Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí: Không nên đánh đổi sự an toàn của người dân với lý do phát triển kinh tế

Trung Sơn |

Chúng ta vừa mới trải qua đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 và những ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội đó đến đời sống xã hội là rất lớn, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nhan Cẩm Trí, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính Trường đại học Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) về chuyện chống dịch và phát triển kinh tế, du lịch trong bối cảnh hiện nay. 

- Trong đợt chống dịch lần 1, Chính phủ đã thực hiện cách ly xã hội. Lần dịch này, Chính phủ đã chọn cách ly từng phần, khu vực nào có dịch mới thực hiện giãn cách xã hội. Ông đánh giá thế nào về cách chống dịch của Chính phủ lần này?

- Theo tôi việc cách ly xã hội từng phần là hợp lý. Vì giãn cách xã hội trên diện rộng sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, tác động mạnh lên đời sống người dân. 

Chúng ta vừa mới trải qua đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 và những ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội đó đến đời sống xã hội là rất lớn, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo, những người không có vốn dự trữ để có thể cầm cự với các đợt giãn cách xã hội kéo dài.   

- Vừa qua, chúng ta kích thích du lịch nội địa để cứu vãn kinh tế. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào du lịch nội địa thì không thể phát triển được mà mở cửa du lịch để khách quốc tế vào Việt Nam thì cũng rất nguy hiểm. Chúng ta cần lời giải nào cho bài toán này, thưa ông?

- Theo tôi, chúng ta chỉ nên mở cửa du lịch quốc tế khi chúng ta thật sự kiểm soát được dịch bệnh. Chúng ta không nên đánh đổi sự an ninh, an toàn của người dân với lý do phát triển kinh tế.

Vì thực tế khi dịch bùng lên và không thể kiểm soát thì lúc đó không phải chỉ 1 vài ngành mà toàn bộ nền kinh tế sẽ bị tê liệt và rơi vào khủng hoảng. Chúng ta đã từng có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp khi lâm vào khủng hoảng trước đây đối với một số ngành nghề.

Vậy nên chăng cần có sự điều tiết của chính phủ hỗ trợ người dân trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, tái cấu trúc lại các ngành nghề trong xã hội, hỗ trợ phát triển các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu xã hội trong hoàn cảnh mới.

Theo quan sát của cá nhân, nhu cầu du lịch, du học của người dân cũng đã giảm đáng kể, nhất là khi dịch bệnh tái bùng phát. Chắc chắn các nhu cầu cũ sẽ chuyển hóa thành các dạng nhu cầu khác. Vì vậy thay vì cố gắng mở cửa du lịch, chúng ta nên suy nghĩ về các xu hướng mới của con người và hãy đón đầu các xu hướng mới đó, như thế sẽ tốt hơn.

- Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nếu không phòng tránh lây lan dịch bệnh thì hậu quả khôn lường. Theo ông, cần lưu ý điều gì để kinh tế vẫn vận động và mặt khác vẫn phòng chống Covid-19?

Tôi nghĩ chúng ta phải một mặt chống dịch mạnh mẽ, mặt khác vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Để làm được điều đó đòi hỏi một sự đồng lòng từ chính quyền cho đến mọi người dân.

Về phía chính phủ, cần mạnh tay xử lý thật nghiêm các trường hợp không tuân thủ lệnh cách ly, không chấp hành pháp luật nhà nước, đưa người nước ngoài nhập cư trái phép không qua kiểm dịch cách ly. Đợt bùng dịch thứ 2 vừa qua cho thấy có dấu hiệu dịch lây lan là từ các yếu tố nhập cư trái phép, không tuân thủ cách ly.

Một số người do hám lợi đã hy sinh sự an toàn của dân tộc. Nếu chúng ta ai ai cũng có ý thức cao, cảnh giác cao độ, báo cáo ngay khi phát hiện các trường hợp sai phạm, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly y tế thì chắc chắc chúng ta sẽ kiểm soát được dịch.

Muốn vậy, chính phủ phải tuyên truyền sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa đến quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền phải sâu sát đấn từng hộ gia đình, từng tổ dân phố, thôn xóm ấp. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì chúng ta mới có thể an tâm phát triển kinh tế.

- Những ngày này, cả Chính phủ và người dân đều đang chống dịch và đang nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh. Nếu dịch bệnh kéo dài, ông đánh giá thế nào về sức chịu đựng của nền kinh tế?

- Một số ngành nghề chắc chắn sẽ không thể chống chọi lâu nữa nếu hoạt động kinh doanh tiếp tục bị đình trệ do giãn cách xã hội.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa cho thấy dấu hiệu giảm, và việc nhiều nơi bùng phát dịch trở lại sau khi các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội được thực hiện. Điều đó cho thấy tình trạng sống chung với dịch có lẽ là một thực tế lâu dài.

Do vậy, các nhà lãnh đạo ở cấp độ vĩ mô đến vi mô phải có có giải pháp tái cấu trúc, chuyển hướng hoạt động sang các lĩnh vực khác an toàn hơn trước khi quá muộn. Hoặc phải cải tiến các hình thức hoạt động, tìm ra nhiều mô hình hoạt động mới linh hoạt hơn là điều cần thiết trong lúc này.

Chắc chắn nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, nhiều ngành nghề mới sẽ ra ra đời và nhiều công việc cũ sẽ phải mất đi để đáp ứng với hoàn cảnh mới. Hình thức làm việc online, làm việc tại nhà sẽ là trào lưu mới trong thời gian tới. Con người dù không muốn nhưng sẽ phải dần thích nghi vì hoàn cảnh đã thay đổi. Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bắt buộc phải thay đổi để tồn tại và phát triển.

-  Doanh nghiệp, đời sống của người dân bị tác động rất nhiều bởi Covid-19. Hàng ngày, chúng ta vẫn nghe những thông tin về chuyện doanh nghiệp giải thể, người lao động thất nghiệp. Theo ông, đâu là cách để giảm đau kinh tế trong thời gian này?

- Tái cấu trúc các ngành kinh tế là điều chúng ta phải nghĩ đến. Tái cấu trúc công ty, dịch chuyển sang các ngành nghề gần với ngành nghề chính và an toàn hơn là điều mà các chủ doanh nghiệp phải suy nghĩ và có kế hoạch ngay từ bây giờ trước khi phá sản.

Đứng trước sự thay đổi quá nhanh chóng của xã hội, buộc chúng ta phải thích nghi với sự thay đổi và phải chấp nhận thay đổi là điều tất yếu của cuộc sống.

Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Các gói vay hỗ trợ lãi suất, giảm và giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn pháp lý, giảm giá điện nước kinh doanh… cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trên có thể thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Khi tái cấu trúc, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, các khóa đào tạo nghề nghiệp miễn phí hoặc học phí ưu đãi giúp người dân chuyển đỗi công việc cũng là những giải pháp cần nghĩ đền để giúp giảm đau cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.    

Xin cảm ơn ông!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại