- Phóng viên: Thưa thượng tá Đoàn Văn Quới, kết quả xác minh đơn khiếu nại của anh Đ.N.N (SN 1999; ngụ TP Thủ Đức) về vụ việc anh N. bị cán bộ Đội CSGT Rạch Chiếc "tác động gậy chỉ huy vào mặt" làm vỡ mắt kính, tổn thương mắt trái như thế nào?
- Thượng tá Đoàn Văn Quới: Trước đó, ngày 18-8, Phòng CSGT TP HCM nhận được đơn tố cáo việc cán bộ Đội CSGT Rạch Chiếc trong quá trình dừng xe của anh Đ.N.N để kiểm tra, xử lý vi phạm có hành vi dùng gậy điều khiển giao thông đánh vào mặt của anh N. gây tổn thương mắt.
Ngay khi tiếp nhận đơn, Phòng CSGT TP đã thành lập một tổ CSGT để xác minh vụ việc. Tổ xác minh tiến hành trích xuất camera trong khu vực hiện trường, camera nghiệp vụ của CSGT, camera hành trình của các phương tiện lưu thông qua khu vực vào thời điểm anh N. tố cáo xảy ra vụ việc.
Thượng tá Đoàn Văn Quới trả lời vụ việc
Qua xác minh dữ liệu camera, tổ xác minh ghi nhận nội dung như sau: Trưa 13-8-2023, tổ công tác của Đội CSGT Rạch Chiếc có mặt trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) để thực hiện nhiệm vụ xử lý chuyên đề tốc độ theo đúng kế hoạch được phân công.
Đến 11 giờ 57 phút, thông qua máy ghi hình tốc độ, phát hiện xe mô tô biển số 63C1-... vi phạm tốc độ (66/60 km/giờ, có hình ảnh vi phạm kèm theo) thì CSGT ra hiệu lệnh dừng phương tiện.
Tuy nhiên, anh N. không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy. Người vi phạm chạy qua hiệu lệnh dừng xe của CSGT (thứ 1) và tiếp tục lao vào CSGT (thứ 2) phía sau để chạy qua chốt kiểm soát xử lý vi phạm tốc độ. Theo quán tính, đồng chí CSGT (thứ 2) tránh né vào lề đường và không xác định được có va chạm giữa anh N. với gậy chỉ huy giao thông hay không.
Tổ xử lý không dừng được phương tiện và ghi nhận vào sổ nhật ký tuần tra và tiến hành trích xuất hình ảnh xử lý bằng hình thức phạt nguội. Sau đó, tổ này tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Khoảng 20 phút sau người điều khiển phương tiện quay lại nhờ tổ công tác đưa đi cấp cứu do mắt bị thương thì tổ công tác đã tổ chức cho người hỗ trợ đưa nam thanh niên đến bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức để sơ cứu.
Như vậy, thông qua dữ liệu camera, không ghi nhận được vụ việc mà anh N. tố cáo.
Tổ xác minh còn mời những người vi phạm bị Đội CSGT Rạch Chiếc xử phạt vào thời điểm đó lên làm việc song những người làm chứng này nói rằng không thấy được hành vi CSGT đập gậy vào mặt anh N. tố cáo.
Tổ xác minh đề nghị anh N. cung cấp thêm bằng chứng vụ việc nhưng anh N. cũng không cung cấp được.
Chiều 12-10, Phòng CSGT TP HCM mời anh N. đến để thông báo kết quả không đủ cơ sở kết luận vụ việc mà anh N. tố cáo.
Hình ảnh N. trưa 13-8
Đây là chốt kiểm soát, xử lý vi phạm tốc độ. Đặc điểm của tổ này là 1-2 CSGT sẽ đứng từ xa chốt kiểm soát để quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm của người lưu thông. Sau đó, các cán bộ đứng từ xa sẽ báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát để dừng xe xử phạt.
Theo đó, cán bộ CSGT bị tố cáo trong vụ việc này đứng ở vị trí dừng phương tiện của bộ phận kiểm soát. Tại bộ phận kiểm soát, chỉ có 1 camera ghi hình, trang bị cho CSGT lập biên bản. Thời điểm anh N. vượt qua chốt kiểm tra, cán bộ dừng xe và lập biên bản đứng xa nhau.
- Phóng viên: Quan điểm xử lý của lãnh đạo Phòng CSGT TP nếu xảy ra vụ việc như tố cáo như thế nào, thưa ông?
- Quan điểm của Ban Chỉ huy Phòng CSGT TP là không bao che cán bộ sai phạm, cán bộ sai tới đâu, xử lý tới đó, không bao che, không dung túng để chấn chỉnh lực lượng ngày càng tốt hơn trong văn hoá ứng xử với người dân.
Tuy nhiên, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm từ việc trích xuất từng camera xung quanh hiện trường đến camera ô tô lưu thông qua khu vực, người làm chứng, cũng đã đề nghị người vi phạm cung cấp chứng cứ.
Ngoài giải quyết theo quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Phòng CSGT TP, Ban Giám đốc Công an TP HCM cũng giao Công an TP Thủ Đức vào cuộc xác minh. Công an TP Thủ Đức đã mời anh N. lên làm việc nhưng anh N. không cung cấp được bằng chứng tố cáo. Do đó, cơ quan chức năng không có cơ sở kết luận nội dung mà anh N. tố cáo.
- Phóng viên: Liên quan quá trình làm việc với CSGT, anh N. bày tỏ không đồng tình với việc "10 giờ sáng mời, 14 giờ chiều yêu cầu lên làm việc", cụ thể vấn đề này như thế nào thưa ông?
- Giấy mời làm việc của Phòng CSGT TP có ấn định thời gian để hai bên làm việc theo đúng hẹn. Tuy nhiên, không phải bắt buộc. Trên giấy mời có ghi số điện thoại liên hệ với cán bộ phụ trách, trong trường hợp người được mời không thể đến làm việc như đã hẹn có thể trao đổi với cán bộ này để hẹn lại thời gian thích hợp. Nhưng anh N. không liên hệ.
Trước đó, Phòng CSGT TP đã nhiều lần mời anh N. nhưng anh N. cho biết vì bận công việc nên không đến được.
Người tố cáo không đồng ý kết quả xác minh
Ngày 13-10, anh Đ.N.N xác nhận anh vừa có buổi làm việc với Phòng CSGT TP HCM chiều 12-10. Nội dung buổi làm việc để thông báo kết quả xác minh liên quan vụ việc anh N. tố bị cáo CSGT dùng gậy chỉ huy giao thông làm vỡ mắt kính, tổn thương mắt trái.
"Cán bộ Phòng CSGT TP thông báo không ghi nhận được bằng chứng vụ việc thông qua dữ liệu camera, camera nghiệp vụ của CSGT cũng không có dữ liệu gì hết. Tôi không đồng ý với kết quả này nên ký biên bản ghi "Tôi không đồng ý" – anh N. kể.
Anh N. cũng thừa nhận trước đó Phòng CSGT TP đã nhiều lần mời mình lên làm việc.
"Họ mời nhiều lần nhưng mời rất gấp gáp, sáng gửi giấy mời yêu cầu chiều đến làm việc nên tôi không sắp xếp được công việc để đến làm việc. Lần này cũng như vậy, 10 giờ gửi giấy mời, yêu cầu 14 giờ đến làm việc" - anh N. nói.
Liên quan tình hình sức khoẻ hiện tại, anh N. cho biết anh đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Mắt TP HCM. "Bác sĩ thông báo 6 tháng nữa mới cắt chỉ vá giác mạc được. Mắt tôi giờ chỉ nhìn được khoảng cách 2-3m. Khả năng phục hồi 50% nhưng thời gian phục hồi là bao lâu thì không nói trước được và khả năng cao sẽ có nhiều biến chứng như đục thuỷ tinh thể..."
Cũng theo anh N. vào đầu tháng 9, Công an phường Bình Thọ mời anh đến làm việc liên quan vụ việc này.