Thuỵ Điển hoàn thành “giấc mộng” NATO, Nga - phương Tây càng thêm chia rẽ

Thu Hoài |

Cùng với Phần Lan, sự gia nhập của Thuỵ Điển sẽ cho phép NATO kiểm soát hiệu quả biển Baltic và củng cố khả năng phòng thủ của sườn phía Đông. Tuy nhiên, điều này cũng có nguy cơ kéo dài thêm sự chia rẽ giữa Nga và phương Tây

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm qua đã gửi văn kiện gia nhập tới Bộ Ngoại giao Mỹ, chính thức hoàn tất tiến trình gia nhập NATO . Đây là lần mở rộng thứ 2 của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Khi Thuỵ Điển chính thức gia nhập, NATO sẽ có thêm một thành viên sở hữu quân đội hùng mạnh cung cấp khả năng phòng thủ quan trọng cho sườn phía Bắc châu Âu.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhấn mạnh: "Đây là một bước đi quan trọng, một bước đi rất tự nhiên, giúp Thuỵ Điển ngày càng an toàn hơn. Tư cách thành viên của Thuỵ Điển cũng sẽ tăng cường an ninh cho khu vực Bắc Âu và Baltic theo 2 cách. Thứ nhất về mặt địa lý, chỉ cần nhìn vào bản đồ, các bạn có thể thấy chúng ta không còn thiếu một mảnh ghép nhỏ nào nữa. Đó là một sự khác biệt rất lớn. Thứ hai, chúng tôi mang đến cho NATO khả năng, cũng như một lực lượng không quân mạnh mẽ, năng lực tàu ngầm, tình báo và khả năng giám sát. Chúng tôi biết rất rõ về biển Baltic và biển Baltic là một phần quan trọng của thế giới”.

Thuỵ Điển hoàn thành “giấc mộng” NATO, Nga - phương Tây càng thêm chia rẽ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mô tả đây là “một ngày lịch sử” đối với Thuỵ Điển và liên minh quân sự. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, sự gia nhập của NATO cho thấy sự đoàn kết của liên minh xuyên Đại Tây Dương bất chấp chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Đây là một thời khắc lịch sử đối với Thụy Điển, cho liên minh của chúng ta và cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Liên minh phòng thủ của chúng ta giờ đây mạnh mẽ và lớn mạnh hơn bao giờ hết. Thuỵ Điển đã đưa ra lựa chọn không chỉ vì đất nước, mà còn vì trách nhiệm chung mà chúng ta cùng nhau chia sẻ để bảo vệ nền tảng của hệ thống quốc tế mà tất cả chúng ta dựa vào để có hòa bình, sự an toàn và có cơ hội.”

Cùng với quốc gia láng giềng Phần Lan, Thụy Điển vào tháng 5/2022 đã từ bỏ quan điểm không liên kết trong nhiều thập kỷ và gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Đối với NATO, sự gia nhập của Thuỵ Điển và Phần Lan, hai nước có chung đường biên giới dài hơn 1.340 km với Nga, là sự gia nhập có ý nghĩa nhất trong nhiều thập kỷ. Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía Bắc của Biển Baltic.

Do đó, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO. Quốc gia Bắc Âu từ lâu đã đầu tư rất nhiều vào quốc phòng, sở hữu một lực lượng hải quân mạnh mẽ và có khả năng tự mình sản xuất máy bay chiến đấu, súng trường, vũ khí chống tăng vác vai, tàu ngầm hay tên lửa chống hạn. Mặc dù dân số chỉ 10 triệu người, song Thuỵ Điển đã chi tới 1,54% GDP cho quốc phòng.

Nga phản đối mạnh mẽ quyết định của Thuỵ Điển và Phần Lan. Theo Điện Kremlin, động thái này ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh ở Bắc Âu - một trong những khu vực ổn định nhất trên thế giới. Tư cách thành viên của Thuỵ Điển đã bị trì hoãn do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thuỵ Điển vào đầu năm nay và Hungary cũng có bước đi tương tự trong tuần này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại