51% doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Thế nhưng, đến tháng 3, trong 2 tuần đầu, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã rớt xuống còn 447 triệu USD.
Kim ngạch và tăng trưởng của ngành trong thời gian tới được dự báo sẽ tụt giảm nghiêm trọng hơn, khi tình hình dịch tại các thị trường trọng điểm đang gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp.
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát cho biết, phần lớn sản phẩm gỗ của công ty đều xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thế nhưng, gần đây công ty đã nhận được thông báo từ đối tác phải dời đơn hàng xuất khẩu sang tháng 5 hoặc tháng 6.
Kết quả khảo sát nhanh tại 124 doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn của cả nước cho thấy, trên một nửa (51%) số doanh nghiệp khảo sát phản hồi cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất.
35% doanh nghiệp dù vẫn đang hoạt động bình thường nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới. Chỉ có 7% số doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường nhưng không thể chắc chắn được vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp.
Trên thực tế, từ trung tuần tháng 3-2020, dịch bùng phát mạnh tại những thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn của Việt Nam, như Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu), châu Âu (chiếm 10%), Nhật Bản (chiếm 13%)...
Chính phủ các quốc gia này hiện đang áp dụng nhiều chính sách mạnh nhằm kiểm soát dịch lan rộng như đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu. Điều này dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ.
Hiện các doanh nghiệp trong ngành liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất.
Các doanh nghiệp cũng được thông báo một số khách hàng lớn rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản.
Riêng tại thị trường Trung Quốc, thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam với 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng để khôi phục lại sức mua như trước khi dịch xảy ra sẽ mất rất nhiều thời gian.
Cần “tiếp sức”
Kết quả khảo sát nhanh từ 124 doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho thấy, có đến 75% số doanh nghiệp thông tin về thiệt hại ban đầu ước tính tổng khoảng 3.066 tỷ đồng.
Có 24% số doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa xác định được thiệt hại. Khoảng 1% doanh nghiệp đánh giá thiệt hại do Covid-19 làm giảm 70% doanh thu.
Để ứng phó với tình hình trên, nhiều doanh nghiệp cũng đã giảm khoảng 45% tổng số lao động. Đơn cử, trong 105 doanh nghiệp cung cấp thông tin về lao động cho biết, trước dịch Covid-19, tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này là 47.506 lao động nhưng đến nay đã có 21.410 lao động nghỉ việc.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ phải tính đến yếu tố tăng thị phần trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, đây không phải là vấn đề dễ.
Đại diện Vifores, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định cùng cho rằng, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ trên cả nước.
Trong đó, có 3.000 doanh nghiệp chuyên sản xuất cho thị phần xuất khẩu. Số còn lại cung ứng chủ yếu thị trường trong nước. Thế nhưng, chỉ với 2.000 doanh nghiệp sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước rất khó tăng thị phần do quy mô thị trường có giới hạn.
Thị trường trong nước cũng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, người dân thực hiện thắt chặt chi tiêu, cộng với các dự án bất động sản đang có nguy cơ đóng băng khiến quy mô sản xuất của doanh nghiệp gỗ giảm mạnh.
Vậy nên, việc chen chân vào thị phần nội địa càng gian nan, cần có lộ trình nhất định, bởi mỗi thị trường có yêu cầu về phong cách, hình thức, chất lượng… sản phẩm khác nhau. Do đó, trong thời gian ngắn khó để doanh nghiệp chuyển đổi cho phù hợp.
Trong tình hình ngặt nghèo hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng xem xét triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để “tiếp sức” doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Đại diện Hawa nhấn mạnh, với công nhân mất việc, Chính phủ cần có mức hỗ trợ là 1 tháng lương cho mỗi lao động, theo quy định của Bộ luật Lao động.
Dự ước tổng kinh phí hỗ trợ toàn ngành là khoảng 146,7 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, cần giảm thuế và các loại phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất.
Chính phủ cũng có những chỉ đạo quyết liệt hơn để hệ thống ngân hàng thương mại gia hạn thời gian đáo hạn của các khoản vay, giảm lãi suất ngân hàng xuống còn 2%-5%.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng nộp thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng nhập khẩu đầu vào của sản xuất.