Kem đánh răng Dạ Lan - một thương hiệu đã tạo được cảm xúc tự hào về ngành hoá mỹ phẩm trong thời kỳ đất nước bắt đầu chuyển mình sang đổi mới quản lý quản lý kinh tế - bị bán cho một nhà đầu tư nước ngoài là Colgate Palmolive và sau đó biến mất. Gạch Prime của người Việt được chuyển sang cho người Thái…
Đã có quá nhiều ví dụ cho thấy, trước cơn bão hội nhập, doanh nghiệp Việt nếu không vận động và thay đổi phía trước sẽ không phải là một con đường dẫn đến những thị trường rộng lớn mà là bờ vực của sự suy tàn.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần khẳng định, không một nền kinh tế nào có thể phát triển nếu nội lực không mạnh mẽ và sẽ không chuyến tàu thịnh vượng nào, nếu như các doanh nghiệp nội đều ra đời và sống trong lay lắt.
Sự sàng lọc khốc liệt
Những công bố mới nhất của Tổng cục thống kê cho thấy, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng chết lâm sàng, có vẻ như vẫn còn nhức nhối. 8 tháng đầu năm nay, vẫn có tới 52.500 doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động. Có đến 92% doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp mới sinh ra, chưa kịp lớn, chưa kịp để lại dấu ấn trên thị trường đã bị “khai tử”. Tất nhiên, trong chừng mực nào đó, đây là một sự sàng lọc không thể tránh khỏi trong bối cảnh ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Thế nhưng, sự sàng lọc khốc liệt ấy không chỉ đào thải những doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng trước với các vấn đề nảy sinh trên thương trường mà ngay cả những doanh nghiệp đã tạo được tiếng vang vẫn bị rơi vào tình huống vòng đời ngắn ngủi.
Hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng khiến nhiều thương hiệu Việt "chết" ngay trên sân nhà hoặc bị thâu tóm bởi các nhà tư bản nước ngoài.
Cuộc cạnh tranh đã khốc liệt đến mức không ít niềm tự hào thương hiệu Việt một thời giờ đây cũng rơi vào tình trạng lép vế. Cuối những năm 70 của thế kỉ trước là thời kỳ hoàng kim của loại nước ngọt có cái tên quen thuộc - xá xị Chương Dương.
Tuy nhiên, khi có mặt ở thị trường Việt Nam, Coca-Cola và Pepsi đã nhanh chóng chiếm vị thế của xá xị Chương Dương, trở thành những thương hiệu thống lĩnh thị trường nước ngọt.
Thay đổi hay là chết?
Không chỉ là chai nước xá xị Chương Dương hay hộp cao Sao Vàng, còn rất nhiều ví dụ cho thấy, dù còn tồn tại nhưng không ít thương hiệu Việt đã rơi vào cảnh hiện tại phải sống lay lắt, con đường phía trước lại mịt mù.
Tuy nhiên, không hẳn tất cả các thương hiệu Việt trong cuộc cạnh tranh tàn khốc của một nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng đều rơi vào tình huống ấy. Trên thực tế, vẫn có những thương hiệu vàng son từ nhiều năm trước, đến giờ vẫn giữ được phong độ như trường hợp bóng đèn Điện Quang.
Được thành lập từ năm 1973, đến nay, sau 45 năm phát triển, từ một xí nghiệp bóng đèn điện, Điện Quang đã để lại dấu ấn trở thành một thương hiệu làm chủ thị trường chiếu sáng Việt.
Thương hiệu bóng đèn Điện Quang, với slogan "Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” đã in sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt, sinh ra, lớn lên và trường thành.
Để tồn tại và phát triển, trở thành thương hiệu được ưa chuộng suốt nhiều năm qua, lợi thế của Điện Quang chính là các thế hệ lãnh đạo - những người gánh trên vai trách nhiệm của một thuyền trưởng trên con tàu trong hành trình đổi mới và hội nhập. Điện Quang là một trong những doanh nghiệp nhà nước sớm bắt tay vào việc "đổi chủ" để thay da đổi thịt.
Từ năm 2005, trong khi đa số các doanh nghiệp đều chưa muốn từ bỏ những đặc quyền của một doanh nghiệp nhà nước, Điện Quang đã nhanh chóng thực hiện cổ phần hoá.
Đến năm 2008, mã chứng khoán DQC của doanh nghiệp này đã được niêm yết trên sàn TP.HCM. Việc niêm yết này giúp Điện Quang hoạt động minh bạch cả về tài chính, quản trị.
Doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Bóng đèn Điện Quang từ 2008-2016.
Song song đó, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển luôn là chiến lược được Điện Quang kiên trì thực hiện.
Là người đứng đầu, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Bóng đèn Điện Quang luôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu các sản phẩm mới với tính năng vượt trội, khác biệt, áp dụng đón đầu các công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất, cho ra mắt các sản phẩm smartlighting.
Nhờ đó, từ chỗ chỉ có mức doanh thu 390 tỷ đồng và lợi nhuận 1,6 tỷ đồng vào năm 2008, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Điện Quang đã lên đến 204 tỷ đồng và doanh thu đã vượt mốc ngàn tỷ từ năm 2014.
Suy cho cùng, luôn có con đường cho các doanh nghiệp Việt Nam, quan trọng là có chịu đi hay không, và khi đã đi, quan trọng là định hướng cách đi của người dẫn đầu. Những điều này có thể dẫn đến sự tàn lụi, hoặc toả sáng của một thương hiệu Việt.