Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại (nếu có) do xả lũ hồ chứa gây ra, các địa phương đã tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là các trọng điểm đê điều, khu vực sạt lở bờ sông tại tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình và các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng ứng phó.
Sau khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy số 1, lưu lượng nước về hồ là 3.330m3/giây, lưu lượng nước xả qua tổ máy về hạ lưu là 2.150m3/s, xả qua cửa xả là 1.780m3/s và mực nước khu vực hạ lưu lên đến 13,08m vào lúc 9h ngày 30/9. Theo đó, mực nước hạ lưu sông Hồng tại Sơn Tây và Hà Nội sẽ lên nhanh từ tối 30/9.
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự báo, đến 7h ngày 1/10, mực nước tại Sơn Tây có khả năng lên mức 5,9 m (dưới báo động 1 là 6,5 m); tại Hà Nội có khả năng lên mức 3,7 m (dưới báo động 1 là 5,8 m). Đến 7 giờ ngày 2/10, mực nước tại Sơn Tây có khả năng lên mức 6,2 m (dưới báo động 1 là 6,2 m); tại Hà Nội có khả năng lên mức 4,2 m (dưới báo động 1 là 5,3m).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 22-25 độ Vĩ Bắc bị nén bởi một bộ phận áp cao lục địa ở phía Bắc kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 1.500m nên các tỉnh vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác.
Trước diễn biến mưa dông diện rộng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, tình hình mưa lũ thượng nguồn còn diễn biến phức tạp, tùy theo tình hình thực tế, có thể tiếp tục phải mở thêm cửa xả đáy của các hồ Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà trong những ngày tới.