Theo thông tin mới nhất từ Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng không có kế hoạch đầu tư bằng tiền của cá nhân vào VinFast, ngay cả khi kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mỹ của hãng bị trì hoãn và phải tiến hành tái cấu trúc.
Chủ tịch Vingroup - người có giá trị tài sản ròng 4,1 tỷ USD thành lập VinFast năm 2017. Tính đến tháng 9/2022, các chủ sở hữu và bên cho vay của nhà sản xuất xe điện này đã đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD để tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn.
“ Hiện tại, cá nhân ông Vượng chưa có kế hoạch đầu tư thêm vào VinFast " - CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết trên Bloomberg.
Theo thông tin từ Bản cáo bạch, tại thời điểm 30/9/2022, VinFast Trading & Investment Pte Ltd (VinFast Singapore/VinFast Auto) có 2,41 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành do 3 cổ đông nắm giữ là Vingroup (51,52%), CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam – VIG (33,48%) và Asian Star Trading & Investment (15%), không có cổ phần của cá nhân không Vượng.
Tuy nhiên VIG và Asia Star đều là những công ty đầu tư riêng thuộc sở hữu của chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Bản thân Vingroup cũng do ông Vượng nắm quyền chi phối do vậy bản cáo bạch nhận định ông Vượng đang kiểm soát 100% lợi ích tại VinFast.
Nhà máy VinFast Mỹ hiện đã “cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng” và VinFast đang “hoàn thiện các giấy phép để có thể bắt đầu xây dựng”. Bà cho biết thêm VinFast vẫn đang trên đà bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại cơ sở ở Bắc Carolina vào năm 2024.
Việc xây dựng bị trì hoãn càng lâu, VinFast sẽ càng mất nhiều thời gian để bắt đầu sản xuất xe điện tại địa phương ở Bắc Mỹ và để các phương tiện của họ đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp năng lượng sạch trị giá 7.500 USD mỗi xe của Mỹ.
VinFast đã lỗ 1,3 tỷ USD vào năm 2021 và gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng tính đến ngày 30/9/2022, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) trước đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch của VinFast. Hồ sơ tháng 12 cũng cho biết công ty dự kiến sẽ tiếp tục chịu lỗ hoạt động và lỗ ròng trong thời gian tới.
Vingroup đã phát hành thông báo với nội dung “Vingroup có khả năng và sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính đủ để VinFast tiếp tục hoạt động”. Hồ sơ cũng cho biết rằng VinFast sẽ “yêu cầu vốn bổ sung đáng kể”, dự kiến sẽ đến từ nguồn vốn vay và vốn chủ sở hữu cũng như nguồn vốn của các bên liên quan.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Qatar vào tháng 6 năm ngoái, bà Thủy cho biết VinFast sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina, Mỹ vào tháng 9 tới. Nhà máy này từng được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khen ngợi.
Trước đó, VinFast có kế hoạch sản xuất xe điện tại nhà máy ở Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam và xuất xưởng đi Mỹ. Nhưng đợt giao hàng đó đã bị dời lại từ mốc thời gian dự kiến là cuối năm 2022 sang nửa cuối tháng 2/2023.
Bà Thủy cho biết việc chậm giao hàng là do VinFast đang chờ chứng nhận từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) về việc tăng phạm vi lái xe của mẫu VF8, hiện là 207 dặm (333 km). Bà nói: “T rong thời gian chờ đợi chứng nhận của EPA, VinFast vẫn tiếp tục cập nhật phần mềm để cải thiện trải nghiệm của người dùng ".
Theo Bloomberg, VinFast đã cắt giảm khoảng 80 nhân sự ở Bắc Mỹ, bao gồm cả giám đốc tài chính người Mỹ. Sự ra đi của Rodney Haynes, giám đốc tài chính của VinFast U.S " không ảnh hưởng đến hoạt động của Vinfast tại Mỹ hay toàn cầu " - công ty cho biết.
VinFast đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu xe mỗi năm vào năm 2026. Trong ba tháng tính đến ngày 31/12, VinFast đã giao hơn 4.900 xe điện.
“ Trước mắt chúng tôi chưa thể tiết lộ con số cụ thể nhưng VinFast đã giao hàng nghìn chiếc EV và có gần 70.000 đơn đặt trước để sản xuất và giao cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nhận đặt cọc VF5, và sẽ sớm mở đặt chỗ VF6 và VF7 trên toàn cầu với ngày giao hàng dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2023 " - CEO VinFast tiết lộ.