Ngày 15/11/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Francisco.
Đây là cuộc tiếp xúc lần thứ 7 và là cuộc gặp trực tiếp thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống tháng 1/2021. Trước đó, cách đây 1 năm, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Bali, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Cuộc gặp lần này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn thế giới.
Bối cảnh cuộc gặp Tập Cận Bình và Biden
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng và ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua. Trên Biển Đông, máy bay quân sự của cả hai bên áp sát nhau một cách nguy hiểm. Cuộc đối đầu về kinh tế đang gây tổn hại cho cả hai nước.
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi sau vụ Mỹ bắn hạ một vật lạ bị nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc tháng 2/2023. Ông Tập Cận Bình còn cáo buộc Mỹ thi hành chiến lược bao vây Trung Quốc.
Mỹ - Trung Quốc đối mặt với nhiều sóng gió khiến quan hệ hai nước có chiều hướng tiếp tục suy giảm. Dự báo thời gian tới, quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới này sẽ bước vào cấp độ căng thẳng toàn diện, dù cả hai bên đều cố gắng tránh đổ vỡ và đối đầu trực diện.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đang bước vào giai đoạn "Chiến tranh lạnh 2.0".
Không giống như Chiến tranh lạnh trước đây, "cuộc chiến" hiện nay còn bao gồm cả chiến tranh kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa hai bên. Cuộc đối đầu có thể phá hủy cơ hội hợp tác cuối cùng của hai nước trong việc ngăn chặn thảm hoạ của biến đổi khí hậu, thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến tranh nóng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Thượng đỉnh APEC ở San Francisco, California ngày 15/11. Ảnh: Reuters
Trước đó, không lâu sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, đầu tháng 3/2021, ông Joe Biden đã công bố "Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời (INSSG) nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu trong thế kỷ 21", trong đó nêu rõ:
"Mỹ cần phải chuẩn bị cho các mối nguy hiểm từ Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, đồng thời thách thức trật tự quốc tế hiện nay".
Tiếp theo, ngày 15/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã ký tuyên bố chung thiết lập liên minh AUKUS để "bảo vệ các lợi ích chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp cho Australia công nghệ chế tạo và vận hành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhiều nhà phân tích chính trị coi AUKUS thực chất là một NATO ở châu Á, và là bước đi thực tế quan trọng đầu tiên trong chiến lược của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc.
Từ thời Tổng thống Donald Trump đến nay, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh, Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan (Trung Quốc).
Ngày 2/8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm chính thức hòn đảo này. Ngay sau chuyến đi, ngày 2/9/2022, Mỹ đã quyết định cung cấp vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,1 tỷ USD, gồm các loại vũ khí hiện đại nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của hòn đảo này.
Chí sau một thời gian ngắn, ngày 5/4/2023, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã tiếp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại California, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Hai bên đã thảo luận về biện pháp tăng tốc chuyển giao vũ khí của Mỹ cho hòn đảo.
Tại Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần. Ông Biden đang có tham vọng thắng cử nhiệm kỳ hai. Kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng quý I năm 2023 chỉ đạt 1,1%. Các chuyên gia kinh tế không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái trong tương lai gần.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang đứng trước nhiều thách thức to lớn hậu đại dịch Covid-19 và các biện pháp cấm vận của Mỹ.
Nếu tình hình này kéo dài, Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu năm 2035 là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra năm 2020, cũng như Trung Quốc không thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Biden và ông Tập thỏa thuận nối lại đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước. Ảnh: AFP
Một số thoả thuận bước đầu
Trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ leo thang căng thẳng, riêng việc lãnh đạo cao nhất của hai nước gặp gỡ và nói chuyện với nhau đã là một thành công lớn. Quan trọng nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã thỏa thuận nối lại đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước và đồng ý "giữ các đường dây liên lạc luôn luôn mở, bất kỳ ai trong chúng tôi cũng có thể nhấc điện thoại và gọi trực tiếp cho nhau khi có bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra."
Tổng thống Biden đánh giá đây là cuộc gặp thượng đỉnh "mang tính xây dựng và hiệu quả nhất mà chúng tôi từng có", đặc biệt là thỏa thuận nối lại các liên lạc quân sự cấp cao giữa hai nước vốn đã bi đình chỉ từ hơn một năm nay trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nhằm ngăn chặn các tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột vũ trang, đồng thời giảm nguy cơ leo thang ngoài ý muốn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã quyết định thành lập một nhóm chuyên gia để thảo luận về những mối nguy hiểm liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu, cũng như lập một nhóm công tác chuyên về hợp tác trong cuộc chiến chống chất gây mê, giảm đau Fentanyl có chứa chất ma tuý nồng độ cao gây nghiện, dẫn đến tử vong nhiều người tại Mỹ.
Ông Tập Cận Bình đồng ý sẽ có các các biện pháp nhằm giảm đáng kể việc sản xuất các thành phần ma tuý của fentanyl. Ông Biden đánh giá cao quyết định này của Bắc Kinh.
Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, tái khẳng định cam kết đối với Thỏa thuận Paris COP21 năm 2015), nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "tuyệt đối dưới" 2 độ C trong thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực giảm hơn nữa ở mức 1,5 độ C. Bắc Kinh và Washington cũng mong muốn Hội nghị khí hậu thế giới sắp tới ở Dubai sẽ thành công.
Quy mô của sự hợp tác này còn hết sức khiêm tốn nhưng là những dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai quốc gia lớn nhất thế giới vốn bất đồng trong một loạt các vấn đề cấp bách.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc không tìm cách "vượt trội hoặc thay thế Mỹ", nhưng cũng nhấn mạnh rằng "Mỹ không nên tìm cách ép hoặc kiềm chế Trung Quốc". Ảnh: AFP
Nhiều bất đồng cơ bản vẫn tồn tại
Mặc dù Tổng thống Joe Biden cho rằng các cuộc thảo luận đã diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và đạt nhiều tiến bộ quan trọng, nhưng trên thực tế các kết quả của hội nghị hết sức khiêm tốn.
Không có tuyên bố chung nào được đưa ra về những gì hai bên đã thoả thuận, đặc biệt là về các vấn đề mang tính chiến lược. Mỗi bên mới chỉ nêu ra các quan điểm riêng của mình. Hai bên còn có nhiều khác biệt trong các vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc), Ukraine, Trung Đông, tự do hàng hải ở khu vực Thái Bình Dương.
Về vấn đề đề Đài Loan: Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi sâu rộng về vấn đề Đài Loan - một trong các vấn đề trọng tâm của cuộc gặp và quan điểm của hai bên vẫn còn nhiều bất đồng.
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không thay đổi "chính sách một Trung Quốc".
Điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt là sau những bước đi của một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ đối với Đài Loan, như chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Bắc vào năm ngoái và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tiếp bà Thái Anh Văn tại California đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông Biden cáo buộc Trung Quốc tập trung quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục giúp đảo này tự vệ, cũng như duy trì khả năng răn đe trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Đại lục, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tránh can thiệp vào cuộc bầu cử trên đảo vào năm tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định "sự tất yếu" của việc tái sáp nhập hòn đảo này vào lục địa Trung Quốc, yêu cầu Washington ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Bắc và ủng hộ việc thống nhất hòa bình của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình nói, Mỹ không nên quyết định cách Trung Quốc giải quyết vấn đề của mình và cho rằng việc một bên tìm cách thay đổi quan điểm của bên kia là không thực tế. Trung Quốc ủng hộ "thống nhất hòa bình", nhưng không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
Chủ tịch Tập Cận Bình Chủ khẳng định "sự tất yếu" của việc tái sáp nhập Đài Loan vào lục địa Trung Quốc, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo. Ảnh: Getty
Về quản lý cạnh tranh:
Trong khi Tổng thống Biden kêu gọi quản lý cạnh tranh một cách "có trách nhiệm" để đảm bảo nó không biến thành đối đầu hoặc Chiến tranh lạnh thì Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trái đất này có đủ chỗ cho cả hai nước.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc không tìm cách "vượt trội hoặc thay thế Mỹ", nhưng cũng nhấn mạnh rằng "Mỹ không nên tìm cách ép hoặc kiềm chế Trung Quốc". Chủ tịch Trung Quốc cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng Bắc Kinh không hài lòng với các biện pháp trừng phạt và hạn chế mà Mỹ áp đặt đối với các công ty Trung Quốc.
Ông nói: "Các biện pháp của Mỹ chống lại Trung Quốc liên quan đến hạn chế xuất khẩu, giám sát đầu tư và các biện pháp trừng phạt đơn phương đang gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của Trung Quốc".
Ông Tập nói "Trung Quốc không tìm kiếm các lĩnh vực ảnh hưởng hoặc 'soán ngôi Mỹ' và sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh hay nóng với bất kỳ quốc gia nào", nhưng cũng nhấn mạnh "Mỹ không nên tìm cách ép buộc hoặc kiềm chế Trung Quốc".
Đề cập đến mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, ông Tập tuyên bố "một khi đã được mở ra, cánh cửa quan hệ Trung - Mỹ sẽ không bị đóng lại nữa".
Vai trò quốc tế của Trung Quốc: Ngoài các vấn đề song phương, Washington mong muốn Trung Quốc, trong vai trò là nước có quan hệ thân thiết với Iran và Nga, không góp phần làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột quốc tế lớn, đặc biệt là cuộc chiến Israel - Hamas và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ông Biden đề nghị Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn việc Tehran ủng hộ các tổ chức quân sự thân Iran tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.
Về Trung Đông, ông Biden nhắc lại sự ủng hộ đối với quyền tự vệ của Israel và đề nghị Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran để ngăn chặn xung đột mở rộng.
Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, ông Biden nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại "sự xâm lược của Nga". Ông giải thích rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò hỗ trợ Ukraine và giúp thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống Volodymyr Zelensky khi xung đột kết thúc.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại San Francisco và những thoả thuận đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ngăn chặn mối quan hệ giữa Mỹ - Trung leo thang căng thẳng hơn nữa và đưa mối quan hệ đi vào ổn định.
Hãy còn quá sớm để nói về sự tan băng, một bước đột phá nhanh chóng hoặc sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Mỹ - Trung. Tương lai của mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được và giải quyết các bất đồng lớn còn tồn tại.