Những ngày qua, nhiều clip được các TikToker coi là mang tính hướng nghiệp với chủ đề "những bằng đại học vô dụng nhất”, thu hút đến hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Những ngành học như : Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, bị các TikToker liệt kê là những ngành có bằng đại học vô dụng nhất. Các cá nhân đăng tải những clip khuyên bạn trẻ không nên đăng ký học những ngành này.
Cụ thể nội dung mà TikToker "chê": "Đầu tiên là ngành quản trị kinh doanh, ngành học này rất chung chung, mà ra trường thì chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp đó là sales và marketing, nhưng mà thực chất hiện giờ bạn muốn làm sale hay học marketing thì học bất cứ ngành nào ra làm cũng được.
Thứ hai là ngành ngôn ngữ Anh, thời đại này không ai không biết tiếng Anh, cho nên các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS.
Thứ ba là ngành marketing, thời buổi này thì không cần có bằng marketing các bạn cũng có thể ra làm marketing được, chủ yếu là các bạn có kinh nghiệm, thì sẽ có lương trong ngành thôi.
Và cuối cùng là ngành quản lý nhân sự, cái ngành này thì nó thiên về sử dụng kỹ năng phần mềm là nhiều, cho nên các bạn không cần có bằng đại học thì vẫn có thể làm được".
Việc xuất hiện nhiều clip hướng nghiệp như thế đã gây nhiều tranh cãi và gây hoang mang khi mùa tuyển sinh đại học đã cận kề.
Các bạn trẻ lung lay?
Dự định đăng ký ngành Ngôn ngữ Anh- ĐH Hà Nội nhưng thời gian vừa rồi, Nguyễn Thu Hương (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) xem xong những video này lại có phần băn khoăn với kế hoạch.
Nữ sinh cho biết mấy ngày trước, khi lướt TikTok hay youtube, em gặp phải video review ngành học em định theo đuổi và cảm thấy hoang mang khi chọn ngành nghề.
Tương tự, em Nguyễn Việt Linh, đang dự định thi ngành Marketing cũng như một số ngành kinh tế khác như ngành Quản trị kinh doanh thì đều bị chê thảm hại.
“Họ nói ngành này không đáng để học, thừa thời gian mới học ngành đó, ra trường thiếu việc làm… Dù biết ngành học nào cũng có 2 mặt, tuy nhiên, nhiều người nói vậy cũng khiến em bối rối mất mấy ngày"- Linh nói.
Sau khi xem những video cho rằng “không nên học ngành Marketing”, “bằng Marketing vô dụng", em Mai Hương, sinh viên năm thứ nhất đang học tại ĐH Kinh tế quốc dân hoàn toàn phản đối quan điểm trên.
Hương cho rằng, đa số người xây dựng nội dung như vậy đều có góc nhìn phiến diện, không đưa ra căn cứ và không phân tích rõ ràng dựa trên những con số dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh cũng như sinh viên.
“Thực tế, một số người không học Marketing vẫn có thể làm ngành này, tuy nhiên, liệu có bao nhiêu người nhảy ngang sang từ ngành khác"- Hương nói.
Hương cho rằng, marketing là một ngành hot, được nhiều học sinh định hướng để thi vào và điểm chuẩn mấy năm vừa qua vào loại top đầu. Tất nhiên, tốt nghiệp đại học tại một trường chưa đủ để nói được sinh viên ấy sau có làm nghề hay làm nghề sẽ giỏi không. Tuy nhiên, chắc chắn có học có hơn. Chính người xem phải tỉnh táo khi xem để tránh rơi vào những “bẫy vô hình” này.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, Tiktok là kênh dành cho trải nghiệm cá nhân chứ không phải quảng bá thương hiệu nhà trường.
Vì thế, theo ông Sơn, các clip được lên xu hướng phần lớn của cá nhân và những người làm clip thường tuyên truyền việc tuyển sinh "bậy bạ". Những người này thường hay diễn giải về ngành nghề nhưng không biết về ngành nghề học như thế nào? Học ra trường để làm gì? Học có khó khăn hay không?
“Do vậy, việc các TikToker nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ follow sẽ gây ảnh hưởng đến lựa chọn ngành nghề của thí sinh”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, các TikToker có thể nói đúng trong một vài trường hợp chứ không phải đúng cho tất cả. Nhưng suy nghĩ của người trẻ hiện nay là "chắc TikToker đã nói là đúng", nên gây ra sự hiểu lầm khi lựa chọn ngành nghề.
Ông Sơn lo ngại những clip như vậy sẽ làm cho các bạn trẻ lung lay, thậm chí dẫn tới việc không học, không đi làm việc.
Đừng quá lo lắng ngành nọ ngành kia hot hay lạnh
Vậy học nghề gì để không thất nghiệp và không vô dụng? Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn khẳng định, nói các ngành học "vô dụng” là sai. Học ngành gì cũng phải bỏ công sức để có kiến thức và kinh nghiệm sẽ tốt hơn nhiều so với việc không học.
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cũng cho rằng, ngoại trừ một số ngành rất đặc thù đòi hỏi đào tạo chuyên sâu, lâu, bằng cấp nghiêm ngặt như ngành y khoa, luật sư, đại đa số các nghề đều có thể học và tự học dựa trên một nền tảng cơ bản.
Theo ông Vương, trong thời đại biến chuyển hiện nay hiếm có ai ra trường có thể làm nghề chỉ bằng kiến thức, kĩ năng học ở cao đẳng, đại học thậm chí trường nghề. Tất cả, kể cả các sinh viên xuất sắc nhất, đều phải tự học không ngừng sau khi ra trường mới có thể làm được nghề.
Ông Vương cho rằng, học một nghề và làm một nghề khác là hoàn toàn bình thường. Cũng đừng nghĩ "phí bằng" này kia. Vì bằng là vô nghĩa trừ khi nó cần như một thủ tục hành chính. Các kiến thức, kĩ năng, phương pháp... học được sẽ được chuyển hóa, sử dụng vào công việc mới, giúp cho công việc mới trở nên tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
“Tất cả các nghề trên đều đòi hỏi một năng lực lõi vô cùng quan trọng là năng lực giao tiếp. Cái này thì không phải cứ học đại học là có được. Nó đòi hỏi một phông nền văn hóa rất cơ bản. Trong đó đọc sách là không thể thiếu” – ông Vương nhấn mạnh.
Ông Vương cho rằng, các bạn trẻ đừng sợ thất nghiệp, đừng quá lo lắng ngành nọ ngành kia hot hay lạnh. Nếu đã chọn cái gì đó hợp với mình thì cứ học cho kĩ, cho sâu, cho hết sức. Nghề nào cũng cần các năng lực cơ bản, văn hóa cơ bản nên song song với rèn luyện, học tập chuyên môn thì cần trang bị cho mình vốn văn hóa cơ bản thông qua đọc sách, trải nghiệm, giao tiếp, thực hành lao động...
“Ngoại trừ những người bị hoàn cảnh đặc biệt nào đó chi phối (bệnh tật, khuyết tật...), những bạn tốt nghiệp đại học trở lên (thậm chí bằng giỏi, khá) mà thất nghiệp dài dài đều gặp vấn đề về phông nền văn hóa nói chung hoặc khả năng tự học”- ông Vương nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thế giới thông tin trên mạng xã hội như Tiktok bây giờ thượng vàng hạ cám cái gì cũng có. Cả những kiến thức khoa học, cả những kiến thức ngụy khoa học.
Theo ông Nam, thông tin được sản sinh ra trên không gian mạng ngày càng nhiều đến mức chúng ta luôn quá tải không thể tiêu thụ, xử lý được hết chúng. Chính vì vậy, chúng ta có xu hướng trở nên hoang mang hơn trên thế giới mạng này, và cũng có xu hướng tin vào cái gì đến trước, được tiếp cận trước, có ấn tượng trước.
Tuy nhiên, theo ông Nam, để sống an toàn và lành mạnh trên không gian mạng thì chúng ta phải nhận thức được những lỗ hổng nhận thức của chính mình. Phải biết đặt câu hỏi phản biện về những gì mình nghe, mình thấy, mình tiếp xúc trên mạng trước khi tự động tin chúng là đúng.