Tiết lộ một trong các hệ thống phòng không hiện đại nhất Đức chuyển cho Ukraine

Kiều Anh |

Đức đã cung cấp hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống tên lửa phòng không công nghệ cao cho Ukraine. Hệ thống IRIS-T được thiết kế để bảo vệ các thành phố và quân đội khỏi các cuộc không kích.

Ukraine sẽ sở hữu một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới để đối phó với các tên lửa hành trình từ Nga sau khi Đức từng một vài lần trì hoãn việc cung cấp hệ thống này. Hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống IRIS-T dự kiến sẽ được chuyển cho Ukraine vào năm tới.

Tiết lộ một trong các hệ thống phòng không hiện đại nhất Đức chuyển cho Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất IRIS-T. Ảnh: The Drive

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã gọi việc cung cấp hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất IRIS-T là "một kỷ nguyên mới" của phòng không trước khi thông báo các hệ thống tương tự từ Mỹ cũng đang trong quá trình vận chuyển cho Kiev.

Ông Rafael Loss, chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho biết, các hệ thống mới có thể tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Ukraine, mặc dù có lẽ chúng không cần thiết là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi".

"Khi họ nhận được ngày càng nhiều hệ thống hiện đại hơn, họ có có thể tích hợp với các hệ thống mà họ đang sở hữu, khiến cho các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga trở nên khó khăn hơn, cũng như khiến cho hầu như rất ít mục tiêu dân sự và quân sự bị nhắm trúng", chuyên gia này nhận định với DW.

Ông Loss cũng đánh giá, việc cung cấp hệ thống tên lửa IRIS-T là một dấu hiệu quan trọng cho thấy những cam kết dài hạn của NATO trong việc trang bị cho Ukraine các hệ thống phòng thủ phương Tây tiên tiến hơn.

Phiên bản IRIS-T được chuyển cho Ukraine với mỗi hệ thống có giá khoảng 140 triệu euro (tương đương 136 triệu USD) là những hệ thống hoàn toàn mới. Những cuộc thử nghiệm cuối cùng chỉ vừa được tiến hành vào cuối năm 2021 và quân đội Đức vẫn chưa sắm cho mình bất kỳ hệ thống nào. Những phiên bản cũ hơn của hệ thống này đã được bán cho các khách hàng như Thụy Điển, Na Uy và Ai Cập.

Hệ thống IRIS-T được sản xuất bởi công ty Diehl Defense ở Überlingen, phía Nam nước Đức. Mỗi hệ thống bao gồm 3 phần: bệ phóng, một radar và một radar kiểm soát hỏa lực với các thiết bị hỗ trợ được tích hợp.

Tên lửa này sử dụng ảnh hồng ngoại để xác định mục tiêu với tầm bắn khoảng 40km và độ cao tối đa là 20km, trang bị radar với tầm hoạt động 250km. Tên lửa cũng có thể triển khai 360 độ quanh bệ phòng.

Theo Diehl, hệ thống này có hiệu quả cao nhất như một phần của hệ thống phòng không đa tầng trong sự kết hợp các hệ thống khác, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 do Mỹ sản xuất có độ cao tối đa lớn hơn.

Trước đó, việc cung cấp hệ thống IRIS-T cho Ukraine diễn ra tương đối chậm chạp nhưng sau khi Nga tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào các thành phố của Ukraine, động thái này đã được thúc đẩy.

Theo một bài báo trên tờ Welt am Sonntag hồi tháng 7, Ukraine đã yêu cầu Chính phủ Đức thông qua việc nước này mua 11 hệ thống IRIS-T. Kiev cũng yêu cầu Berlin hỗ trợ tài chính cho thương vụ này, với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ euro.

Mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz ban đầu cam kết cung cấp ít nhất 1 hệ thống IRIS-T vào tháng 6/2022 nhưng chính phủ Đức sau đó cho biết các hệ thống đầu tiên chỉ sẵn sàng chuyển giao vào cuối năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại