img

Khi được dẫn lên đường hào, mặt tướng De Castries tái xám dưới chiếc mũ ca lô đỏ, môi ngậm điếu thuốc lá và bị chói mắt vì ánh nắng. Những giờ cuối cùng của đội quân một quốc gia châu Âu hùng mạnh mà những ngày đầu chiến dịch còn hết sức tự tin về chiến thắng giờ đây bẽ bàng hơn bao giờ hết.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “điển hình về quyết tâm của một quốc gia đứng trên đôi chân của mình để đánh chắc thắng”, cho thấy “một nước châu Á nhỏ bé đã đánh bại một cường quốc thực dân châu Âu hùng mạnh”.


“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 1.

Gần 5 giờ chiều ngày 7/5/1954, Quốc hội Pháp đang diễn ra phiên họp tại thủ đô Paris. Thủ tướng Pháp khi đó là Joseph Laniel có một thông tin quan trọng cần thông báo.

Bước lên bục phát biểu trước Quốc hội, ông Joseph Laniel thông báo: "Mọi sự kháng cự ở Biên Biên Phủ đã chấm dứt".

Sau thông báo, hầu hết các đại biểu đứng dậy để hát quốc ca La Marseillaise nhằm bày tỏ sự “tôn trọng” với những người lính thất thủ ở Điện Biên Phủ.

Ở bên ngoài, đài phát thanh chuyển sang nhạc cổ điển u ám, các rạp hát, rạp chiếu phim và nhà hàng đóng cửa, sử gia người Anh Martin Windrow mô tả trong cuốn sách The Last Valley: Dien Bien Phu and the French Defeat in Vietnam (Thung lũng cuối cùng: Điện Biên Phủ và thất bại của Pháp ở Việt Nam) của mình.

Các giáo viên rưng rưng nước mắt, gián đoạn giờ học để nói với những học sinh vẫn còn hiểu biết nửa vời về "thảm kịch lớn" vừa diễn ra.

Một điều gì đó khủng khiếp, không thể thay đổi và rất quan trọng đã xảy ra ở một thung lũng xa xôi và lầy lội cách nước Pháp hàng nghìn km.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 2.

Người Pháp xuống đường biểu tình sau khi quân Pháp bại trận tại chiến trường Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Ảnh: Getty

Tờ France-Soir giật hàng tiêu đề in đậm ngay trang nhất: Điện Biên Phủ thất bại bởi cuộc tấn công lớn của lực lượng Việt Minh.

Tờ Le Parisien cũng chạy hàng tít: Điện Biên Phủ thất bại - Lực lượng Việt Minh đã xông vào tấn công trại cố thủ suốt 20 giờ không bị gián đoạn.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 3.

“Những người lính chết vì chúng ta đã tự lừa dối mình. Họ chết vì chúng ta không biết cách tiến hành cuộc chiến này, vì chúng ta không biết cách cách từ chối nó, bởi vì chúng ta không biết cách đo lường thử thách cũng như không thấy trước hậu quả của nó, và không biết cách hiểu tình hình thế giới ngay từ đầu. Trong 9 năm này, chúng ta đã đánh mất nhiều cơ hội đàm phán cũng như đánh mất cơ hội chiến thắng” - Nhật báo Pháp Le Figaro viết.

Nhiều năm sau, thất bại lịch sử này vẫn còn in hằn trong trí nhớ của những người Pháp. Tướng René de Biré, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia Pháp về Điện Biên Phủ, trong cuộc gặp với các cựu chiến binh Việt Nam năm 2003, nhớ lại: “Ngày hôm đó bầu không khí đột nhiên im lặng. Giống như khi bạn đang nhảy dù và đột nhiên trong khoảng không, sự im lặng bao trùm. Sau 56 ngày đêm cuồng nộ, sự gián đoạn đột ngột này là tín hiệu cho chúng tôi biết rằng có chuyện gì đó đang xảy ra".

Đó là với nước Pháp, còn với 3 nước Đông Dương, chiến thắng của lực lượng Việt Minh ở lòng chảo Điện Biên Phủ đã tạo ra những thay đổi sâu sắc. Một chiến thắng mà đến nay vẫn được mô tả như là một tiếng sét, tương tự như chiến thắng của David chống lại người khổng lồ Goliath.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 4.

Thất bại tại Điện Biên Phủ của quân Pháp đã xuất hiện trên trang nhất của hàng loạt tờ báo phát hành tại Pháp thời điểm đó. Ảnh: Getty

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 5.

20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, bầu không gian tĩnh lặng trong đêm bất ngờ bị xé toạc bởi một tia sáng chói lọi, theo sau là tiếng nổ “long trời lở đất”.

Đối với ông Nguyễn Xuân Thắng, cựu binh Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, ký ức về thời khắc quả bộc phá nghìn cân phát nổ dưới chân đồi A1 vẫn còn rõ mồn một. Tiếng nổ ấy đã trở thành hiệu lệnh tiến công của toàn mặt trận. Trên các hướng, quân ta dũng mãnh xung phong khiến địch không kịp đối phó.

Trong cuốn “Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm”, tác giả Erwan Bergot - trung úy quân đội Pháp có mặt ngay những ngày đầu khi quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ - đã mô tả lại thời khắc kinh hoàng:

“Một tiếng gì đó như sấm dưới chân, làm rung chuyển đất ở trong lòng đỉnh đồi. Tiếng sấm rền lan rộng. Đất rung chuyển. Mặt đất trồi lên đột ngột như nắp vung chiếc nồi hơi. Một thứ hơi nóng loang ra, kêu rít, làm bốc thẳng lên cao những tảng đất nặng hàng tấn, quyện trong những dòng thác lũ lửa và khói. Việt Minh đã cho nổ tung đường hầm. Đỉnh đồi Eliane 2 (tức Đồi A1) vụt biến như bị núi lửa phá...”

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 6.

Các chiến sĩ xung kích của ta tấn công 1 vị trí của địch trên khu đồi C. (Ảnh: TTXVN)

Đỉnh đồi A1 đóng vai trò chủ chốt trong các cứ điểm phòng ngự phía đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nếu kiểm soát được đỉnh đồi này, quân ta không những có khả năng gây áp lực lớn lên trung tâm địch, mà còn có thể thắt chặt vòng vây, kiểm soát vùng trời, thu hẹp phạm vi địch thả dù tiếp tế, từ đó triệt hẳn đường tiếp viện từ trên không của đối phương.

Nơi đây còn là bàn đạp lý tưởng để lực lượng ta vượt qua cầu Mường Thanh, tiến tới khu trung tâm chỉ huy của địch.

Cuộc chiến tại đồi A1 diễn ra giằng co. Bắt đầu từ chiều ngày 30/3/1954, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng ngách hào, quân ta mở nhiều đợt tấn công nhưng không thành. Do đó, Bộ chỉ huy chiến dịch của ta tiến tới sáng kiến đào hầm chui sâu vào lòng đất rồi đặt bộc phá dưới chân hầm ngầm của địch.

Ông Thắng kể, ngày thì đánh giặc, đêm quân ta lại đào hầm, chân tay ai nấy đều bầm dập, tứa máu vì đất nơi này toàn đá, sỏi. Nhiệm vụ quan trọng nhất là ôm từng quả bộc phá nhỏ đặt ở đồi A1 để tạo thành khối bộc phá gần 1.000kg.

Vài ngày trước khi diễn ra trận đánh chiếm đồi A1, khoảng 50 chiến sĩ được tập hợp ở một địa điểm cách xa đơn vị, mỗi người nhận nhiệm vụ ôm một bọc nặng khoảng 20kg, bên ngoài quấn vải trắng rồi đi theo người chỉ dẫn. Không ai biết trong chiếc bọc đó chứa thứ gì.

Hành trình di chuyển bắt đầu từ đêm, đến rạng sáng thì tới một cái hầm. Các chiến sĩ giao lại bọc đó rồi quay trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.

“Lúc đầu khi nhận nhiệm vụ, trong đầu anh em ai cũng hồi hộp phán đoán, không biết là gì, chỉ nghĩ đây là một việc khẩn cấp và bí mật. Mãi sau này khi vào trận đánh đồi A1, tôi mới biết đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thứ mà anh em được giao đó là bộc phá. Nơi anh em đặt những quả bộc phá đó chính là cứ điểm đồi A1. Khối bộc phá đêm hôm đó mà anh em mang đến có trọng lượng 1.000kg, được đặt sát chân lô cốt giặc” – Báo Dân Trí dẫn lời ông Thắng kể lại.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 7.

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với gần 1000kg thuốc nổ đã phá tan các lô cốt, hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Khi khối bộc phá 1.000kg đã vào vị trí, tối 6/5/1954, ba chiến sĩ được lệnh di chuyển men theo đường hào ven đồi A1, một người tiến sát khối bộc phá chờ “giờ G” điểm. Trên khối bộc phá có 5 nụ xòe, được chuẩn bị để đảm bảo chỉ cần điểm hỏa một lần là sẽ phát nổ.

Ông Nguyễn Văn Bạch - tiểu đội trưởng đội đặc nhiệm M83 chuyên nhiệm vụ phá bom, mìn nổ chậm ở Điện Biên Phủ từ năm 1953 - là người được giao nhiệm vụ châm bộc phá đồi A1.

Trước đó, do nhận thấy khối bộc phá trên mô hình thử nghiệm không phát nổ theo đúng yêu cầu khi được điểm hỏa bằng máy phát điện 100W, ông Bạch đưa ra một quyết định mạo hiểm: Mang thêm 3kg bộc phá trong người. Trong trường hợp kíp nổ không cháy, ông sẽ điểm hỏa trực tiếp và chấp nhận “tan xác” cùng khối bộc phá.

20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, sau pháo lệnh, ông Bạch dồn sức giật nụ xòe rồi theo đường hầm cấp tốc chạy ra ngoài. Tiếng nổ vang lên dữ dội như tiếng sấm, tạo ra một cơn rung chấn như động đất, khói đen bốc lên cao ngùn ngụt.

“Đất đá văng lên. Tôi ngã xuống, bị một mảnh đá rơi vào chân nhưng vẫn lê được về trận địa. Không ai nhận ra và cũng không ai nghĩ tôi còn sống. Họ hỏi: “Ai?”. Tôi trả lời tôi mới châm bộc phá đồi A1 về” - Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Bạch lúc sinh thời bồi hồi nhớ lại thời khắc quyết định sống còn.

Sau hiệu lệnh tấn công từ đồi A1, quân ta đồng loạt xông lên đánh chiếm các lô cốt trên đồi này, cũng như tất cả các cứ điểm của địch ở trung tâm Mường Thanh. Cả lòng chảo chìm trong biển lửa.

2 giờ 30 phút sáng 7/5, ta chiếm được trận địa súng cối, bắt 120 tù binh, vây chặt khu cố thủ cuối cùng của địch.

4 giờ 30 phút sáng cùng ngày, Trung đoàn 174 đã hoàn toàn kiểm soát A1. Thừa thắng xông lên, Bộ chỉ huy Chiến dịch truyền lệnh tấn công tổng lực.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 8.

Bộ đội ta xung phong tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu TTXVN

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 9.

Ngày 7/5/1954, tương ứng với ngày thứ Sáu, và có lẽ, đó là một trong những “ngày thứ Sáu đen tối” của nước Pháp.

Những giờ cuối trước khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, tại Hà Nội, Tướng René Cogny, chỉ huy lực lượng Pháp tại miền bắc Việt Nam, liên tục cập nhật tình hình qua điện đàm.

Sáng sớm ngày 7/5/1954, tướng De Castries gọi về trụ sở Hà Nội để xin đạn dược. “Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ, rất tồi tệ”, De Castries nói qua điện đàm.

Ở mặt phía đông, các điểm hỗ trợ lần lượt thất thủ. De Castries yêu cầu khẩn cấp 120 tấn đạn dược vào lúc bình minh. Khi nhận thấy tình hình đã vô vọng, De Castries yêu cầu thả dù đồ tiếp tế để người của mình tiếp tục “cầm cự”.

“Tôi bị tấn công từ 3 phía. Ở phía đông, cánh thứ 4 vừa thất thủ cách đây vài phút”, Tướng De Castries báo cáo qua điện thoại.

“Tôi cảm thấy ngày tàn đang đến nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, De Castries nói thêm.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 10.

Tướng De Castries bên trong hầm trú ẩn ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Nhưng chỉ một lúc sau, tình thế tuyệt vọng của người Pháp tại Điện Biên Phủ càng trở nên rõ ràng. Lúc 10 giờ, pháo binh của quân Pháp “câm nín” trước những loạt pháo kích chính xác của Việt Minh. Những trận mưa làm hàng tiếp viện từ trên không trở nên khó khăn và biến hầm hào của quân Pháp thành những bãi lầy lội.

Những binh sĩ còn sống, những người đã trải qua 54 ngày chỉ dùng bữa với cà phê và thuốc lá, ở trong một tình trạng rối loạn tâm lý và kiệt sức.

Đến khoảng 15 giờ, khả năng kháng cự của lính Pháp đã cạn và bộ đội Việt Minh tiến lên chiếm trọn những cứ điểm cuối cùng. De Castries hội ý với cấp dưới và hết thảy đều thừa nhận một cuộc phá vây chỉ có thể dẫn đến cái chết vô nghĩa trong rừng. Quyết định được đưa ra là chiến đấu đến những viên đạn cuối cùng.

Lúc 16 giờ chiều, cuộc trao đổi cuối cùng giữa Cogny và De Castries là phải làm gì với số binh lính bị thương đang nằm la liệt ở khắp nơi.

De Castries đề xuất sắp xếp một cuộc ra hàng trật tự. Tuy nhiên Cogny quả quyết: “Ông bạn ơi, dĩ nhiên là bây giờ ông phải giải quyết mọi thứ… Nhưng đừng giơ cờ trắng”.

“Tôi chỉ muốn cứu lấy những người bị thương” - De Castries đáp.

“Vâng, tôi hiểu. Vậy hãy làm điều tốt nhất có thể, trao lại tất cả cho ông...” - Cogny nói.

Lặng đi một lúc, De Castries nói lời cuối cùng: “Vâng, thưa ngài”.

17 giờ 50, những lời thông báo cuối cùng phát ra từ hầm chỉ huy: “Đây là Yankee Metro (mật danh). Chúng tôi đang phá hết mọi thứ ở đây. Tạm biệt”.

Những giờ phút cuối cùng của viên chỉ huy De Castries được thể hiện qua cuốn Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm khá bi đát. Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy cảm thấy cay đắng vì thua trận. De Castries che đậy nỗi bối rối bằng cách chỉnh đốn trang phục. Đại tá Langlais thì tỏ ra bực bội dẫu im lặng. Trong khi đó chỉ huy pháo binh Allioux cho bắn hết những quả đạn cối cuối cùng.

Khi được dẫn lên đường hào, mặt De Castries tái xám dưới chiếc mũ ca lô đỏ, môi ngậm điếu thuốc lá và bị chói mắt vì ánh nắng.

Cuộc chạm trán giữa viên Đại tá Pháp và chiến sĩ Việt Minh

Thất bại của quân Pháp ở pháo đài Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc ảnh hưởng của quân đội Pháp ở châu Á, phóng viên chiến trường Bernard B. Fall viết.

Minh họa rõ nhất cho kết thúc này có lẽ là câu chuyện do Bernard B. Fall ghi lại về cuộc chạm trán giữa một đại tá Pháp và một chiến sĩ Việt Minh.

Đại tá Pháp quan sát chiến trường từ một rãnh hào gần sở chỉ huy. Ông ta phát hiện một khẩu súng trường cách ông chỉ 15m, theo sau là chiếc mũ nan tre của người lính Việt Minh.

“Ông không định bắn nữa à?” - người lính Việt Minh nói bằng tiếng Pháp.

“Không, tôi sẽ không bắn nữa”, viên đại tá nói.

“Kết thúc rồi đúng không?” - người lính Việt Minh hỏi.

“Vâng, kết thúc rồi” - viên đại tá đáp.

Và xung quanh họ, giống như trong Ngày Phán xét khủng khiếp nào đó, binh lính Pháp bắt đầu bò ra khỏi chiến hào và đứng thẳng lần đầu tiên sau 56 ngày, khi tiếng súng ngừng bắn ở khắp mọi nơi.

Sự im lặng đột ngột đến chói tai.

Trong cuốn sách Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm, tác giả Erwan Bergot đã mô tả thời khắc những bộ đội đầu tiên của Việt Minh xông đến hầm chỉ huy trung tâm của quân Pháp một cách chi tiết. Tất cả lính Pháp, từ lính cơ quan phục vụ đến các đơn vị chiến đấu, lính pháo, lái xe, lái máy bay, thông tin, đều “cảm thấy cái chết trong tâm hồn”.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 11.

Binh lính Pháp giương cờ trắng đầu hàng. Ảnh: Getty

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 12.

Đại tá, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh chính là một trong những chiến sĩ Việt Minh tiến vào hầm trú ẩn của De Castries và chứng kiến khoảnh khắc lịch sử ấy.

Chia sẻ với AFP, ông Vinh cho biết: "Chúng tôi kêu gọi người bên trong đầu hàng nhưng không ai bước ra. Vài phút sau, một số lính Pháp vẫy dù vải trắng".

Liền sau đó, ông Vinh cùng một số binh sĩ khác, trong đó có Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật tiến vào hầm. Các sĩ quan Pháp bên trong đã đứng dậy giơ tay lên nhưng chỉ có De Castries là bất động.

Ông Vinh hét lên "giơ tay lên" - từ tiếng Pháp duy nhất ông biết.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 13.

Tướng De Castries ra đầu hàng. Ảnh: TTXVN

Ngay sau đó, thông tin bắt sống tướng De Castries được báo cáo lên Sở chỉ huy mặt trận. Cùng thời điểm đó, bức điện khẩn báo tin chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được những chiến sĩ của đài V108 gửi về Bác Hồ và Trung ương Đảng đóng tại Thái Nguyên.

Nói chuyện với tờ Công an Nhân dân, Đại tá Đinh Văn Quyên, người trực tiếp đánh bức điện khẩn này cho biết, các cán bộ ôm chặt lấy nhau xúc động, nước mắt chen trong nụ cười ngập tràn hạnh phúc. "Chỉ vỏn vẹn mấy chữ ấy thôi mà là nỗi khát khao, mong đợi của quân dân cả nước từ bao ngày. Chỉ mấy chữ ấy thôi mà bao người đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh".

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 14.

Ngay sau khi bị bắt sống, De Castries được giải về chỉ huy sở đại đoàn 312. Người được giao nhiệm vụ hỏi cung tướng De Castries bằng tiếng Pháp là ông Nguyễn Xuân Tính.

"Vào khoảng 18 giờ chiều ngày 7/5, tại sở chỉ huy của Đại đoàn 312 tôi được lệnh của cấp trên đi hỏi cung của tướng De Castries . Cuộc hỏi cung có sự chứng kiến của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn. Tướng De Castries lúc đó ăn mặc quân phục chỉnh tề, đầu đội mũ ca lô, tay cầm một cây gậy chỉ huy đi cùng khoảng 10 viên sỹ quan", cựu chiến binh Điện Biên Phủ chia sẻ với Người lao động.

Ông Tính yêu cầu tướng De Castries khai báo họ tên, cấp bậc, số hiệu sỹ quan v.v....

"Tướng De Castries lúc đó vẻ mặt ngơ ngác nhưng trả lời rất rõ ràng, rành mạch các câu hỏi", ông Tính liên tục yêu cầu De Castries ký vào biên bản ghi lời khai, mục đích là để kiểm tra chữ ký đề phòng địch đánh tráo người.

Đặc biệt, tại cuộc hỏi cung, tướng De Castries tiết lộ, quân Pháp không thể ngờ được lực lượng Việt Minh có thể kéo pháo hạng nặng lên đồi cao và bắn chính xác; cũng như vô cùng kinh ngạc trước khả năng tiếp tế của quân và dân ta trong chiến dịch này.

Trước khi được Việt Nam trao trả về Pháp, tướng De Castries đã đề nghị cho ông ta được phát biểu vài cảm nhận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

De Castries thốt lên: “Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào. Ông chỉ huy những chiến dịch tưởng chừng không thể thắng, đưa ra những quyết định mà có lẽ không một vị tướng nào dám thực hiện”.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 15.

“Tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”, De Castries nói.

Trong cuốn hồi ký Ánh sáng trong rừng thẳm của đạo diễn Roman Carmen, người đã từng sang Việt Nam làm phim tài liệu vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ ông đã kể lại cuộc phỏng vấn của mình và tướng De Castries .

Trong cuộc phỏng vấn, De Castries thừa nhận trong chiến thắng của Việt Nam ở Điện Biên Phủ là cả một nghệ thuật quân sự.

“Quân đội Việt Nam đã thể hiện chiến lược cao trong trận chiến này. Tướng Navarre đã tập trung ở Điện Biên Phủ một quả đấm quân sự đáng kể, nhưng chiến thuật tập trung của ông ta đã bị bẻ gãy bởi chiến lược của Tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp đã buộc Navarre phải xé lẻ các đội quân của mình. Lần này Navarre đã sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi, thuần túy là những quân nhân cần phải nói một cách trung thực: Chúng tôi đã thua trận Điện Biên Phủ!”.

“Tiếng sét” ở Paris, những giờ cuối ở Điện Biên Phủ và lời thừa nhận hân hạnh chiến bại trước Tướng Giáp- Ảnh 16.

Ngày 7/5, tin tức về chiến thắng của quân ta được phát sóng qua các đài phương Tây đã mang lại niềm vui mừng khôn xiết cho đoàn đại biểu Việt Nam lúc đó đang tham dự Hội nghị Genève, nhiều người không cầm được nước mắt. Ngay trong đêm 7/5, tất cả thành viên đoàn Việt Nam đã thức trắng để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng diễn ra vào sáng hôm sau.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) gọi chiến thắng Điện Biên Phủ là “chiến thắng lịch sử”, “chiến thắng vàng” của dân tộc Việt Nam, “mở đầu cho sự sụp đổ chế độ thực dân của Pháp, đưa Việt Nam thành một quốc gia độc lập”.

Trong khi đó, tờ Guardian (Anh) cho rằng những gì chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại còn rộng hơn thế, nó báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Còn báo South China Morning Post (Hồng Kông, Trung Quốc) thì đánh giá, chiến thắng của quân dân Việt Nam là “ví dụ điển hình về quyết tâm của một quốc gia đứng trên đôi chân của mình để đánh chắc thắng”, cho thấy “một nước châu Á nhỏ bé đã đánh bại một cường quốc thực dân châu Âu hùng mạnh”.


Ban Quốc tế
Tư liệu, TTXVN, Getty, Alex Bowie
Bạch Quả
07/05/2024 00:00