LTS: Năm 2018 vừa tròn 64 năm ngày Pháo binh Việt Nam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/03/1954) và 99 năm ngày sinh Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu , nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo chiến dịch ĐBP.
Nhân dịp này, Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những câu chuyện cảm động về vị Chính ủy trẹo chân vẫn hành quân, kéo pháo qua lời kể của anh Nguyễn Phước Thắng - cháu ngoại Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu.
----
Từ huyền thoại "Chân đồng, vai sắt"...
"Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù…"
Có những bài ca mãi mãi đi vào huyền thoại, trở thành bất tử và "Hò kéo pháo" của Hoàng Vân là một ca khúc như thế, nó mô tả những xúc cảm tột cùng của ông khi chứng kiến bộ đội ta dùng tay, vai, thậm chí hy sinh cả thân mình để kéo pháo qua đỉnh núi cao cả ngàn mét, đưa pháo vào trận địa, nã đạn xuống đầu thù.
Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu.
Sự thật về 4 chữ huyền thoại Chân đồng, vai sắt của pháo binh Việt Nam do Bác Hồ dành tặng bắt nguồn từ những thực tế rất giản dị nhưng cũng rất vĩ đại, thẫm đẫm máu và mồ hôi của bộ đội ta.
Những khẩu pháo nặng cả tấn khi đè lên đến đồng hay sắt còn phải lún xuống huống chi là xương thịt của con người đã được bộ đội ta gánh, kéo, vác bằng tay, bằng sức người, bước đi bằng những đôi chân vượt qua đỉnh núi cao ngàn mét, dưới mưa bom của kẻ thù để vào trận địa.
... đến tên gọi "Đồi ông Mậu"
Bộ chỉ huy kéo pháo vào được đặt trên đỉnh Pha Sông cao ngất (hơn 1.400m) ở Điện Biên. Nơi đó được anh em bộ đội gọi bằng cái tên trìu mến là "Đồi ông Mậu" – người chính ủy đại đoàn công pháo.
Vì sao anh em bộ đội pháo binh lại lấy tên người chính ủy của mình đặt tên cho đỉnh núi cao và gian khổ nhất trên đường kéo pháo. Đó là những mẩu chuyện đẫm máu và mồ hôi về tình đồng chí, đồng đội, sự gắn bó thân thiết giữa đồng chí chính ủy và những người chiến sỹ...
Bộ đội ta kéo pháo vượt núi vào trận địa. Ảnh tư liệu.
Đi không còn phải thở ra đằng tai, huống hồ là kéo pháo qua...
Trong Hồi ức Kéo pháo vào, kéo pháo ra của mình, đồng chí Phạm Ngọc Mậu đã ghi lại cảm xúc của mình:
"Nghĩ đến đường sá là ruột gan tôi lại nóng ran lên: toàn dốc là dốc, mà dốc lại dựng như mái nhà, đi không đã thấy phải thở cả ra đằng tai, huống hồ rồi đây phải kéo hàng tấn sắt vượt qua. Thêm nữa, một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là lũng sâu, đường mở lại hẹp, nếu trượt bánh lăn xuống vực thì người và pháo chẳng còn cách nào cứu vãn được".
Rời khỏi đường Điện Biên - Tuần Giáo, anh em kéo qua một đoạn đường bằng. Pháo cứ chạy băng băng, cầm càng lái không kịp. Có đồng chí đã nói: Thế này mà trên cứ động viên mãi là phải chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn. Thật kéo thế này còn sướng hơn ngồi ô-tô.
Nhưng khi vào tới đồi trọc, bắt đầu lên một cái dốc cỏn con mà lúc đầu có người gọi là dốc "trò chơi", thì khẩu pháo đã nhúc nhích một cách nặng nề. Mọi người phải đem hết hơi sức vừa kéo vừa hò: "một...hai...ba...này !".
Nhưng sau mỗi hơi kéo cật lực, khẩu pháo cũng chỉ lăn đi từng gang tay một. Mỗi khẩu pháo phải bổ sung thêm lực lượng bám đầy cả vào bốn đường dây (tính ra một khẩu có đến hàng trăm người). Ấy thế mà ì ạch mất cả một buổi sáng, kéo lên một cái dốc sơ sơ đó mà khẩu pháo chỉ lết đi không được một ki-lô-mét.
Một đồng chí cán bộ tham mưu báo cáo đồng chí Chính ủy: Tốc độ trung bình từ 150 đến 200 mét một giờ. Quả là gay go khi kéo pháo bằng sức người, khó mà đến đích đúng thời gian của Bộ Tư lệnh.
Dây mụng bện bền hơn dây cáp thép
Tình hình kéo pháo quá vất vả, có cán bộ, chiến sĩ pháo binh đã phàn nàn: "Tốn bao sức lực mà kết quả chẳng ra quái gì", hoặc "Ai lại pháo cơ giới mà bắt kéo bằng tay bao giờ". Còn anh em bộ binh, lúc chưa vào việc thì rất hăng, có đồng chí vén tay áo nói: "Nào, bao nhiêu tấn đây cũng cân tuốt!" thế mà giờ đây cứ đứng ngẩn ra nắm lấy dây kéo pháo, chờ đợi hiệu lệnh.
Đồng chí Chính ủy phải củng cố lại tinh thần anh em ngay tại chỗ và yêu cầu ai có sáng kiến gì thì cứ tự do đóng góp.
Được củng cố lại quyết tâm và được thảo luận, nhiều anh em trước kia quen nghề chài lưới và nghề sơn tràng đã đưa ra nhiều kinh nghiệm cụ thể rất có giá trị. Có đồng chí nêu:
- Dây kéo pháo bằng đay, to đến mấy cũng chóng đứt. Dây dang bền và dai nhưng bện tốn công. Dây móc cũng tốt nhưng nếu tìm được dây mụng đem về đập giập, bện ba sợi làm một thì song mây cũng chẳng bằng.
Kinh nghiệm này đã có thực tế chứng minh, anh em sơn pháo vẫn bện dây mụng để khiêng, có những sợ cả chiến dịch vẫn không phải thay, bền và chắc hơn cả dây cáp bằng thép.
Đúng là những sản phẩm đặc trưng cho trí tuệ Việt Nam...
Bộ đội ta kéo pháo vượt núi vào trận địa. Ảnh tư liệu.
Giành nhau nhiệm vụ nguy hiểm nhất
Anh em bộ binh chuyên kéo pháo đã vất vả, nhưng các pháo thủ theo bên pháo lại còn vất hơn. Một khẩu đội có mấy người thì người bê càng, người bắt bánh, người lao chèn, ai cũng chịu đựng nặng nề và rất dễ mất chân, giật tay.
Các đồng chí pháo thủ số 4 của lựu pháo, bình thường khi thao tác vẫn vác càng. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhất. Lúc bánh pháo chồm qua một gờ đất hay một mô đá thì càng quật đi, đánh lại, đập vào người thì thật như trời giáng.
Một buổi tối, đồng chí Chính ủy đi với một khẩu đội, một đồng chí số 4 nhất định không nhường cho ai cái nhiệm vụ nặng nề này. Ai có ý kiến sao cũng mặc, đồng chí ấy cứ một mực nói:
- Nhiệm vụ tôi là số 4, tôi phải cầm càng. Trách nhiệm ai, người ấy phải làm, khó khăn không được đùn cho người khác.
Cuối cùng đồng chí Chính ủy cũng phải lên tiếng với đồng chí số 4 nọ: Ý kiến của đồng chí rất hay, nhưng phải thay nhau cho đỡ mệt. Đến lúc đó đồng chí ấy mới chịu bước ra nhường cho người khác vào vác càng thay mình.
Về sự hy sinh của những anh hùng "Tô Vĩnh Diện" thầm lặng khác trên đường kéo pháo trong chiến dịch...
Ngày hôm nay chúng ta đều biết tới tấm gương hy sinh của anh hùng Tô Vĩnh Diện đã trở thành huyền thoại. Trên đường kéo pháo vẫn còn nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng và đáng khâm phục khác...
Đồng chí Lê Thi, đảng viên, khẩu đội phó và là chiến sĩ thi đua của đại đội lựu pháo 806 cũng đã luôn luôn xung phong nhận nhiệm vụ vác càng. Trong một trường hợp nguy hiểm, đồng chí đã bị càng kẹp vào vách núi, giập cả một ống chân mà không một lời kêu ca.
Đồng chí Mận, pháo thủ đại đội 801, khi cho pháo đổ dốc ở suối Reo đã lấy vai giữ bánh, kết hợp với dây ghìm để pháo tụt dần dần. Nhưng pháo cướp đà, lao quá nhanh và đè phải đùi đồng chí Mận. Hàng trăm người ráng sức kéo ngược pháo lại để cứu đồng chí của mình, Nhưng kéo mãi vẫn không được. Đồng chí Mận đã nói với mọi người:
- Chân tôi đằng nào cũng hỏng, đề nghị cứ cho pháo chạy qua để kịp đưa pháo vào trận địa.
Nhưng lời đồng chí Mận vừa dứt thì một sức mạnh kỳ lạ bùng lên trong dòng người kéo pháo. Chỉ sau tiếng hò "hai... ba", lập tức khẩu pháo bị kéo giật hẳn lại, và đồng chí Mận cũng thoát khỏi cuộc đời tàn phế.
Đồng chí chính ủy còn nhớ mãi một đêm khi đang đôn đốc những khẩu đội cao xạ kéo ở phía sau đội hình thì được tin một khẩu pháo đang lúc đổ dốc bị đứt dây lao xuống. Hàng trăm người núi vào dây tời, kìm pháo lại, nhưng pháo vẫn lướt qua mọi thứ chèn và sắp lăn xuống vực thẳm.
Trong tình hình nguy ngập đó, các pháo thủ Chức, Cứ, Ngói vẫn chạy sát pháo để chèn mong cứu nó bằng được. Nhưng thấy không còn có cách gì khác, pháo thủ Chức đã ôm chèn lao cả người vào ngang bánh pháo. Lập tức khẩu pháo bị quặt hướng, đâm thẳng vào một cây to, đứng lại. Đồng chí Chức đã anh dũng hy sinh.
Gương hy sinh quên mình cứu pháo của đồng chí Chức đã được truyền đi trong toàn tuyến đường. Các khẩu đội cao xạ phía sau đều bừng bừng lên một khí thế quyết tâm đuổi kịp các khẩu đội bạn.
Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu trên đường đi B. Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp.
Chính ủy cũng bị phê bình
Đó là liên quan tới vấn đề kỷ luật đèn lửa.
Một lần đồng chí Chính ủy được tin một khẩu pháo trật bánh sắp đổ bên vệ đường. Từ bên một chiếc tời trên đỉnh Pha-sông, ông vội tất tả đi xuống. Đêm tối như bưng.
Đến bên khẩu pháo sắp đổ, thấy anh em đang hì hục buộc dây chuẩn bị kéo nó lên, đồng chí vội bấm đèn pin có ý muốn giúp anh em buộc cho nhanh. Nhưng mặc dầu kính đèn pin đã che giấy bóng xanh, đồng chí vẫn bị xung quanh reo lên:
- Thằng nào, đứa nào đấy? Định gọi pháo địch câu về để chết cả lũ với nhau đấy phỏng?
Đồng chí vội đút ngay đèn pin vào túi và lên tiếng:
- Mậu đây! Nhỡ tay tí thôi.
Tiếp sau đó có tiếng xì xào:
- Bỏ mẹ, chính uỷ, chúng mày ơi!
Đây là lần thứ hai mà đồng chí được anh em có "ý kiến" về kỷ luật đèn lửa. Lần trước, cũng gần về sáng đồng chí cùng đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục bảo vệ đi tham gia kéo pháo với anh em về. Đồng chí cần vụ thắp đèn lên để chuẩn bị làm báo cáo kịp gửi về Bộ. Đồng chí cần vụ chưa kịp lấy chăn che miệng hầm thì chung quanh đã có tiếng la ó ầm ĩ.
- Ai? Ai thắp đèn đấy? Tắt đi! Có tắt ngay đi không nào?
Đồng chí cần vụ vội đáp lại:
- Tôi! Tôi đây! Thắp đèn cho anh Mậu và anh Kiệt làm việc một tý thôi.
Hai đồng chí vội kéo chăn che nhưng quen nói đùa, đồng chí chính ủy nói với đồng chí Cục phó Cục bảo vệ:
- Chỉ tại cái món kỷ luật bí mật của cậu thôi. Đã biết tinh thần chiến sĩ pháo binh chấp hành kỷ luật khói lửa chưa?