Tiềm năng hệ thống phòng không Nga đặt tại Syria chống đỡ tên lửa Mỹ

Hà Linh |

Ngày 11/4, Nga cảnh cáo sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Mỹ bay tới Syria. Một chuyên gia quốc phòng đánh giá rằng các hệ thống phòng không của Nga trên thực tế hoàn toàn có thể đánh chặn tên lửa Mỹ nhưng điều này cũng có một số thách thức.

Tờ Newsweek (Mỹ) nhận định năng lực của hệ thống phòng không quân đội Nga sẽ được "thử lửa" trong trường hợp Mỹ quyết định tấn công lực lượng Chính phủ Syria.

Hiện tại, hệ thống S-400 tiên tiến của Nga, được thiết kế để “hạ gục” chiến đấu cơ, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, đã được triển khai tại Syria. Nỗi lo sợ về S-400 gia tăng sau khi Đại sứ Nga tại Lebanon, ông Alexander Zasypkin cảnh báo rằng bất cứ tên lửa Mỹ nào hướng tới Syria cũng sẽ bị bắn hạ.

Lần đầu tiên Nga đưa S-400 đến Syria là trong năm 2015 sau sự kiện căng thẳng trong tháng 11 cùng năm với Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga ở biên giới với Syria.

Với phạm vi hoạt động 400 km, hệ thống phòng không S-400 đóng vai trò như chiếc ô che chắn cho Syria. S-400 tại căn cứ không quân ở Latakia có thể chống đỡ cho không phận phía Tây và Trung Syria thậm chí đối đầu trực diện với căn cứ tại Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đồn trú phần lớn không lực của quân đội Mỹ trong khu vực.

Tờ Daily Mail (Anh) cho biết S-400 cùng một thời điểm có thể theo dõi hàng chục và bắn hạ 36 mục tiêu. Tên lửa thuộc S-400 có thể đạt vận tốc 17.700 km/h. Một khả năng đặc biệt khác của S-400 là hệ thống này sở hữu radar có thể định vị được máy bay tàng hình ở khoảng cách gần, khoảng vài chục km.

Video cho thấy khả năng dò tìm mục tiêu của S-400 trong đêm tối:

Tuy nhiên, tính năng hoạt động của S-400 cũng tồn tại một số sơ hở mà các đối thủ có thể lợi dụng. Ông Douglas Barrie tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở ở Anh nhận định rằng để xử lý tên lửa hành trình, cần phải xác định được hướng di chuyển của chúng sau đó điều chỉnh hệ thống phòng không trong phạm vi có thể “xông thẳng” tới mục tiêu.

Do đó, một nguồn tin khẳng định rằng nếu tổ chức tấn công Syria, cả chiến đấu cơ của Mỹ, Anh và Pháp nhiều khả năng sẽ lựa chọn chiến thuật giữ khoảng cách an toàn với các hệ thống phòng không trên mặt đất để tránh bị bắn hạ.

Theo tờ National Interest (Mỹ), S-400 không phải là lựa chọn lý tưởng để xử lý các chiến đấu cơ bay thấp lợi dụng địa hình để tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, Nga đã khắc phục điểm yếu này ở Syria qua việc sử dụng hệ thống phòng không Pantsir.

Ông Barrie cho biết hệ thống phòng không Pantsir của Nga cũng được "giao nhiệm vụ" tương tự S-400 là dò tìm và bắn hạ các tên lửa hành trình. Hiện nay, Nga cũng đã triển khai cả hệ thống phòng không Pantsir đến lãnh thổ Syria.

Video về hệ thống phòng không Pantsir và S-400 của Nga tại Syria:

Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết Pantsir-S1 có khả năng tấn công máy bay, trực thăng hoặc tên lửa đạn đạo, thậm chí tên lửa hành trình Tomahawk Block-IV của Mỹ cũng có thể trở thành nạn nhân.

Pantsir-S1 (được NATO gọi là "chó săn xám" SA-22) là hệ thống tên lửa pháo phòng không kết hợp radar điều khiển hỏa lực, thiết bị quang học cảm biến điện, hai pháo cỡ nòng 30mm cùng tên lửa dẫn đường tầm ngắn đặt trên xe quân sự.

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 được thiết kế để dò tìm và tấn công các mục tiêu đa dạng bay ở độ cao đến 15 km trong phạm vi 20km.

https://baotintuc.vn/quan-su/tiem-nang-he-thong-phong-khong-nga-dat-tai-syria-chong-do-ten-lua-my-20180412142301880.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại