Mới đây, trên kênh JET Entertainment đã đăng tải chương trình Chuyện cuối tuần với khách mời là nghệ sĩ Thúy Nga.
Tại chương trình, Thúy Nga đã bày tỏ quan điểm của mình về chuyện người Việt quá nghiện Facebook.
Tôi phải cúp học, ngồi dưới khách sạn chầu chực ba bốn ngày mới được gặp chị Hồng Vân
Hồi ở Mỹ, tôi không sử dụng Facebook nhiều. Nhưng đến khi về Việt Nam, tôi mới phát hiện ra rằng, tất cả mọi người đều sống trên Facebook hết.
Ví dụ, tôi gọi điện thoại cho bạn bè hay gọi điện cho đối tác làm ăn, không ai chịu nghe máy hết. Thế mà chỉ cần tôi nhắn tin vào Facebook là họ trả lời tôi liền.
Từ đó, tôi nhận ra, Facebook hiện nay rất tiện lợi, là một kênh pr rất tốt cho bản thân nghệ sĩ chúng tôi nói riêng và mọi người nói chung. Facebook cũng là sân chơi để cộng đồng họ biết nhiều về bản thân tôi, giúp khán giả gần gũi với tôi hơn.
Chẳng hạn, ngày xưa tôi hâm mộ NSND Hồng Vân. Tôi phải cúp học, ngồi dưới khách sạn chầu chực ba bốn ngày mới được gặp chị ấy. Còn bây giờ khán giả chỉ cần mở Facebook lên là đã được nói chuyện với chị rồi.
Trước đây, khán giả muốn gặp nghệ sĩ phải mua vé tới sân khấu, vào rạp xem, rồi nghệ sĩ còn tặng hình cho khán giả.
Bây giờ khán giả chỉ cần mở Facebook lên là thấy nghệ sĩ. Họ chẳng cần nghệ sĩ tặng hình nữa vì bao nhiêu hình có hết trên Facebook của nghệ sĩ rồi.
Mặt tích cực của Facebook là giúp nghệ sĩ tiếp cận khán giả nhanh hơn, đông hơn, nhiều hơn. Ngày xưa sân khấu có rộng mấy cũng chỉ chứa vài ngàn khán giả, bây giờ chỉ cần làm một clip cũng phát tán tới cả triệu người xem.
Facebook cũng là nơi mà tôi không thể che giấu được bất kì điều gì
Nhưng cái hại của Facebook cũng lớn lắm. Khán giả không muốn đến sân khấu xem tôi nữa vì nhìn thấy tôi trên Facebook cũng đủ no rồi.
Chưa kể, ở trên Facebook, ai cũng có thể chửi tôi được. Ra ngoài đường, ai muốn chửi tôi thì phải đối diện trực tiếp với tôi, nên chuyện bị chửi là không có. Trên Facebook thì chỉ cần muốn là vào chửi tôi ngay được.
Facebook cũng là nơi mà tôi không thể che giấu được bất kì điều gì. Bây giờ tôi đi ăn hay làm gì với ai đó, chỉ cần khán giả nhìn thấy, họ sẽ chụp hình rồi đăng lên Facebook, tag thẳng tôi vào. Từ đó, tôi bị mất đi cái riêng tư của mình. Và tất cả nghệ sĩ khác cũng bị như vậy.
Người Việt Nam thì chỉ có tắm giặt là chưa đưa lên Facebook thôi
So với bên Mỹ, người Việt Nam mình nghiện Facebook nhiều hơn. Ở nước ngoài, họ không sử dụng Facebook nhiều và cũng không đăng những chuyện riêng tư lên Facebook. Họ chỉ post thông tin hoặc những gì hay ho lên thôi.
Người nước ngoài coi Facebook là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố, tai nạn trong cuộc sống của họ. Ví dụ, nếu họ thể hiện quá nhiều về cuộc sống cá nhân lên Facebook, kẻ trộm sẽ gõ cửa nhà họ, hoặc khiến con cái dễ bị bắt cóc, hãm hại.
Chính vì thế, người nước ngoài hầu như không đưa cuộc sống cá nhân lên Facebook. Còn người Việt Nam thì chỉ có tắm giặt là chưa đưa lên Facebook thôi.
Cái gì chúng ta cũng đưa lên Facebook hết. Chỉ cần nhìn vào Facebook cá nhân của một người là tôi biết hết về gia đình họ, cuộc sống của họ.
Chưa kể, nhiều người ăn uống hay đi đâu đẹp cũng phải chụp ảnh để cúng Facebook trước. Họ xa rời cuộc sống, chuyển dần sang sống ảo. Cuộc đời họ chẳng có gì sung sướng hay xinh đẹp, nhưng cũng cố làm cho mình ảo lên để người ta ngưỡng mộ.
Đến bản thân tôi sau khi về Việt Nam cũng nghiện Facebook. Tất nhiên, nếu cố gắng thì tôi vẫn buông được, nhưng cũng cảm thấy buồn.
Tôi bị cái tật là cứ sáng dậy lại ôm cái điện thoại đầu tiên để xem Facebook. Tôi biết điều này có hại nhưng chưa bỏ được.