Ông Dương Hy Vũ, cựu Chủ nhiệm Phòng các sự vụ bán đảo Triều Tiên của Bộ ngoại giao Trung Quốc giai đoạn 2004-2005 và có tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nói rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một thế lực hạt nhân, và Bình Nhưỡng mới đây đã làm mất mặt Bắc Kinh.
Ông Dương đề cập đến chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 11 của ông Tống Đào - Trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc phái viên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tống đã không được lãnh đạo Kim Jong Un tiếp kiến trong suốt lịch trình công du 4 ngày.
Học giả Trung Quốc Dương Hy Vũ (Ảnh: Handout)
"Trao đổi giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã bị chững lại. Đó là một sự mất mặt," ông Dương nói.
"Sự đi xuống trong các liên hệ song phương xuất phát từ khác biệt lớn trong vấn đề hạt nhân. Nguyên nhân là do Triều Tiên đã thay đổi, chứ không phải Trung Quốc."
Trong chuyến làm việc ở Bình Nhưỡng, quan chức cao nhất tiếp ông Tống là ông Choe Ryong Hae - cánh tay phải của lãnh đạo họ Kim. Ông Tống thông báo với phía Triều Tiên về kết quả Đại hội đảng của Trung Quốc vào tháng 10. Hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ Trung-Triều.
Ông Dương Hy Vũ khẳng định, mục tiêu chung mà hai nước chia sẻ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vốn được các cố lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong Il cam kết, nhưng đã bị ông Kim Jong Un "xé nát".
"Hiện giờ Trung-Triều không có lập trường chung về vấn đề hạt nhân, bởi ban lãnh đạo Triều Tiên hiện nay đã hoàn toàn từ bỏ sáng kiến của ông Kim Nhật Thành."
Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong đó tên lửa đạo đạo liên lục địa mới nhất Hwasong-15 có tầm bắn bao phủ lãnh thổ Mỹ, đã khiến căng thẳng khu vực leo thang.
Để đáp trả, Trung Quốc biểu quyết tán thành các giải pháp cấm vận của Hội đồng bảo an LHQ nhằm vào người láng giềng, bao gồm việc cấm nhập khẩu than do Triều Tiên sản xuất, ngừng xuất khẩu năng lượng và hàng hóa sang Triều Tiên, nhằm cắt đứt nguồn tiền bơm vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc lo ngại về diễn biến bán đảo là khi tờ báo nhà nước Jilin Daily của tỉnh Cát Lâm - giáp biên giới với Triều Tiên - đăng tải bài báo kín một trang giấy hướng dẫn người dân cách phản ứng trước một vụ tấn công hạt nhân.
Quan chức Trung Quốc gần đây nhất được ông Kim Jong Un tiếp kiến là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa 18, ông Lưu Vân Sơn (trái), trong chuyến công du Triều Tiên tháng 10/2015 (Ảnh: Wong Maye-E/AP)
"Đóng băng kép" là giải pháp duy nhất?
Ông Dương, hiện là nhà nghiên cứu ở Viện các vấn đề quốc tế (Trung Quốc), hợp tác với Bộ ngoại giao nước này, cho biết Bắc Kinh cần sẵn sàng cho các kịch bản khác nhau trên bán đảo và bám sát cách tiếp cận "đóng băng kép" - kêu gọi Mỹ-Hàn Quốc tạm ngưng tập trận quân sự để đổi lại Triều Tiên ngưng thử vũ khí.
"Nếu chúng ta lùi bước trước mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo thì đó sẽ là thất bại của ý chí một quốc gia," ông nói. "Nếu cộng đồng quốc tế cho phép Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân thì đó một thất bại tập thể... Quan trọng hơn, đó là mối đe dọa rất lớn với an ninh Trung Quốc. Do đó trong vấn đề này, Trung Quốc không có dư địa để nhượng bộ."
Trong khi các lệnh cấm vận của LHQ chưa thể khiến Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân, ông Dương Hy Vũ tin rằng về lâu dài Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá.
"Phát triển vũ khí hạt nhân sẽ không thể bảo đảm an ninh [cho Triều Tiên] và chỉ khiến tình hình xấu đi," ông đánh giá, thêm rằng nếu lãnh đạo Kim Jong Un muốn giữ vững độc lập của nước này thì sớm muộn ông cũng phải chuyển dịch nguồn tiền từ chương trình vũ khí sang phát triển kinh tế.
"Liệu ông Kim có gánh nổi các lệnh trừng phạt quốc tế trong 5 hay 10 năm không? Liệu Triều Tiên có thể phát triển kinh tế dưới các điều kiện như thế được không?"
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017
Nga không thể vượt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc
Nói về vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên, ông Dương hoan nghênh cách tiếp cận của Moskva nhằm mang lại hòa bình, nhưng không cho rằng Nga có thể đóng vai trò lớn.
Theo ông, liên hệ Nga-Triều không đủ mạnh, trong khi quan hệ vốn căng thẳng giữa Mỹ và Nga cũng là trở ngại cho các nỗ lực của Moskva ở bán đảo.
Bất kể vai trò của Nga như thế nào, nước này sẽ không thể vượt qua được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng - ông Dương Hy Vũ kết luận.