Tiêm kích J-10C Trung Quốc ào ạt "đổ bộ" Thái Lan chờ đọ sức cùng JAS-39

Sao Đỏ |

Cuộc tập trận thường niên Eagle Strike 2019 giữa Không quân Hoàng gia Thái Lan và Không quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc chuẩn bị được khởi động.

Truyền thông Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh về loạt chiến đấu cơ của không quân nước này bao gồm tiêm kích hạng nhẹ tiên tiến nhất J-10C cùng phiên bản hai chỗ ngồi J-10S, máy bay vận tải hạng trung Y-9, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không KJ-500 hạ cánh xuống đất Thái Lan.

Sự có mặt của biên đội phi cơ Không quân Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên mang tên Eagle Strike được tổ chức 2 năm mỗi lần cùng lực lượng không quân nước chủ nhà.

Tiêm kích J-10C Trung Quốc ào ạt đổ bộ Thái Lan chờ đọ sức cùng JAS-39 - Ảnh 1.

Tiêm kích hạng nhẹ J-10S của Không quân Trung Quốc

Trong các lần tập trận Eagle Strike đã diễn ra, màn đọ sức được trông đợi nhất dĩ nhiên là giữa các tiêm kích nội địa của Trung Quốc với chiến đấu cơ JAS-39 Gripen của nước chủ nhà, qua đó sẽ giúp cho giới quan sát có được cái nhìn chính xác hơn về tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện tác chiến mỗi bên.

Tại Eagle Strike 2015, tiêm kích hạng nặng J-11 đã thua JAS-39 "trắng bụng" ở cả thời gian chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu đến "tao ngộ chiến" trên không. Máy bay Trung Quốc luôn có thời gian cất cánh chậm hơn Gripen C/D đến 1 phút khi sử dụng chung một đường băng.

Bên cạnh những bất hợp lý được chỉ ra trong công tác huấn luyện, không thể phủ nhận rằng hiệu suất động cơ nội địa trang bị cho J-11 chưa được như quảng cáo, dẫn tới việc thua thiệt trong không chiến quần vòng.

Tiêm kích J-10C Trung Quốc ào ạt đổ bộ Thái Lan chờ đọ sức cùng JAS-39 - Ảnh 2.

Máy bay vận tải hạng trung Y-9 của Trung Quốc hạ cánh xuống đất Thái Lan

Sang tới Eagle Strike 2017, Trung Quốc không còn sử dụng J-11 mà lại mang sang tiêm kích hạng nhẹ J-10A để đọ sức cùng JAS-39. Khi đó giới chuyên môn dự đoán rằng chiếc Gripen của Thái Lan sẽ lại giành chiến thắng dễ dàng.

Sở dĩ có nhận định trên là bởi trong bài tập nội bộ của Không quân Trung Quốc từng được kênh truyền hình CCTV đăng tải, J-11 đã "thắng đậm" J-10 nhờ vào việc được trang bị các thiết bị gây nhiễu dạng pod treo hai bên cánh, khiến J-10 không bắt được mục tiêu từ xa rồi bị kéo vào không chiến quần vòng cự ly ngắn.

Với hình thức tác chiến này, tiêm kích 2 động cơ có khả năng thao diễn cao như J-11 đã áp đảo hoàn toàn J-10, chiếc J-10 chỉ phản kháng lại được khi có sự trợ giúp từ máy bay AWACS.

Tiêm kích J-10C Trung Quốc ào ạt đổ bộ Thái Lan chờ đọ sức cùng JAS-39 - Ảnh 3.

Máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không KJ-500 sử dụng chung khung thân với vận tải cơ Y-9

Với lịch sử đối đầu như trên, tưởng như J-10A sẽ càng dễ bị JAS-39 "bắt nạt", nhưng thật bất ngờ phía Trung Quốc lại tuyên bố chiến thắng giòn giã.

Điều này dẫn tới nhận định có thể qua cuộc tập trận lần trước, họ đã nghiên cứu và tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của tiêm kích Gripen, từ đó đề ra được đối sách phù hợp để "đặc trị".

Tuy vậy mọi việc chưa thực sự rõ ràng vì luật chơi lần đó chưa được hai bên tham gia công bố cụ thể.

Cuộc tái ngộ sắp tới giữa tiêm kích JAS-39C/D Gripen của Không quân Thái Lan với J-10C của Không quân Trung Quốc vì vậy càng thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, kết quả trận đối kháng này hứa hẹn sẽ giúp giới quan sát có được cái nhìn chính xác nhất.

Tiêm kích hạng nhẹ J-10C của Không quân Trung Quốc huấn luyện tác chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại