Sau khi Facebook công bố vào tháng trước việc sẽ tạo ra Libra, đồng tiền điện tử của riêng mình, các nhà quản lý đã bày tỏ sự lo ngại. Bởi dự kiến ra mắt vào năm 2020 và được hỗ trợ bởi hệ thống tài sản thực (tiền mặt và trái phiếu chính phủ ngắn hạn), đồng tiền ảo này có thể thay đổi cơ bản hệ thống kinh tế, thậm chí có thể tàn phá các nền kinh tế nhỏ và đe dọa làm lung lay sự ổn định tài chính toàn cầu một khi mọi người nhanh chóng từ bỏ đồng nội tệ.
Có thể nói, các kế hoạch mà Facebook dành cho Libra rất hoành tráng, nhưng tiền đề cơ bản của tiền kỹ thuật số thì vẫn giống như cách đây hàng thập kỷ. Trên thực tế, Facebook cũng phải công ty đầu tiên và duy nhất ôm tham vọng đưa tiền kỹ thuật số trở thành công cụ thanh toán thương mại điện tử. Thậm chí, Mark Zuckerberg còn chậm chân hơn so với một "gã khổng lồ" ở Trung Quốc.
Tencent, tập đoàn điều hành WeChat (ứng dụng mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng hàng ngày) và dịch vụ nhắn tin tức thời QQ (820 triệu người dùng hoạt động hàng tháng), đã ra mắt tiền ảo của riêng mình mang tên QQ Coin, vào năm 2005. QQ Coin có giá 1 nhân dân tệ (0,15 USD) mỗi đồng và ban đầu chúng được thiết kế để trả tiền cho các dịch vụ và trò chơi trực tuyến trong hệ sinh thái của Tencent. Sau khi mua, QQ Coin không được hoàn lại thành tiền, ít nhất là thông qua công ty. Thay vào đó, Tencent khuyên người dùng nên chi tiêu chúng cho những thứ "phù du" khác như thay đổi giao diện của Tencent Avatar.
Ban đầu QQ Coin được xây dựng với mục đích chỉ sử dụng trong hệ sinh thái Tencent.
Nhưng ngay sau khi Tencent ra mắt tiền ảo, QQ Coin đã thoát khỏi sự kiểm soát của mình. Vào năm 2006, một năm sau khi đồng tiền kỹ thuật số ra mắt, các trang web trò chơi trực tuyến trên mạng ngoài hệ thống của Tencent đã bắt đầu chấp nhận QQ Coin dưới dạng thanh toán. Đồng tiền này an toàn và thiết thực hơn để thực hiện các giao dịch mua hàng trực tuyến nhỏ, bởi vì khi đó thẻ tín dụng vẫn chưa phổ biến ở Trung Quốc. QQ Coin cũng trở nên phổ biến trên các trang web cờ bạc và giải trí dành cho người lớn. Điều này diễn ra trong bối cảnh bitcoin vẫn chưa được phát hành, mãi cho đến năm 2009.
Tuy nhiên sau đó, vào tháng 1/2007, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố đàn áp QQ Coin vì lo sợ chúng có thể tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền. Nhưng khi chính phủ nước này càng cố gắng kiềm chế QQ Coin, giá của nó lại càng tăng cao. Có thời điểm nó tăng đến 70% chỉ trong vài tuần. Thậm chí Taobao, "eBay phiên bản Trung Quốc" đã quyết định cho phép giao dịch tiền ảo vào tháng 4 năm đó, bất chấp sự lo lắng của chính phủ và vụ kiện từ phía Tencent. Mãi đến năm 2009, ngân hàng nhân dân Trung Quốc mới ra lệnh các loại tiền ảo chỉ có thể được sử dụng để mua hàng hóa ảo (không phải là vật chất) và đặt ra quy định các khoản giảm giá của QQ Coin phải cao hơn giá mua.
QQ Coin vẫn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay và chúng vẫn là một phần không thể thiếu, mặc dù rất khó đo lường, trong nền kinh tế ngầm của Trung Quốc. Theo Vili Lehdonvirta, giáo sư tại Viện Internet Oxford và Edward Castronova, giáo sư truyền thông tại Đại học Indiana, Bloomington thì câu chuyện trên chính là minh họa rõ ràng nhất cho những thách thức phải đối mặt với các nền kinh tế ảo.
Các lợi ích phát sinh từ những người tham gia có thể dẫn dắt những hệ thống trên đi theo các quỹ đạo khác biệt đáng kể so với những gì mà các nhà thiết kế dự định ban đầu. Nói cách khác, tiền kỹ thuật số có thể có những hậu quả không lường trước được.
Facebook có thể vượt qua sự quản lý của bất kỳ cơ quan tổ chức nào.
Trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc có thể kiểm soát QQ Coin bằng cách thu hồi giấy phép của Tencent, việc thiết lập hệ thống tiền tệ đa quốc gia như Libra có thể dẫn đến một tương lai đòi hỏi hệ thống pháp lý rất phức tạp. Giống như QQ Coin, nếu tiền ảo của Facebook thành công, nó sẽ được sử dụng độc quyền trên các mạng xã hội. Trên thực tế, các công ty khác đang khuyến khích tạo ra các dịch vụ ví điện tử, hệ thống trao đổi, trò chơi và các nền tảng hoàn toàn mới cho người dùng Libra. Vì vậy, một khi "vị thần" tiền điện tử này xuất hiện trên thế giới, việc đặt lại nó vào cái "chai" có thể là chuyện khó khăn hơn thế gấp vạn lần.
Libra, tất nhiên khác với QQ Coin. Đầu tiên là nó được hoàn lại và hai là nó sử dụng blockchain, một hệ thống máy tính phân tán. Cho đến nay, Tencent chưa nhận thấy mục đích hay giá trị của việc thiết lập blockchain, nhưng sự phân nhánh của QQ Coin và Libra cuối cùng có thể rất giống nhau, nếu không muốn nói không khác gì nhau.
Trong một bài đăng riêng tư trên WeChat, CEO Pony Ma của Tencent đã đưa ra đánh giá về đồng Libra của riêng mình. Ông nói: "Công nghệ đã phát triển, nó thực sự không khó. Nhưng phần mềm này phụ thuộc nhiều hơn vào việc các quy định có cho phép tồn tại hay không".
Và rõ ràng, khi các nhà quản lý xem xét đồng tiền ảo của Facebook, họ sẽ rất nhanh chóng so sánh nó với sự tồn tại của QQ Coin và cách mà tiền ảo của Tencent đã ảnh hưởng đến nội tại của nền kinh tế Trung Quốc.
Tham khảo Quartz