TikTok giờ đây cũng trở thành công cụ tuyên truyền lòng yêu nước tại Trung Quốc

Bảo Nam |

Video quảng cáo về một cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc mới đây đã xuất hiện trên ứng dụng TikTok, nhằm hướng tới bộ phận những người yêu nước trên ứng dụng video ngắn này.

Điều đầu tiên Jeffrey Ding nhìn thấy khi mở tài khoản mới trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, là một đoạn video về quân đội Trung Quốc trong một buổi tập trận với nhiệm vụ trấn áp những người biểu tình bạo lực trên đường phố.

Video quảng cáo ngắn này xuất hiện trong bối cảnh các cuộc biểu tình dưới đường đang diễn ra rầm rộ nhiều tuần nay ở Hong Kong. Và nó nhanh chóng nhận được 88 triệu lượt yêu thích.

TikTok giờ đây cũng trở thành công cụ tuyên truyền lòng yêu nước tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Đoạn video dài ba phút về cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thu hút hàng trăm triệu người quan tâm trên ứng dụng Douyin. (Ảnh: Kênh YouTube của CCTV)

Ở phương Tây, ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của ByteDance thường được xem là ứng dụng mang lại những "niềm vui ngớ ngẩn" khi người dùng chủ yếu là các thiếu niên muốn quay video hát nhép hoặc nhảy theo các vũ điệu yêu thích. Nhưng ở Trung Quốc, mọi thứ dường như có chút khác biệt.

Douyin vẫn có những video nhảy múa hay hát nhép vui vẻ, những tiểu phẩm hài và các pha hành động nguy hiểm. Nhưng trong vài năm qua, hàng chục cơ quan truyền thông nhà nước như People Daily và China Daily đã tự tạo tài khoản của riêng họ. Vì vậy, có các cơ quan chính phủ, bao gồm cả các đồn cảnh sát và quân đội, cũng có cho riêng mình một kênh để chia sẻ trực tiếp các quan điểm.

Khi lướt Douyin, xen giữa các đoạn video ngắn về những người nhảy flash mob hay các nông dân nhảy học điệu múa như robot, giờ đây người dùng có thể gặp phải những tuyên bố từ những người ủng hộ chính phủ Trung Quốc hoặc bài phát biểu của Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

TikTok giờ đây cũng trở thành công cụ tuyên truyền lòng yêu nước tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Người dùng Douyin có thể thấy các video tuyên truyền xuất hiện bên cạnh các nội dung nhảy múa quen thuộc.

Và do xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội, những nội dung này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trên ứng dụng của những người yêu thích, chia sẻ chúng. Dần dần, nó sẽ tiếp cận một cách chọn lọc tới bộ phận những người có quan điểm yêu nước, đối tượng dường như được chính phủ Trung Quốc nhắm tới.

Để có thể phủ sóng rộng hơn, các nội dung và video này cũng được chạy dưới dạng quảng cáo được tài trợ, như video tập trận ở trên. Và rõ ràng, video về những người lính tập thể dục, rèn luyện hay tham gia vào các cuộc tập trận quân sự đã được người dùng đón nhận một cách nhiệt tình, với lượt tương tác vô cùng lớn. Nhiều người cho rằng phương pháp truyền thông này giờ còn hiệu quả hơn cả việc phát các bộ phim tài liệu mang tính tuyên truyền trên truyền hình như trước đây.

TikTok giờ đây cũng trở thành công cụ tuyên truyền lòng yêu nước tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Video âm nhạc này cho thấy một đội SWAT của cảnh sát Trung Quốc đang tập trận trên nền nhạc hip hop (Ảnh: Ảnh chụp màn hình từ Douyin)

Theo đại diện của nền tảng Douyin, các nội dung này được lựa chọn để giới thiệu, đề xuất cho người dùng chủ yếu bởi chúng có nội dung hấp dẫn: "Douyin khuyến khích sự sáng tạo và một hệ thống dựa trên hệ thống điểm đánh giá".

Trong trường hợp của Ding, video quảng cáo xuất hiện dưới dạng mục được tìm kiếm nhiều nhất. Nhưng các nền tảng khác, các nội dung được lấy từ các nguồn được chính quyền phê duyệt. Một số người xem cho rằng các thuật toán đã trợ giúp hiển thị cho các nội dung đó.

Theo một số chuyên gia công nghệ Trung Quốc, các phương tiện truyền thông nhà nước từ lâu đã được biết đến với việc không thể sản xuất các nội dung hấp dẫn. Nhưng dường như chính phủ đã nhận thức được điều này. Vì vậy, họ đã tuyển dụng các chuyên gia truyền thông mới nổi, những người trẻ tuổi và am hiểu công nghệ hay xu hướng để quảng bá những gì thường được mô tả là "năng lượng tích cực". Những nhà cầm quyền đang muốn thay thế các nội dung cũ, mang tính quan liêu áp đặt bằng một thứ gì đó hợp khẩu vị hơn với người dùng Internet hiện nay. Hiện tại, một số video có nội dung nặng về chủ quyền dân tộc, tuy nhiên một số lại là những tiểu phẩm hài mang tính nghiệp dư như nói về sự nguy hiểm của hoạt động rửa tiền.

Mặc dù vậy, việc lưu trữ các nội dung yêu nước này cũng không giúp Douyin thoát khỏi con mắt giám sát thận trọng của Bắc Kinh. Giống như bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào khác ở Trung Quốc, Douyin chịu sự giám sát nội dung nghiêm ngặt. Công ty mẹ ByteDance từng gặp rắc rối về vấn đề nội dung năm 2018, với nền tảng tin tức Jinri Toutiao. Công ty sau đó hứa sẽ thuê 10.000 người để kiểm duyệt nội dung.

Tham khảo Abacus News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại