Theo bức ảnh trên, "nạn nhân" của chiếc tiêm kích bí ẩn này bao gồm 2 chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon, 2 chiến đấu cơ hạng nặng F-15 Eagle, cùng với 13 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor (7 chiếc bị tiêu diệt cùng 6 máy bay đã bị thương).
Còn trong bức ảnh này, 3 tiêm kích F-16 cùng 12 chiếc F-22 đã trở thành nạn nhân (1 chiếc bị thương cùng 11 chiếc bị bắn hạ). Đây là một thành tích không thể tin nổi trong thực chiến, vậy loại tiêm kích nào đã lập nên chiến công trên?
Đó là Northrop T-38 Talon - một loại máy bay huấn luyện phản lực siêu thanh hai động cơ của Hoa Kỳ. Đây là chiếc máy bay huấn luyện siêu thanh đầu tiên trên thế giới, thực hiện chuyến bay thử nghiệm ngày 10/3/1959, chính thức vào trang bị từ ngày 17/3/1961, T-38 tiếp tục được sử dụng trong biên chế không quân nhiều nước trên thế giới hiện nay.
T-38 Talon nhờ khả năng cơ động đáng nể nên đang được sử dụng trong huấn luyện đối kháng cự ly gần (dogfight) cho các học viên phi công tiêm kích của cả Không quân, Không quân Hải quân lẫn Không quân Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Trong ảnh là chiếc F-22 trong một bài tập cùng T-38 Talon.
Chiếc máy bay huấn luyện - chiến đấu này còn giữ vai trò đào tạo phi công cho cả một số loại máy bay tàng hình như F-117A Nighth Hawk hay thậm chí là B-2 Spirit.
Tuy nhiên vai trò nổi tiếng nhất của T-38 Talon phải là đóng giả MiG-28 - một loại chiến đấu cơ không có thật trong bộ phim bom tấn Top Gun sản xuất năm 1986 của Hollywood, trong đó nam diễn viên Tom Cruise đóng vai chính.
Rất dễ nhận thấy nét tương đồng giữa T-38 Talon với F-5A/B Freedom Fighter, đây là điều dễ hiểu khi đã có khoảng khoảng 1.200 chiếc T-38 được phát triển từ khung thân của F-5 cho vai trò máy bay huấn luyện.
Thông số kỹ thuật cơ bản của T-38 Talon: Kíp lái 2 người; Chiều dài 14,14 m; Sải cánh 7,7 m; Chiều cao 3,92 m; Diện tích cánh 16 m²; Trọng lượng rỗng 3.270 kg; Trọng lượng cất cánh tối đa 5.485 kg.
Hai động cơ phản lực General Electric J85-5A có lực đẩy thô 9,1 kN mỗi chiếc và lên tới 17,1 kN khi bật tăng lực cho tốc độ lớn nhất 1.381 km/h (Mach 1,3); tầm bay 1.835 km; trần bay 15.240 m; vận tốc leo cao 170,7 m/s; tải trên cánh 340 kg/m2; tỷ số lực đẩy/trọng lượng 0,65.
Do sở hữu nhiều đặc tính ưu việt, trong đó nổi bật là độ an toàn cực cao, Quân đội Hoa Kỳ đã lên kế hoạch hiện đại hóa T-38 Talon để kéo dài thời hạn sử dụng tới năm 2040. Máy bay sẽ được gia cố khung thân, nâng cấp hệ thống điện tử, giảm chi phí hoạt động...
Như vậy có thể dự đoán rằng ngoài T-38, các biến thể F-5E/F đang phục vụ trong không quân nhiều quốc gia cũng phải có thời gian tại ngũ thêm nhiều thập kỷ nữa, đây thực sự là một dòng máy bay thành công của ngành công nghiệp hàng không quân sự Hoa Kỳ.
T-38 Talon trong một cuộc huấn luyện đối kháng với máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor