Tiền ảo và những rủi ro thật

Phương Thủy |

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu tiền ảo là gì, có nên đầu tư vào lĩnh vực này, dấu hiệu nhận biết như thế nào?, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50).

Vụ đầu tiền ảo đa cấp: Mất tiền vì nôn nóng làm giàu Hệ lụy xung quanh vụ "lừa tiền ảo" lớn nhất Việt Nam Vụ tiền ảo iFan: Hàng nghìn tỷ đồng bị chiếm đoạt – vì sao?

Ngày 8-4 vừa qua, rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech để biểu tình kèm theo băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng".

Theo tố cáo thì các đối tượng huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo Ifan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng, hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia. 

Sau khi thu được số tiền lớn, Ifan bất ngờ tuyên bố thay đổi hình thức trả thưởng khiến nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền.

Ngoài ra, thời gian gần đây, cơ quan Công an đã bắt giữ hàng loạt đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi đầu tư tiền ảo, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu tiền ảo là gì, có nên đầu tư vào lĩnh vực này, dấu hiệu nhận biết như thế nào?, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (C50).

Tiền ảo và những rủi ro thật - Ảnh 1.

Thượng tá Lê Xuân Minh.

Thượng tá Lê Xuân Minh: Tiền ảo là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số  và có chức năng như: một phương tiện trao đổi, một đơn vị kế toán, một phương tiện cất trữ có giá trị. Tiền ảo gồm 2 loại là tiền ảo phát hành và tiền thuật toán.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tiền ảo là gì? Hiện nay có những loại tiền ảo nào?

Tiền ảo phát hành là tiền ảo do các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên mạng tự phát hành cho nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Ví dụ như tiền ảo trong các trò chơi trực tuyến (games onlines); ứng dụng học tiếng Anh; ứng dụng cung cấp nội dung số như nhạc, phim...

Loại thứ 2 là loại mà chúng ta đang nói đến. Chính xác thì nên gọi là tiền thuật toán. Tiền thuật toán nghĩa là gì? Là tiền ảo được sinh ra bởi các thuật toán mã hoá phức tạp trên nền phần mềm mã nguồn mở ứng dụng công nghệ lưu trữ và kết nối hiện đại. Hiện nay, có các loại tiền thuật toán phổ biến là: Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH); Ripple (Xrp), Neo, Dash...

Phóng viên: Thưa đồng chí, hiện nay, tiền thuật toán đã được pháp luật thừa nhận hay chưa? Có nên coi là tài sản hay không?

Thượng tá Lê Xuân Minh: Tại Việt Nam, tiền thuật toán chưa được pháp luật thừa nhận là tài sản và không bảo hộ cho các giao dịch.

Các loại tiền thuật toán hiện nay đang hoạt động chủ yếu là do đầu cơ. Lợi nhuận có thể lên đến hàng chục phần trăm/ngày.

Tiền thuật toán chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên không được coi là tài sản.

Phóng viên: Theo khảo sát của Cục C50, thì hiện nay có khoảng bao nhiêu người tham gia mua bán tiền thuật toán? Số tiền giao dịch khoảng bao nhiêu, thưa đồng chí?

Thượng tá Lê Xuân Minh: Theo ước tính thì hiện nay có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch tiền thuật toán với số tiền hàng ngày khoảng 300 tỷ đồng. Điều đáng nói là phần lớn số tiền này giao dịch qua các tài khoản ngân hàng. 

Ngoài việc giao dịch, mua bán tiền thuật toán của nước ngoài, tại Việt Nam còn xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân thiết lập các hệ thống máy tính, máy chủ để “đào tiền thuật toán” (hay còn gọi là đào coin). Việc đào tiền thuật toán gây lãng phí rất nhiều thời gian, năng lượng, tạo ra lợi nhuận nhưng không đóng thuế.

Phóng viên: Được biết, ngoài việc mua bán tiền thuật toán của nước ngoài như Bitcoin, Ethereum, Ripple... nhiều đối tượng đã lập nên các trang web và phát hành tiền thuật toán để lôi kéo, thu hút nhà đầu tư. Đồng chí đánh giá thực trạng này như thế nào và bản chất của việc này là thế  nào? Có thật sự phát hành tiền thuật toán hay có biểu hiện lừa đảo?

Thượng tá Lê Xuân Minh: ICO (Intial Coin Offering) là hoạt động huy động vốn bằng cách phát hành tiền thuật toán lần đầu ra công chúng để phát triển một dự án, giải quyết các bài toán về công nghệ, có tính ứng dụng trong thực tế. 

ICO sẽ bán đồng tiền thuật toán (coin) hoặc mã khoá tonken (mỗi mã khoá tonken sẽ được quy đổi thành 1 đồng tiền thuật toán khi lên sàn) để thu hút tiền thuật toán (như Bitcoin, Ethereum...)

ICO căn bản là những dự án tiền thuật toán có ứng dụng rõ ràng, được xây dựng bởi 1 nhóm hoặc 1 công ty có tên tuổi địa chỉ rõ ràng, từng thành viên trong đội nhóm phát triển đều có lí lịch trích ngang và tiểu sử; khách hàng có thể nắm thông tin về dự án ngay trên chủ của website dự án. 

Trước khi đầu tư, nhà đầu tư nên nghiên cứu trên trang chủ của dự án đó, kế hoạch phát triển, đội ngũ nhân viên.

Ví dụ, một ICO căn bản thành công gần đây là INS Ecosystem, đây là 1 ICO giải quyết vấn đề kết nối giữa nhà sản xuất và các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ, giúp cho giảm chi phí, tăng lợi nhuận tối đa cho nhà bán lẻ. 

Dự án này được nhiều nhà đầu tư Việt Nam tham gia, giá bán ICO vào khoảng 1 USD thời điểm phát hành. 3 tháng sau, giá tăng lên 26 USD.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tiền thuật toán đang biến tướng theo mô hình đa cấp, mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghĩa là, nhà phát hành bán cho người mua theo các gói được quy định sẵn; nhà đầu tư hưởng hoa hồng theo mô hình đa cấp, tức là lợi nhuận của người trước được trích từ tiền đóng của người sau.

Một số đồng tiền thuật toán tại Việt Nam được bán theo mô hình đa cấp như Bitconnect, Firstcoin... 

Thời gian đầu, thanh khoản rất tốt, hiện nay mất tính thanh khoản hoặc bị giảm giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm lần vì không phát triển được nhà đầu tư mới. Có những thời điểm, đồng Bitconnect giá cao nhất là 479 USD, hiện tại đang giao dịch ở 2 USD hoặc 3 USD; đồng Firstcoin có thời điểm giá 16 USD, hiện nay khoảng 0,7-0,8 USD... 

Ngoài ra, một số đồng tiền thuật toán bán theo mô hình đa cấp có dấu hiệu lừa đảo như AOC, Ifan... Các đối tượng lừa đảo qua hình thức tiền thuật toán AOC đã bị Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ; vụ Ifan khách hàng tố lừa đảo 15 nghìn tỉ đang được điều tra...

Phóng viên: Theo đồng chí, người dân nên làm thế nào để phát hiện tiền thuật toán có dấu hiệu lừa đảo?

Thượng tá Lê Xuân Minh: Đa số các vụ lừa đảo, đối tượng đều đánh vào lòng tham của con người. Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gì có thể lãi suất 40-50%/tháng, thậm chí là lãi hàng chục phần trăm theo ngày?

Để phòng ngừa bị đối tượng xấu lừa đảo, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin. 

Cụ thể, như thông tin của tổ chức phát hành thường rất bí mật hoặc thông tin giả; người tổ chức không tiếp xúc với cộng đồng, chỉ dùng phương thức ẩn danh qua Facebook, Twitter, Telegram...; có các điều kiện ràng buộc về tiền gốc của nhà đầu tư, nhà đầu tư không được trao đổi, mua bán hay giao dịch một cách tự do mà bị khoá lại trong 1 khoảng thời gian nhất định. 

Các tính năng kỹ thuật, ứng dụng thực tế không có.

Đặc biệt, nên chú ý về lãi suất. Nếu lãi suất trả cao nhưng không có căn cứ rõ ràng về nguồn gốc trả lãi suất (như đầu tư vào lĩnh vực gì, lợi nhuận thế nào), thì gần như chắc chắn là lừa đảo vì chỉ lấy tiền người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước.

Phóng viên: Để ngăn ngừa  những hệ luỵ do tiền thuật toán gây ra, thì cần có những giải pháp gì?

Thượng tá Lê Xuân Minh: Phần lớn giao dịch tiền ảo thông qua hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, muốn ngăn chặn, trước hết phải kiểm soát thông qua hệ thống ngân hàng. Ngày 13-4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 02 về tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thực hiện giao dịch, thanh toán, chuyển tiền... liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế...; báo cáo kịp thời về các giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền ảo; đề xuất, xây dựng khung pháp lí về quản lí tiền ảo...

Lực lượng Công an cần chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để nắm chắc các hoạt động ứng dụng, sử dụng tiền ảo trên không gian mạng; phối hợp với ngân hàng để nắm hoạt động giao dịch tiền ảo thông qua hệ thống thanh toán của ngân hàng để kiểm soát những giao dịch đáng ngờ theo quy định chống rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp.

Kịp thời xác minh, điều tra và xử lí những sai phạm; cảnh báo các hành vi, thủ đoạn sử dụng tiền ảo để lừa đảo nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại đối với người dân khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Phối hợp với Bộ Công thương rà soát, trao đổi thông tin về những hoạt động ICO đa cấp, biến tướng...

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại