Phim cổ trang vốn không mới vẻ với nền điện ảnh Việt nhưng rất khó để tìm ra được một tác phẩm thành công, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Vì thế khi bắt tay vào một dự án làm phim cổ trang, cụ thể là thực hiện mong muốn mang kiệt tác thơ "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du lên màn ảnh, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã phải suy nghĩ rất nhiều.
Cái khó khăn mà ông gặp phải chính là làm sao để gặp được hồn thơ của Nguyễn Du, thông qua tác phẩm thơ vốn dựa theo nội dung một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc.
Cuối cùng ông quyết định sẽ xoá hết ranh giới về thời gian và không gian trong tác phẩm điện ảnh này của mình.
Ông cho biết: "Tôi thống nhất với êkip sản xuất là sẽ không có một không gian cụ thể nào trong phim. Không phải Trung Quốc, không phải Việt Nam, mà chỉ có không gian của Truyện Kiều.
Cũng không có thời Thanh - Minh hay Lý - Trần, mà chỉ có thời gian của Kiều, thế thôi!".
Chính bởi vậy nên phục trang của bộ phim cũng sẽ không bị giới hạn trong một loại trang phục cụ thể nào cả.
Không phải áo tứ thân hay áo dài, cũng không phải sườn xám hay những bộ trang phục sặc sỡ như trong phim cổ trang Trung Hoa.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và NTK Ngọc Anh (người phụ trách phục trang trong phim)
Tuy nhiên, ông tiết lộ sẽ sử dụng trầm đất làm gam màu chủ đạo cho toàn bộ phim này. "Chúng ta có 2 nền tảng triết học rất khác nhau. Trung Quốc họ lấy sông Hoàng Hà, màu vàng là chủ đạo. Chúng ta Hồng Hà, mầu nâu trầm đất làm chủ đạo.
Vì thế chúng tôi thống nhất phục trang trong phim sẽ sử dụng các màu trầm và nhẹ, lẩn vào không gian thiên nhiên.
Truyện Kiều cũng không phải là câu chuyện của triều chính mà là câu chuyện của nhân gian, nên sắc màu nhân gian rất quan trọng chứ không phải những sắc màu sặc sỡ".
Đồng thời, đạo diễn cũng cho biết một công đoạn hơi "ngược" so với quá trình làm phục trang phim của một số nước khác trên thế giới.
"Tôi bàn với Ngọc Anh (người phụ trách phục trang bộ phim - PV) rằng nước mình không giống các nước khác, không sẵn mọi thứ.
2 chú cháu sẽ phải đi lùng tất cả các chợ trước xem họ có những loại vải gì, màu sắc như thế nào rồi đóng thành một cuốn sổ, sau đó mới thiết kế.
Chứ không giống các nước có công nghệ hiện đại, họ cứ vẽ rồi làm. Mình cứ vẽ ra rồi không có vải thì không làm được đâu", ông nói.
Về tạo hình cho nhân vật quan trọng nhất phim - Thuý Kiều, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định: "Tôi nghĩ Kiều sinh ra trong gia đình tầm trung của một thôn, thì không thể nào quá đài các và khác biệt được.
Cô ấy vẫn phải làm giấy, xay bột, đi cấy đi cày. Kiều cầm - kì - thi - hoạ nhưng đồng thời cũng vẫn phải là người lao động. Nếu Kiều không phải người lao động thì câu chuyện không hay được", đạo diễn khẳng định.
Một ứng viên trong buổi casting phim Truyện Kiều diễn ra tại Hà Nội