Tiết lộ vai trò của Mỹ phía sau cuộc phản công của Ukraine

Hồng Anh |

Nhiều quan chức Mỹ và số nguồn tin từ Ukraine tiết lộ, khi Ukraine lên kế hoạch cho cuộc phản công lớn ở miền Nam nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất từ tay Nga, Washington đã kêu gọi Kiev hạn chế cả về mục tiêu lẫn vị trí địa lý để tránh bị kiệt sức và sa lầy trên nhiều mặt trận.

Các binh sĩ Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo M777 vào các vị trí của Nga hôm 14/7. Ảnh: AP.

Các binh sĩ Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo M777 vào các vị trí của Nga hôm 14/7. Ảnh: AP.

Vai trò của Mỹ

CNN cho biết, một loạt cuộc thảo luận đã được đưa ra trong khuôn khổ “cuộc tập trận mô phỏng” giữa Mỹ với Ukraine, nhằm giúp Ukraine thấy được họ cần phải tập hợp lực lượng ở những cấp độ nào để thành công trong nhiều tình huống khác nhau. Các quan chức Mỹ cho biết, ban đầu Ukraine xem xét tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn hơn, nhưng sau đó đã thu hẹp chiến dịch, tập trung chủ yếu ở phía Nam, đặc biệt là Kherson , CNN dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ và Ukraine nêu rõ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Tướng Pat Ryder cho biết: “Mỹ thường xuyên có các cuộc đối thoại quân sự với Ukraine. Chúng tôi không bình luận chi tiết về các cuộc giao tranh, mà tập trung cung cấp cho Ukraine thông tin để giúp họ hiểu rõ hơn những mối đe dọa mà họ phải đối mặt và cách thức ứng phó với cuộc tấn công của Nga. Ukraine sẽ là bên đưa ra quyết định cuối cùng về các hoạt động của họ”.

Mỹ cho rằng quân đội Ukraine đang giành được một số lợi thế trước quân đội Nga, nhưng chưa chính thức khẳng định các hoạt động quân sự mà Ukraine thực hiện tại Kherson hồi đầu tuần này là một cuộc phản công thực sự.

Theo đánh giá của các cố vấn của Mỹ và phương Tây, quân đội Ukraine hiện giờ đang thu hẹp dần khoảng cách với Nga về nhân lực và số lượng pháo binh so với giai đoạn vài tháng trước đây, dù xét về 2 khía cạnh này, Nga vẫn giữ ưu thế vượt trội. Năng lực quân sự của Ukraine đã được củng cố nhờ sự hỗ trợ vũ khí và các khóa đào tạo, huấn luyện của phương Tây. Trong những vũ khí tiên tiến Mỹ cung cấp cho Ukraine, phải kể đến hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Kiev đã sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công vào sau chiến tuyến của Nga trong những tuần gần đây.

Khả năng thành công của Ukraine vẫn là câu hỏi lớn

Trong một vài tháng qua, Ukraine đã công bố kế hoạch tiến hành một cuộc phản công lớn để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Và trước thời điểm thực hiện kế hoạch này vào hôm 29/8, các lực lượng Ukraine đã tăng cường dội hỏa lực pháo binh và tên lửa trên các chiến tuyến ở miền Nam Ukraine, nhằm làm gián đoạn các nỗ lực tiếp tế và làm tiêu hao nguồn lực của Nga trên toàn khu vực.

Phía Ukraine cho biết, trong những tuần qua, nước này đã triển khai lực lượng đặc nhiệm và đạn pháo tầm xa tiến hành một loạt cuộc tấn công ở phía sau chiến tuyến của Nga – trong đó có Crimea, đặc biệt nhắm vào các trung tâm hậu cần và chỉ huy và kiểm soát, để tạo đà cho cuộc tấn công phía nam.

Một quan chức Mỹ cho biết, cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea là chiến lược đã được tính toán kỹ lưỡng vì Nga đã và đang sử dụng bán đảo này như “bệ phóng” cho các hoạt động quân sự ở miền Nam Ukraine. Ông John Kirby, Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho rằng Nga đã buộc phải rút bớt các nguồn lực ở phía Đông vì có thông tin về việc Ukraine có thể sẽ tăng cường tấn công ở phía Nam”.

Một quan chức cấp cao của NATO cho biết: “Mặc dù chưa thể khẳng định Ukraine đang đạt được một số bước tiến rõ ràng, nhưng cuộc tấn công của họ vào các cây cầu ở Kherson đã cản trở Nga tiến về phía Bắc và phía Nam qua con sông Dnipro. Trong thời gian tới tôi cho rằng, quân số của Ukraine có thể đạt mức gần tương đương với quân số với Nga tại Kherson”.

Theo các nguồn tin của Mỹ, kế hoạch phản công của Ukraine ban đầu có quy mô rộng hơn với nỗ lực đầy tham vọng là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã rơi vào tay Nga suốt 6 tháng qua, trong đó có thành phố Zaporizhzhia ở phía đông nam. Nhưng đến ngày 29/8, quân đội Ukraine chủ yếu chỉ tập trung chiếm lại vùng Kherson.

Thời gian qua, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp các loại vũ khí phù hợp với kế hoạch phản công ở miền Nam. Một quan chức Mỹ cho biết, Washington đã đáp ứng nhiều yêu của Ukraine, trong đó có cả đạn dược, pháo và tên lửa javenlin - trong các gói viện trợ bổ sung dành cho Kiev.

Các cuộc tập trận mô phỏng cũng giúp Mỹ nắm bắt rõ hơn về những thiết bị, vũ khí hoặc thông tin tình báo hữu ích nhất cho Ukraine mà Washington có thể cung cấp. Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ đã thường xuyên tham vấn, cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo và viện trợ hàng tỷ USD trang thiết bị, vũ khí.

Bất chấp những đánh giá tích cực hơn về năng lực chiến đấu của Ukraine, các quan chức Mỹ vẫn không đưa ra bất cứ dự đoán nào về khả năng thắng lợi của Ukraine trong việc giành lại Kherson.

“Đây không hẳn là cuộc phản công quy mô lớn mà mọi người chờ đợi. Đây có thể chỉ là cuộc phản công nhỏ và thành công hay thất bại của Ukraine phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm của họ cũng như khả năng phòng thủ ở phía Nga”, một nguồn tin quân sự Mỹ lưu ý.

Theo CNN, việc liệu Ukraine có thể giành lại những vùng lãnh thổ đã mất từ tay Nga hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Các quan chức Ukraine nói rằng cuộc tấn công này có thể sẽ diễn ra chậm chạp và thời tiết lạnh giá trong mùa Đông sắp tới cũng như hiện tượng bùn lầy đầu mùa Xuân, có thể buộc các bên phải tạm dừng giao tranh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại