Việc chuẩn bị nhân sự Đại hội khóa XII cực kỳ quan trọng
Sáng 11/5, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 đã khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ nay cho đến Đại hội Đảng toàn quốc, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng.
Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4, được phép của Bộ Chính trị, ông đã phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, định hướng về vấn đề này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, tại Hội nghị hôm nay, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.
Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta.
Người đứng đầu Đàng, Nhà nước cho rằng, vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự của các đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XII gần đây của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị dự thảo phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII.
Sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Hầu hết các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các Uỷ viên Trung ương đều cơ bản nhất trí với dự thảo; cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm công tác nhân sự của các khóa trước.
Tiểu ban Nhân sự đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị lần thứ hai trước khi trình Hội nghị Trung ương hôm nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương lần này đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội XII; về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng BCH Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn Uỷ viên BCH Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự BCH Trung ương.
Ảnh: Chinhphu.vn.
Từ đó, ông đề nghị mỗi Uỷ viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên.
"Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc.
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm, trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết?
Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương cần tiêu chuẩn gì?
Theo quy định 90 của BCH Trung ương do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành thì đối với Ủy viên Trung ương Đảng ngoài các tiêu chuẩn chung, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn:
Ảnh: Chinhphu.vn
Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm, kiến thức toàn diện để tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của BCH Trung ương.
Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công.
Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ và khả năng làm việc độc lập.
Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Ủy viên BCH Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về khả năng lãnh đạo, quản lý; được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên BCH Trung ương, đồng thời cần có thêm các tiêu chuẩn:
Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.
Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.
Có ý thức, trách nhiệm cao, tham gia đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để CH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.
Đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, TP) hoặc Trưởng ban các Ban, Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong Quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp Quân khu.