắp ráp iPhone 11 lại quay về với Trung Quốc.

Theo một người thân cận với hoạt động tại nước ngoài của Foxconn, Apple khó có khả năng chuyển bất kỳ hoạt động sản xuất chiếc iPhone cao cấp nào của mình đến Ấn Độ vào cuối năm nay. Chuỗi cung cấp chưa đi vào hoạt động và lao động Ấn Độ chưa sẵn sàng để sản xuất các phiên bản cao cấp dùng màn hình OLED.

Các nỗ lực tái khởi động hoạt động sản xuất tại Mỹ cũng gặp trục trặc. Một nhà máy sản xuất chiếc desktop Mac Pro tại Austin, Texas chỉ xuất xưởng các sản phẩm của mình cho thị trường Bắc và Nam Mỹ. Các phiên bản bán cho những nơi khác trên thế giới đều sản xuất tại Trung Quốc.

Và khi đến lúc chọn nơi để tạo ra một mô hình mới - thứ mà các nhà phân tích iPhone dự kiến sẽ được Apple ra mắt trong vài tuần tới - Trung Quốc vẫn là nơi duy nhất có thể "hân hạnh đón chào".

Tham khảo WSJ


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại