Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga

Lê Hùng - Nguyễn Hoàng |

Xin giới thiệu bài viết tháng 11/2016 của chuyên gia Nga Oleg Kaptsov đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) về sức mạnh quốc phòng đáng gờm của Thụy Điển.

Các ảnh trong bài là của tác giả, phần trong ngoặc đơn là của người dịch để chú thích - chúng tôi cố gắng truyền tải một cách trung thực nhất có thể giọng văn của tác giả O.Kpatsov. Sau đây là nội dung bài viết:

“Người Thụy Điển sáng chế ra diêm, thuốc nổ, chân vịt tàu thủy, bếp dầu, cờ lê, phương pháp siêu âm, máy tạo nhịp tim cứu sống hàng triệu mạng người. Hàng ngày chúng ta đo nhiệt độ bằng thang độ Anders Celsius (thang độ C) v.v và v.v. Nói ngắn gọn là Thụy Điển rất mạnh về công nghệ dân dụng.

Công nghệ quốc phòng Thụy Điển - đấy là một câu chuyện riêng không mấy vui vẻ đối với Nga. Khác với các nước Baltic nhỏ bé khác (tuy bài Nga nhưng tiềm lực quốc phòng yếu - ND), Thụy Điển là quốc gia sở hữu một tiềm lực quân sự mạnh như thú dữ. 

Và, cùng với đó, một thái độ cực cứng rắn và rất thành kiến với Nga. Bạn sẽ không thấy bất cứ một nơi nào khác trên thế giới có thái độ chống Nga tương tự như vậy.

Người Thụy Điển từ chối gia nhập NATO, nhưng cái giá của sự trung lập này, chúng ta (Liên Xô trước kia, Nga hiện nay) hiểu quá rõ qua những kinh nghiệm trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trong nửa thế kỷ trở lại đây, Thụy Điển giận dữ chuẩn bị chiến tranh.

Ném bom xuống các vùng nước cạn trên Biển Baltic, có lý do và không có lý do, bố trí các bãi mìn chờ nổ để hy vọng có lúc nào đó đánh chìm “tàu ngầm Nga”. Điều đáng nói là Thụy Điển làm điều đó một cách công khai và tuyên bố thẳng thừng. Chưa nước nào tự cho phép mình làm điều tương tự, thậm chí cả “đối thủ tiềm năng” chủ yếu (của Nga) .

Khác với “kẻ thù tiềm năng” bên kia đại dương (Mỹ), Thụy Điển là một kẻ thù cực kỳ tiềm năng của Nga. Chắc chắn Thụy Điển sẽ không tấn công trước, nhưng nếu như buộc phải đánh nhau - Thụy Điển có thể sẽ gây ra cực nhiều vấn đề cho Nga.

Bằng cách tiêu diệt sạch sẽ Hạm đội Bantic và gây thiệt hại lớn, dàn mỏng các đơn vị không quân và bộ binh Nga. Không thể hình dung một chiến thắng “nhẹ nhàng” nào (của Nga) trên Chiến trường Scandinavie” .

Cuộc tấn công của các Robot

Sự kiện tàu khu trục Israel bị tàu mang tên lửa chống hạm đánh chìm năm 1967 đã gây một cú sốc mạnh cho hải quân các quốc gia Phương Tây. Đối với tất cả, chỉ trừ (Hải quân) Thụy Điển. Tại sao? vì ngay từ năm 1958, Thụy Điển đã đưa tên lửa chống hạm “ Rb 04” vào trang bị.

Thụy Điển đã rất đúng khi xuất phát từ quan điểm cho rằng, một cuộc chiến tranh với Liên Xô sẽ bắt đầu từ trên biển và họ (Thụy Điển) không có đủ tàu để đánh trả, giới chức quân sự Thụy Điển lựa chọn phương án dành ưu tiên cao cho phát triển vũ khí chính xác cao.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 1.

Công ty SAAB bắt đầu thiết kế tên lửa chống hạm từ cuối những năm 40 (thế kỷ XX) và đã đạt những kết quả tương đối tốt. Tên lửa chống hạm Thụy Điển Robot-04, nhỏ hơn và nhẹ hơn tên lửa cùng họ “Kometa” của Liên Xô tới vài lần (khối lượng của “Kometa” - 600 kg).

Để sử dụng Robot-04 không cần đến nỗ lực của các tàu chiến mang tên lửa hạng nặng: nó (Robot -04) có thể được phóng từ cánh của bất cứ một máy bay tiêm kích hạng nhẹ nào. Một loại vũ khí nhẹ và rất mạnh sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu rắn, - chỉ cần khóa mục tiêu và bắn!

Đầu tự dẫn radar hai chế độ - để tấn công các tàu đơn lẻ và một cụm tàu. Trọng lượng đầu tác chiến - 300 kg, đủ để gây vết thương chết người cho bất cứ tàu chiến nào của Hạm đội Cờ đỏ Baltic (Liên Xô).

Có một vấn đề nhỏ là tầm bắn của tên lửa này không lớn (32 km), nhưng vấn đề này không phải là cái gì quá lớn nếu tính tới sự yếu kém của các hệ thống vũ khí phòng không trong những năm 1960 của thế kỷ trước.

Đã có hàng trăm quả “Robot” được xuất xưởng. Với so sánh lực lượng như vậy, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các tàu khu trục và khu trục hạng nhẹ của Hạm đội cờ đỏ Baltic (Liên Xô) được đóng sau chiến tranh (Thế giới lần thứ hai) khó có cơ hội chạy về được đến cửa vịnh Phần Lan.

Mối đe dọa Baltic

Thụy Điển lên kế hoạch “tiếp đón” Hạm đội Baltic (của Liên Xô - Nga) không chỉ từ trên không. Người Thụy Điển đặc biệt quan tâm phát triển lực lượng tàu ngầm, trân trọng tàu ngầm vì giá thành tương đối rẻ và khả năng (tác chiến) không thể so sánh của chúng.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 3.

Trong giữa những năm 1990, người Thụy Điển lại một lần nữa đi trước toàn thế giới khi đóng thành công tàu ngầm phi hạt nhân với động cơ AIP (động cơ yếm khí).

Khác với các tàu ngầm điện - diezel truyền thống sau mỗi 2 ngày phải nổi lên mặt nước để nạp ắc quy, (tàu ngầm) “Gotland“ của Thụy Điển có thể không cần phải nổi lên trong suốt 2 - 3 tuần!

“Cậu bé” sát thủ này ngày lập tức được Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) quan tâm. Năm 2005, “Gotland” được Mỹ thuê và long trọng đưa về bờ biển California, tham gia cuộc tập trận JTFE 6-02 và ngay trong cuộc tập trận này đã “đánh chìm” được tàu sân bay “Ronald Reagan” của Mỹ.

Trọng lượng thân nhỏ và 27 nam châm điện - từ đã loại hoàn toàn khả năng bị phát hiện bằng các thiết bị dò bằng phương pháp đo dị thường trường từ. Nhờ có kích thước nhỏ và cơ chế khử rung, tàu ngầm "Gotland" "hòa lẫn" hoàn toàn vào phông nhiệt và phông âm thanh của đại đương.

Theo lời của chính các quân nhân Mỹ tham gia tập trận JTFE 6-02: rất khó phát hiện "Gotland" ngay cả khi nó đang ở ngay sát cạnh các tàu Mỹ.

Hiện nay, trong trang bị của Hải quân Thụy Điển có 3 tàu ngầm kiểu "Gotland". Còn 2 chiếc tàu ngầm diesel đóng trong những năm 1980 đã được hiện đại hóa và có các tính năng tương tự như "Gotland" mới được chế tạo trong những năm 2000. Hiện Thụy Điển đang nghiên cứu chế tạo các tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ tiếp theo - "Dự án A26".

Bóng ma Baltic

Hi- Tech tiếp theo của Thụy Điển, đó là sản phẩm hợp tác giữa "Volvo" và "Electrolux".

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 4.

Tàu hộ vệ tàng hình " Visby"

Kích thước nhỏ truyền thống cùng với khả năng sử dụng tối ưu các khoảng không gian trong tàu. Đấy là một đặc điểm ưu việt trong phong cách Thụy Điển - gạt bỏ những mục tiêu biết trước chắc chắn là không đạt được, tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ khả thi, và dựa vào những khả năng thực có.

Thường là, không lâu sau đó thực tế cho thấy là hướng đi mà người Thụy Điển đã chọn rất phù hợp với (việc đáp trả) các hướng phát triển của những mối đe dọa. Kiểu tàu nhỏ thích ứng tối đa với những yêu cầu trên chiến trường (biển Baltic). Tất cả những (nhiệm vụ) còn lại - (giao cho) tàu ngầm và không quân giải quyết.

Tàu chống ngầm cỡ nhỏ mang vũ khí pháo binh - tên lửa hiện đại. Lượng giãn nước 600 tấn đủ để lắp đặt đài radar kích thước nhỏ, 3 trạm định vị thủy âm, vũ khí tên lửa - pháo hạng nhẹ, các phương tiện tác chiến điện tử chất lượng rất cao và các ngư lôi chống ngầm.

Có chỗ cho máy bay lên thẳng hạ - cất cánh và bảo dưỡng. Để khảo sát lớp bùn trên đáy biển Baltic và dọn đường qua các bãi mìn có 2 thiết bị (tàu) ngầm không người lái. Các động cơ tuabin khí đảm bảo cho các các thiết bị (tàu) này đạt tốc độ tới 35 hải lý/h.

Nhiệm vụ của "Visby"- chống ngầm khu vực ven bờ, - nơi lúc nào cũng có các tổ hợp tên lửa phòng không mặt đất và không quân yểm hộ. Cộng vào đó, kích thước nhỏ và các phần tử ứng dụng công nghệ tàng hình gây khó khăn lớn cho đối phương khi theo dõi (tàu Thụy Điển) và dẫn đường cho các cụm tàu của mình tấn công các tàu Thụy Điển.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 5.

Tổng cộng trong biên chế của Hải quân Thụy Điển có 5 tàu kiểu "Visby". Mặc dù có vẻ ngoài rất đặc biệt, nhưng "Visby" - đó mới chỉ là một trong những dự án "bậc trung" của Thụy Điển. Còn có những dự án khác với lịch sử đáng nể hơn nhiều.

" Grippen"

Từ biển sâu - giờ lên trời cao. Người Thụy Điển đã không ít lần làm cả thế giới ngạc nhiên khi chế tạo và sản xuất hàng loạt các máy bay tiêm kích thế hệ 4+ của mình. Không những thế, còn rất thành công. Đã được đưa vào trang bị cho không quân 7 nước trên thế giới.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 6.

Saab JAS-39 Gripen của Không quân Nam Phi . Ký hiệu JAS - "tiêm kích , cường kích, trinh sát"

Các kỹ sư của Saab đưa ra một ý tưởng rất thú vị, mà nếu ngẫm nghĩ kỹ, thì đó thực sự là một tư duy rất đúng đắn. Đó là: để có thể thực hiện được bất kỳ một nhiệm vụ gì, việc đầu tiên là phải sống sót trong bối cảnh tác chiến.

"Khả năng sống sót" - đấy là tiêu chí số một của không quân chiến đấu hiện đại. Khả năng này phụ thuộc vào chất lượng các phương tiên tác chiến điện tử và khả năng của máy bay phát hiện kịp thời và tránh được các mối đe dọa.

Bay ở độ cao cực thấp và theo các tuyến bay có lợi và ít nguy hiểm nhất, gây nhiễu, sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tất công chớp nhoáng - và rút lui, rút lui ! Chủ nghĩa anh hùng rơm trong trường hợp này là vô nghĩa.

Các tính năng bay - rất quan trọng, nhưng không phải là hướng ưu tiên trong những tính toán để vượt qua các tuyến phòng không hiện đại. Để trợ giúp các phi công, máy bay (của Thụy Điển) được trang bị các tổ hợp phóng bẫy, thiết bị chế áp và gây nhiễu, radar hiện đại và các cảm biến phát tín hiệu về các tất cả các mối đe dọa có thể có.

Đối với khả năng tàng hình, các kỹ sư Thụy Điển có cách tiếp cận phù hợp. Kết cấu của "Grippen" (bay chuyến đầu tiên năm 1988) thời kỳ đầu không đáp ứng được những yêu cầu của công nghệ tàng hình. 

Không đáp ứng được - có nghĩa là không đáp ứng được (không có vấn đề gì quá lớn). Người Thụy Điển nghiên cứu đảm bảo "khả năng sống sót" (cho "Grippen") một cách đồng bộ.

"Grippen" là máy bay tiêm kích thế hệ 4 nhẹ nhất (có trọng lượng nhỏ nhất) - nó nhẹ hơn F-16 đến 4 tấn. Mặc dù chỉ có một động cơ, nhưng nếu tính theo con số thống kê các vụ tai nạn thì đây là một trong những loại máy bay có độ tin cậy cao nhất (an toàn nhất). Chưa có một phi công nào thiệt mạng khi bay trên "Grippen".

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 7.

Trong biến thể mới JAS -39E, người Thụy Điển cam kết sẽ trang bị bổ sung radar chủ động mạng pha và "phá giá" chi phí cho một giờ bay xuống chỉ còn 4.000 USD (hiện nay là 7.000 USD). Rẻ hơn từ 5 đến 10 lần so với chi phí cho một giờ bay của các máy bay tiêm kích khác!

Chi phí khai thác rẻ - đấy không chỉ là triển vọng xuất khẩu. Đó còn là điều kiện tuyệt vời để phi công có thể bay huấn luyện thêm nhiều giờ và để họ tích lũy những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, những thứ mà nếu thiếu nó thì một máy bay, dù ghê gớm nhất - cũng chỉ là một đống sắt không hơn không kém.

Những lowrider bằng thép

Từ trời cao - lại xuống mặt đất đầy tội lỗi. Ở đây (trên mặt đất) lại một lần nữa chứng minh rằng người Thụy Điển - hoàn toàn không phải là những kẻ ngốc.

Stridsvagn -103. Loại xe tăng bất bình thường nhất trong tất cả các loại tăng được sản xuất hàng loạt, một model xe chiến đấu bánh xích đáng ngạc nhiên. Mặc dù có bản chất chứa rất nhiều điểm nghịch lý, nhưng xe tăng Ttrv.103 mang trong mình những mầm mống tư duy rất sáng tạo và cả thiên tài của những người thiết kế chúng.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 8.

Người Thụy Điển bỏ tháp pháo, gắn chặt pháo với phần vỏ thép đầu xe (trên ảnh). Có nghĩa là khác với các tổ hợp pháo tự hành truyền thống, pháo thủ không thể có khả năng điều khiển nòng pháo, thậm chí cả theo phương thẳng đứng.

Làm thể nào để ngắm bắn và chỉnh pháo? Theo phương nằm ngang - xoay thân xe. Theo phương thẳng đứng - bằng cách thay đổi góc nghiêng theo trục dọc của xe tăng bằng các thiết bị treo thủy lực có điều khiển.

Cực kỳ phức tạp nhưng cũng đơn giản đến không ngờ. Ít nhất thì riêng người Thụy Điển đã làm được. Xe tăng Strv.103đã được sản xuất hàng loạt, có mặt trên nhiều trường bắn và đã bắn và tiêu diệt mục tiêu.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 9.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 10.

Loại xe tăng này có hàng loạt các ưu điểm: kích thước và giá cả tối thiểu, trong khi đó khả năng tự bảo vệ tương đương với những xe tăng tốt nhất trong những năm 1960. Và thậm chí còn tốt hơn nhiều - không có tháp pháo, động cơ ở phía trước, độ nghiêng của bất kỳ lá thép đầu xe nào - 78 độ! Thêm nữa, chỉ cần một thời gian ngắn chuẩn bị, "Strvn-103" đã có thể tự "bơi".

Do có chiều cao không lớn nên Trvn.103 rất thích hợp cho việc tổ chức các trận phục kích. Nói chung, chiếc xe tăng Thụy Điển này đã "phục vụ" 30 năm. Và sẽ còn phục vụ lâu hơn nữa.

Kết luận

Một dân tộc Scandinavia nhỏ bé đã phát minh ra rất nhiều ý tưởng sáng tạo bất ngờ. Rất tiếc, một sự hợp tác quân sự - kỹ thuật chặt chẽ giữa Nga và Thụy Điển bị loại trừ gần như hoàn toàn vì những nguyên nhân lịch sử và chính trị.

Chỉ còn có thể hy vọng sự thay đổi xu hướng này trong tương lai, bởi vì (ta) bao giờ cũng cảm thấy rất dễ chịu khi có bên cạnh mình có một đồng minh thông thái và bài bản đến như vậy.

Còn trong lúc này, các nhà thiết kế (vũ khí) Nga cần phải đặc biệt quan tâm đến các đồng nghiệp Thụy Điển. Và, đánh giá lại một cách sáng tạo một số ý tưởng, ứng dụng những ý tưởng đó trong việc thiết kế các loại vũ khi và phương tiện kỹ thuật quân sự của Nga.

 Tiềm lực quốc phòng Thụy Điển - Cơn đau đầu của Nga  - Ảnh 11.

Chiếc Saab 340 Argus của Không đoàn số 7 Không quân Thụy Điển thực hiện nhiệm vụ phát hiện radar từ xa (ABAKS). Bên trong vẻ bề ngoài khiêm nhường này là một phương tiện kỹ thuật cực kỳ hiện đại, đây là một trong những máy bay ABAKS tốt nhất thế giới.

Máy bay ABAKS của Không quân Thụy Điển được trang bị radar Erieye với ăng ten mạng pha chủ động.

Chiều dài ăng ten - 9 m, trọng lượng gần 1 tấn, góc quan sát - theo góc phương vị 3000, cự ly phát hiện tối đa mục tiêu cỡ "máy bay tiêm kích" - 450 km. Thêm nữa, có thông tin là các máy bay kiểu này thường xuyên bay tuần tiễu dọc biên giới Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại