Tiêm kích tối tân MiG-35 của Nga đã sẵn sàng xuất kích

Hồng Anh |

MiG-35 được chế tạo để hoạt động trong các khu vực có xung đột vũ trang cao độ, đặc biệt những nơi có hệ thống phòng không dày đặc và nhiều lớp.

Tiêm kích MiG-35 của Nga . Ảnh: AFP.

Tiêm kích MiG-35 của Nga . Ảnh: AFP.

Tương lai rộng mở

Mặc dù các cường quốc quân sự trên thế giới hiện nay đều để mắt đến việc phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-35 Lightning II của Mỹ và Sukhoi Su-57 của Nga, nhưng những máy bay thế hệ 4 ++ vẫn chiếm một ưu thế nhất định.

Trong khi Mỹ đang đẩy mạnh việc thử nghiệm và hoàn thiện tiêm kích Boeing F-15EX để bổ trợ cho F-35 thì Nga cũng thực hiện lộ trình tương tự với Mikoyan MiG-35 – dòng máy bay chiến đấu có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu trên của kẻ thù cả ngày lẫn đêm, trong đó có cả mục tiêu cố định hay đang di chuyển, ở trên không lẫn trên mặt đất.

MiG-35 là sản phẩm nâng cấp của MiG-29K/KUB và MiG-29M/M2, hiện đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Ông Musheg Baloyan - Giám đốc Chương trình Máy bay MiG-29M và MiG-35 tại Tập đoàn Máy bay MiG cho biết:

“MiG-35 đang ở giai đoạn thử nghiệm chung cấp nhà nước và đã đạt được chứng chỉ sơ bộ để có thể đưa vào sản xuất thí điểm. Các phi công rất thích máy bay này vì chúng dễ vận hành và mang đến nhiều lợi thế”.

“Có những vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành máy bay nhưng chúng tôi đã kịp thời phối hợp với khách hàng (Bộ Quốc phòng Nga) để xử lý”.

So với MiG-29, MiG-35 có hệ thống điều khiển không dây (fly-by-wire) thế hệ mới, khung thân nhẹ hơn, dung tích nhiên liệu lớn hơn và động cơ hoạt động hiệu quả hơn. Hiện Nga đang phát triển các phiên bản một chỗ ngồi và 2 chỗ ngồi của dòng máy bay này.

MiG-35 được chế tạo để hoạt động trong các khu vực có xung đột vũ trang cao độ, đặc biệt những nơi có hệ thống phòng không dày đặc và nhiều lớp. Tiêm kích này đã bắt đầu bay thử nghiệm và chứng minh các khả năng với khách hàng nước ngoài tiềm năng vào tháng 1/2017.

Kể từ khi được công bố vào năm 2007, chương trình phát triển MiG-35 diễn ra tương đối chậm chạp. Chỉ đến năm 2013, Lực lượng không quân Nga mới thông báo kế hoạch mua tổng cộng 37 chiếc máy bay này.

Đến thời điểm hiện tại, tổng cộng 14 chiếc MiG-35 đã được sản xuất, trong đó có 6 chiếc đang trong quá trình thử nghiệm và 8 chiếc theo tiêu chuẩn đại trà. Nga vẫn là nhà khai thác và vận hành duy nhất của MiG-35, tuy nhiên, nhà sản xuất đang xem xét phát triển phiên bản dành cho xuất khẩu.

“Chim sắt” đầy uy lực

Là máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++, MiG-35 có hệ thống điện tử hiện đại và hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm cả radar mảng pha điện tử chủ động Phazotron Zhuk-AE có thể phát hiện nhiều mục tiêu.

Hệ thống radar này có khả năng chống lại các cuộc tấn công điện từ và giúp gia tăng phạm vi phát hiện mục tiêu lên tới 160km xa hơn nhiều so với các loại radar do Nga sản xuất trước đây.

Phazotron Zhuk-AE có thể hoạt động đồng thời ở chế độ không đối không và không đối đất, xác định được liệu mục tiêu đơn lẻ hay theo nhóm, truyền dữ liệu và chia sẻ thông tin cho các máy bay khác.

Ngoài hệ thống radar tối tân, MiG-35 còn được trang bị 2 động cơ Klimov RD-33MK giúp máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 2.25, tầm bay 2.000 km, bán kính chiến đấu 1.000 km.

Với 9 mấu cứng, MiG-35 có thể mang theo nhiều loại tên lửa, rocket và bom, trong đó có tên lửa chống hạm Kh-31A với đầu dò radar chủ động, tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa Kh-29TE và bom dẫn đường KAB-500Kr TV, pháo hàng không 30mm.

MiG-35 còn được tích hợp hệ thống định vị quang học (OLS). OLS cùng với radar của máy bay sẽ tạo nên một tổ hợp "mắt thần" hoàn hảo để giúp tiêm kích có thể tác chiến hiệu quả trên chiến trường hiện đại khi cung cấp hình ảnh hồng ngoại của đối phương.

Người Nga tin rằng, cảm biến OLS sẽ rất hữu ích trong việc chống lại các máy bay tàng hình như F-22 và F-35 của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại