Tìm cách tránh bị ‘chôn’ trong đống nợ Trung Quốc

Bình Giang |

Ethiopia đang đàm phán lại với Trung Quốc về điều kiện vay hàng tỷ đô la nhằm phát triển một tuyến đường sắt nối thủ đô của nước này với nước láng giềng Djibouti, nhằm tránh bị chôn trong đống nợ liên quan đến chương trình phát triển hạ tầng gây tranh cãi của Trung Quốc, Đại sứ Ethiopia tại Bắc Kinh vừa cho biết.

Ethiopia đang chịu sức ép nợ ngày càng tăng, Đại sứ Teshome Toga Chanaka vẫn bảo vệ kế hoạch phát triển hạ tầng và thương mại mang tên Vành đai Con đường của Trung Quốc trước những chỉ trích rằng đây thực chất là “bẫy nợ” đối với các nước đang phát triển.

"Những ai có thể nghĩ đây là khoản đầu tư không đáng, tôi nghĩ điều đó sai...vì nếu cân nhắc lý do kinh tế thì điều này rất ý nghĩa”, ông Chanaka nói với báo Hong Kong South China Morning Post trong cuộc trả lời phỏng vấn tuần trước.

Bắc Kinh đang thúc đẩy việc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, bến cảng và đường ống dẫn ở hơn 60 quốc gia khắp toàn cầu, chủ yếu thông qua các khoản vay nhà nước trong khuôn khổ chương trình Vành đai Con đường, nhằm tái tạo mạng lưới Con đường tơ lụa kết nối phương Đông và phương Tây.

Là một điểm đến hàng đầu của vốn Trung Quốc ở châu Phi, Ethiopia đã nhận hơn 12,1 tỷ USD từ các ngân hàng chính sách Trung Quốc kể từ năm 2000, theo báo cáo do ĐH Johns Hopkins, một cơ quan nghiên cứu độc lập của Mỹ, đưa ra năm ngoái.

Tuyến đường sắt Addis Ababa – Djibouti là một phần quan trọng của kế hoạch Vành đai Con đường ở châu Phi vì nó kết nối một đất nước Ethiopia hoàn toàn nằm trong nội địa với biển nhờ kết nối thủ đô Addis Ababa với cảng Doraleh, một cảng biển đa dụng nằm ngay phía tây thủ đô Djibouti của Djibouti.

Ông Chanaka nói rằng hai chính phủ đang đàm phán tái cấu trúc các khoản nợ cho dự án đường sắt được khởi động từ đầu năm 2018 này, “đặc biệt là khoản vay thương mại, vì nó gây sức ép nghiêm trọng lên khả năng trả nợ của chúng tôi”, ông Chanaka nói.

“Chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc về cách quản lý nợ để nó trở nên bền vững và cố gắng giảm áp lực nợ...và đã có tiến triển thực chất”, ông Chanaka nói.

Khi Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed thăm Bắc Kinh vào tháng 9 năm ngoái, ông nói rằng chính phủ Trung Quốc đã đồng ý tái cấu trúc các hợp đồng nợ với Addis Ababa, và kéo dài thời gian trả nợ dự án đường sắt thêm 20 năm.

Dự án đường sắt dài 756km sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn Trung Quốc sử dụng hoàn toàn vốn vay từ Trung Quốc và do 2 công ty nhà nước Trung Quốc thi công.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay 2,9 tỷ USD, tương đương 70%, chi phí, theo thông tin từ Bộ Tài chính Trung Quốc.

Dù khoản đầu tư này khiến Ethiopia nặng nợ, nhưng ông Chanaka nói rằng đây là bước đi khôn ngoan vì nó giúp kết nối Ethiopia, một đất nước 100 triệu dân đang muốn trở thành một cường quốc ở khu vực và trong chuỗi thương mại toàn cầu, với Djibouti, cửa ngõ vào kênh đào Suez và Biển Đỏ.

Để thể hiện cam kết của Ethiopia với kế hoạch này, Thủ tướng Ahmed sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Vành đai Con đường tại Bắc Kinh vào cuối tháng này ở Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đón nhiều lãnh đạo thế giới đến dự sự kiện ngoại giao lớn này.

Ông Ahmed vẫn thể hiện sự tin tưởng đối với Vành đai Con đường cho dù Trung Quốc đang đối mặt với những chỉ trích về cách thức cho vay không rõ ràng, tạo ra “bẫy nợ” khiến các nước vay tiền trở nên dễ tổn thương về tài chính và thâm hụt hạ tầng – tình trạng khi chính phủ giảm chi tiêu cho hạ tầng trong khi chi phí xây dựng gia tăng.

Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc đó.

Tìm cách đàm phán lại

Trong lúc này, nhiều nước tham gia dự án, như Malaysia và Maldives, đang tìm cách đàm phán lại các dự án hạ tầng với Bắc Kinh, gọi đây là tiền giá trị kém.

Lãnh đạo phe đối lập ở Namibia McHenry Venaani vào tháng 2 vừa qua đã thúc giục chính phủ đàm phán lại thỏa thuận vay Trung Quốc, cho rằng những điều khoản trong thỏa thuận ban đầu quá bất lợi. Thỏa thuận này không mang lại lợi ích cho người dân địa phương, cho dù tạo ra cơ hội cho quốc gia ở vùng tây nam châu Phi này, báo The Namibian dẫn lời ông Venaani.

Đại sứ Chanaka nói rằng Ethiopia nhận nhiều loại tiền vay từ Trung Quốc – kết hợp các gói vay không lãi suất, vay ưu đãi và vay lãi thương mại.

Thay vì tập trung vào đống nợ ngày càng lớn, ông Chanaka nói rằng nên nhìn vào cách sử dụng những khoản tiền này. Ông cho rằng một số khoản tiền vay sẽ được sử dụng để nâng cao năng suất.

“Tôi nghĩ việc khái quát hóa nhiều quốc gia tham gia sáng kiến sẽ khiến chúng ta đi sai đường”, ông Chanaka nói. Ông cho rằng Trung Quốc đang hỗ trợ các dự án với “hàng nghìn tỷ đô la”.

Những người chỉ trích cho rằng châu Phi đang đánh đổi quá nhiều để lấy vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở Ethiopia và hầu hết các quốc gia ở châu Phi.

Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng ở lục địa giàu tài nguyên này không chỉ trong lĩnh vực hạ tầng mà cả viện trợ nhân đạo, an ninh và công nghệ.

Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, hỗ trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ethiopia, chủ đồng hòa giải cuộc nội chiến ở Nam Sudan.

Các nhà khoa học và ngân hàng Trung Quốc cũng hỗ trợ nỗ lực của Ethiopia để phóng vệ tinh đầu tiên vào tháng 9 năm nay, 1 năm sau khi ông Tập hứa trước lãnh đạo của 53 nước châu Phi tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ lục địa này bằng khoản vốn 60 tỷ USD.

Trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 9 năm ngoái đã công bố chiến lược “Châu Phi thịnh vượng” để thúc đẩy thương mại giữa Mỹ với châu Phi.

Khi công bố sáng kiến này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cáo buộc Bắc Kinh hối lộ, dùng các thỏa thuận không rõ ràng và sử dụng các khoản nợ để “khiến các nước ở châu Phi bị cầm tù trước những đòi hỏi và mong muốn của Bắc Kinh”.

Ông Bolton cũng gọi châu phi là chiến trường tiêps theo của cạnh tranh Mỹ - Trung vì ảnh hưởng toàn cầu.

Dù Ethiopia rơi vào cuộc cạnh tranh này, ông Chanaka nói rằng nước này sẽ không chọn phe. “Chúng tôi có đủ chỗ cho tất cả họ đầu tư vào châu Phi và Ethiopia”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại