Tiêm kích F-35 có thể rơi bất cứ lúc nào

Thùy Dung |

Theo CNN, do lỗi phần mềm điều khiển khiến tiêm kích thế hệ 5 F-35 có thể bị mù và có thể bị rơi bất cứ lúc nào.

Lỗi chết người

Thông tin này được CNN dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc cho biết những vấn đề xuất hiện đối với Hệ thống kiểm soát thông tin tự động (ALIS) có nhiệm vụ theo dõi "sức khỏe" của từng bộ phận trong mỗi chiếc tiêm kích F-35 đang đặt tất cả những chiếc F-35 đã được sản xuất trước nguy cơ đắp chiếu.

ALIS, được Lầu Năm Góc ví như "bộ não" của F-35, là một hệ thống phức hợp lớn bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng hỗ trợ bảo trì và sửa chữa gồm các thiết bị điện toán cần thiết nhằm đảm bảo các linh kiện đã được lắp đặt đúng cách trước khi cất cánh.

Theo chuyên gia quốc phòng kỳ cựu Zachary Cohen, vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ thiếu một hệ thống kiểm tra nhằm đảm bảo phần mềm của F-35 hoạt động trơn tru khi những chiếc máy bay này sẽ được trang bị cho Không quân Mỹ vào tháng 8/2016.

Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố đang có kế hoạch nâng cấp và xử lý các vấn đề về phần mềm của phi đội máy bay F-35. Các phi đội này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2015.

Tuy nhiên, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) cho hay không có gì đảm bảo rằng phần mềm này sẽ hoàn thành trước năm 2019, thời điểm mà dự án F-35 bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Không giống như các phần cứng của máy bay như khung cánh hay động cơ, phần mềm điều khiển được cài vào các máy tính đặt tại trung tâm chỉ huy để hỗ trợ triển khai hoạt động tác chiến, bảo trì, bảo dưỡng...

Khi vận hành, ALIS sẽ kết nối vào từng máy bay và thẩm định từng bộ phận của F-35 để đánh giá mức độ chính xác và ổn định của chúng, lấy đó làm cơ sở để tiến hành hoạt động bảo trì.

Và nếu không giải quyết được những trục trặc về phần mềm trên thì toàn bộ các siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 này sẽ bị "đắp chiếu", GAO cảnh báo. Để giải quyết được các vấn đề kỹ thuật phát sinh này, GAO ước tính sẽ cần đầu tư thêm 20-100 tỷ USD.


Tiêm kích F-35.

Tiêm kích F-35.

Không chỉ dừng lại ở đó, hồi tháng 3/2016, tạp chí JHS Janes's cho rằng F-35 còn tồn tại nhiều lỗi phần mềm trong hệ thống tác chiến. Các lỗi này dẫn đến tình trạng phi công liên tục phải tái khởi động hệ thống radar của máy bay.

Cách xử lý lỗi kiểu thô sơ trên chiếc tiêm kích tàng hình tối tân này khiến F-35 gần như bị "mù" trong khoảng thời gian nhất định trong quá trình bay cũng như trước các mối đe dọa từ đối phương.

Vượt Nga nửa thế kỷ

Dù đầy khuyết tật nhưng người Mỹ khẳng định phải cần 50 năm nữa, Nga và Trung Quốc mới có thể sản xuất được loại chiến đấu cơ mạnh hơn F-35.

Tuyên bố này được Tướng James Holmes nói đến trong bài viết được đăng tải trên tạp chí quốc phòng National Interest sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố rằng tiêm kích tàng hình F-35 sẽ phục vụ thêm 6 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2070.

Trước kế hoạch này, các tướng lĩnh Mỹ cảnh báo rằng Nga và Trung Quốc sẽ không mất nhiều thời gian để thiết kế và chế tạo những máy bay mạnh hơn chiếc F-35 đắt đỏ.

Ông James Holmes cho rằng:

“Trong thực tế, cả Nga và Trung Quốc đã dần lấp đầy khoảng cách kỹ thuật như chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar đã viết trên National Interest rằng: Qua nửa thế kỷ sau, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển những máy bay mạnh hơn F-35 – thực vậy, đã có những chỉ dấu cho thấy họ đã có cách”.

Trong khi đó, Đại tá Mike Pietrucha chia sẻ cảm nghĩ trên trang web War on the Rocks:

“Chúng ta đã có công nghệ vượt qua những nhà thiết kế phòng không của cả Nga và Trung Quốc giống như sự tiến xa hơn về công nghệ đã mang lại cho chúng ta lợi thế quyết định trong 1/4 thế kỷ trước”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại