Cụ thể, từ ngày 7 - 15/2, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ làm việc với 8 nhà đầu tư đề xuất dự án tại khu vực Nam Vân Phong và các KCN như: Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty Stanvian hóa chất, Công ty Stavian Land, Công ty CP Trung Nam về dự án hóa dầu, năng lượng, công nghiệp…
Các Công ty CP Sonadezi, Tổng Công ty Becamex IDC, Công ty CP SSI, Công ty CP Sinnec và Công ty CP Trung Nam sẽ làm việc về các dự án đầu tư phát triển KCN. Riêng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ làm việc về đầu tư xây dựng cảng biển.
Cùng với đó, tại khu vực Bắc Vân Phong, Ban Quản lý KTT Vân Phong sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Novaland, Công ty CP Đầu tư Đất Tâm, Công ty CP FPT, Công ty CP Flamingo Holding Group về các dự án thuộc lãnh vực đô thị, du lịch. Riêng Tập đoàn Sungroup sẽ làm việc liên quan đến các dự án thuộc lãnh vực du lịch, dịch vụ, sân bay, cảng biển…
KKT Vân Phong với diện tích khoảng 150.000ha, là trung tâm kinh tế tỉnh Khánh Hòa, có vai trò thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và toàn quốc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút 155 dự án đầu tư. Trong đó, 125 dự án trong nước và 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4,2 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài khoảng hơn 2,9 tỷ USD.
Trong số 98/155 dự án đã đi vào hoạt động, có một số dự án lớn, hoạt động hiệu quả, đơn cử như Nhà máy đóng tàu Hyundai-Việt Nam, vốn đầu tư hơn 350 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động; hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh Khánh Hòa.
Năm 2022, KKT Vân Phong có doanh thu đạt khoảng 480 triệu USD; xuất khẩu đạt khoảng 399 triệu USD; nhập khẩu đạt khoảng 920 triệu USD; nộp ngân sách khoảng 2.601 tỷ đồng (trong đó nộp ngân sách từ hoạt động trung chuyển xăng dầu khoảng 1.341 tỷ đồng). Cùng với đó, KKT Vân Phong đã giải quyết việc làm cho 12.010 lao động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KKT Vân Phong có hai đặc điểm nổi trội là du lịch, dịch vụ hậu cần cảng biển, logistics . Trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào KKT Vân Phong trong lĩnh vực cảng biển, logistic, khu công nghiệp, khu chức năng công nghiệp, lọc hóa dầu, điện khí, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, KKT Vân Phòng đang có cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam , thuận lợi cho phát triển tiềm năng dịch vụ hậu cần cảng biển và logistics. Cụ thể, theo Trang thông tin điện tử Logistics Việt Nam (Bộ Công thương), cảng Vân Phong thuộc khu vực Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng để trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông Vận Tải, cảng Vân Phong giữ vai trò động lực trong việc phát triển vịnh Vân Phong thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, bao gồm cảng trung chuyển quốc tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản.... Trong đó, cảng trung chuyển quốc tế giữ vai trò chủ đạo gắn với dịch vụ cảng biển và thương mại.
Trên thực tế, cảng Vân Phòng, Khánh Hòa có vị trí địa lý, kinh tế khá thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quốc gia quan trọng cả về đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không; nằm gần đường hàng hải quốc tế, có các cảng biển lớn, là một trong những cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
So với các khu vực khác như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân phong nằm giữa đảo Hòn Lớn, bán đảo Hòn Gốm, bờ biển huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, là vùng bờ biển Việt Nam gần các tuyến hàng hải quốc tế nhất, ngay nơi các tuyến hàng hải tấp nập loại nhất thế giới gặp nhau. Do đó, cảng Vân Phong có thuận lợi trong giao thương hàng hóa quốc tế.