Theo ông Gregory L. Robinson, ông đã được NASA đề nghị đảm nhận vị trí giám đốc của chương trình James Webb vào tháng 3-2018 "một cách miễn cưỡng", khi đang làm một công việc yêu thích khác với tư cách Phó quản trị viên phụ trách các chương trình của NASA, chịu trách nhiệm đánh giá hiệu suất hơn 100 sứ mệnh khoa học.
Giám đốc chương trình Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA Gregory L. Robinson - Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Kỹ sư Robinson được coi như "người sửa kính viễn vọng" James Webb, bởi nhiệm vụ chính của ông là đứng đầu các công đoạn lắp ráp, kiểm tra, hiệu chỉnh chiếc kính viễn vọng đầy "trục trặc": Ngày ra mắt liên tục bị hoãn lại, chi phí cho dự án ngày một tăng lên và Quốc hội "không hài lòng" khi NASA đề nghị cấp thêm kinh phí.
Chỉ vài tháng sau khi tiếp quản James Webb, hiệu quả lịch trình của dự án đã tăng từ 55% lên 95%, góp phần quan trọng vào thành quả đầu tiên của siêu kính viễn vọng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố - bức ảnh nhìn vào các vật thể hơn 13 tỉ năm tuổi.
Sự cố lớn nhất mà nhóm của ông Robinson gặp phải trong nhiệm kỳ là một bài kiểm tra vô tình thành minh họa sống động cho việc kính viễn vọng này sẽ không đủ chuẩn để "sống sót" sau những rung động mạnh khi phóng. Khi lắc James Webb, mọi chi tiết của nó bị lắc mạnh, vít giữ tấm che nắng lớn bị bung ra.
Rất may sau đó mọi thứ đã được khắc phục nhanh chóng với 32 khuyến nghị được hội đồng đánh giá đưa ra sau đó. Trước đó, chiếc kính viễn vọng "xui xẻo" nhất của NASA đã gặp một loạt sự cố từ năm 2002, khiến chi phí ước tính 1,5 tỉ USD ban đầu liên tục phình ra. Kinh phí cho toàn bộ dự án hiện nay đã là 9 tỉ USD, theo Reuters.
Việc phóng nó tiếp tục chậm trễ do đại dịch Covid-19, vấn đề về tải trọng của vỏ bọc tên lửa Ariane 5 do châu Âu sản xuất, một dải kẹp cố định với giá phóng của kính thiên văn bị gãy...
Tuy nhiên, cuối cùng chiếc kính viễn vọng mơ ước đã được phóng thành công vào dịp Giáng sinh vừa qua và hoạt động trôi chảy, cho thấy sắp tới có thể không cần "người sửa kính viễn vọng" nữa.
Ông Robinson nói, với niềm tự hào, rằng sau tất cả bản thân đã hoàn thành công việc.
James Webb là giấc mơ của các nhà thiên văn trên thế giới, bởi là thiết bị quan sát mạnh nhất. Nó được giao nhiệm vụ nhìn sâu vào vùng xa xôi để chụp lại nhưng hình ảnh "vượt thời gian", từ những nơi mà ánh sáng mất hàng tỉ năm mới tới được Trái Đất; quan sát chi tiết các hệ sao khác, bao gồm thám sát bầu khí quyển và có thể là bề mặt của các ngoại hành tinh đủ gần để thực hiện ước mơ lớn của nhân loại: Tìm ra sự sống ngoài hành tinh.