Nếu có dịp đến với thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, dạo quanh các con phố, chắc chắn không dưới một lần bạn sẽ được nhìn thấy những chiếc lược gỗ đầy màu sắc với đủ mọi hình dáng, kích thước.
Những chiếc lược này đều được chạm khắc vô cùng công phu, tỉ mỉ và được trang trí bằng nhiều kiểu họa tiết khác nhau, nhưng đa số đều là hình ảnh một người phụ nữ yêu kiều trong trang phục truyền thống của Trung Quốc.
Đến đây, chắc chắn sẽ có rất nhiều người tự hỏi không biết những chiếc lược này có ý nghĩa như thế nào?
Thật ra, từ lâu Thường Châu đã được mệnh danh là quê hương của những chiếc lược gỗ với gần 2000 năm lịch sử. Từ nơi đây, những chiếc lược gỗ hình thành và phát triển, tạo thành một điểm nhấn chỉ riêng Thường Châu mới có.
Thường Châu - quê hương của những chiếc lược gỗ.
Lịch sử hình thành và phát triển
Không ai biết nghề làm lược này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng dưới thời nhà Tùy (581-618), khi kênh đào Jinhang Grand đi ngang qua Thường Châu được xây dựng, thì nhiều con phố ngõ hẻm dọc hai bên bờ kênh đã xuất hiện rất nhiều cửa hàng buôn lược.
Kể từ đó, nghề làm lược gỗ trở thành một trong hai nghề kiếm sống chính của người dân Thường Châu bên cạnh dệt vải. Lâu dần những con đường này được người dân gọi chung là Phố Lược gỗ.
Đêm xuống, đứng trên cầu Wenheng bạn có thể vừa ngắm trăng vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những con đường hoa cùng Phố Lược gỗ bên dưới.
Một góc phố ở Thường Châu.
Tại đây, chỉ cần nhắm mắt lại là bạn đã có thể lắng nghe được hết những âm thanh từ cuộc sống tại con phố này như tiếng nước chảy, tiếng người trò chuyện, tiếng bước chân, tiếng mái chèo khua nước hay tiếng tre đang được bổ ra để làm lược.
Chính vì thế mà từ xưa, người dân Thường Châu đã gọi cẩu Wenheng là ‘cây cầu nối liền ánh trăng với ánh sáng từ những cửa hàng lược’ và ca tụng cây cầu này là thắng cảnh đầu tiên cần phải ghé thăm trong số 8 cảnh đẹp ở ngoại ô tây Thường Châu.
Đến triều đại nhà Thanh, dưới thời vua Càn Long (1711-1799) hầu hết các gia đình ở Thường Châu đều sống bằng nghề làm lược.
Dưới thời vua Quang Tự (1871-1908), vào tháng 7 âm lịch hàng năm, phòng dệt ở Tô Châu sẽ đặt 60 chiếc lược gỗ loại thượng hạng với phần sống lưng làm từ gỗ mận và phần răng lược làm từ ngà voi cùng với 60 chiếc lược gỗ làm từ gỗ hoàng dương từ các cửa hàng ở Thường Châu.
Những chiếc lược gỗ tinh xảo do những người thợ lành nghề tại Thường Châu tạo nên.
Sau đó, vào tháng 10, những chiếc lược này cùng với 6 chiếc áo long bào và 600 bông hoa đẹp sẽ được đưa vào Tử Cấm Thành dâng tặng cho hoàng đế. Nhiều truyền thuyết nói rằng, Từ Hy Thái Hậu đặc biệt yêu thích những chiếc lược gỗ được làm tại Thường Châu.
Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, nhu cầu về lược gia tăng nhanh chóng vì người dân bắt đầu cắt bỏ bím tóc từ thời nhà Thanh để tóc theo kiểu hiện đại. Cùng thời điểm đó, một loại lược răng khít gọi là ‘Liuhai Shubi’ xuất hiện và trở nên ngày càng được ưa chuộng.
Nhiều người cho lược vào túi mang đi khắp mọi nơi và biến nó trở thành một biểu tượng thời trang của giai đoạn này.
Sau đó, những chiếc lược gỗ bắt đầu được giới thiệu ra thế giới. Năm 1915, những chiếc lược này đã giành được huy chương bạc tại Triển lãm quốc tế Panama. Năm 1926, những chiếc lược này một lần nữa giành huy chương vàng tại Triển lãm quốc tế Philadelphia ở Mỹ.
Một người thợ đang thực hàng cách trang trí lược gỗ cho học sinh tham khảo.
Quy trình sản xuất
Việc tạo ra một chiếc lược đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ từ phía người thợ thủ công. Nguyên liệu chính thường được sử dụng để sản xuất lược là tre, gỗ và xương động vật. Tất cả đều là loại tốt nhất.
Trong đó, tre là vật liệu được sử dụng chủ yếu. Những cây tre này thường được chọn từ những rừng tre tươi tốt ở phía nam Giang Tô hay phía tây Chiết Giang. Tre ở những nơi này không chỉ cứng, mềm dẻo mà còn rất bền.
Nếu là gỗ, thường những loại gỗ quý hiếm như gỗ hồng, gỗ táo, thạch nam và hoàng dương sẽ được ưu tiên lựa chọn. Những chiếc lược được làm từ gỗ hoàng dương thường có thớ gỗ mịn, rõ đẹp, ngoài ra còn có công dụng giảm đau đầu, ngứa nên rất được ưa chuộng.
Từ khẩu chuẩn bị nguyên liệu cho đến lúc thành phẩm, một cây lược răng thưa cần đến 28 công đoạn. Lược răng khít phức tạp hơn cần đến 72 công đoạn. Các công đoạn này bao gồm khắc, vẽ, trán nước thuốc, chạm và mài. Tất cả đều được hoàn thành bằng phương pháp thủ công.
Nguyên liệu để làm nên một chiếc lược gỗ đều là loại tốt nhất và được lựa chọn cẩn thận.
Giữ một vai trò vô cùng đặc biệt
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, việc chải tóc hàng ngày đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì một sức khỏe tốt. Chính vì thế, kể từ thời cổ đại, người Trung Quốc đã sử dụng lược như một dụng cụ để giữ bảo vệ sức khỏe.
Theo ‘Qi Ju Zhu’, mỗi sáng hoàng hậu Cixi của nhà Thanh đều dành riêng một khoảng thời gian để chải tóc, điều này giúp bà luôn xinh đẹp, khỏe mạnh thậm chí khi đã 60 tuổi.
Phụ nữ Trung Quốc xưa thường cài lược vào các búi tóc như một vật trang trí, tô điểm cho vẻ đẹp của mình. Bên cạnh đó, lược còn đóng một vai trò quan trọng trong một số phong tục dân gian của người dân bản địa.
Y học cổ truyền Trung Quốc quan niệm việc chải tóc hàng ngày sẽ rất có lợi cho sức khỏe.
Theo đó, lược được xem là biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc. Và đây thường là một món quà cưới không thể thiếu ở Trung Quốc thời cổ đại để cầu mong chúc hạnh phúc cho tân lang và tân nương. Ngày nay, một số vùng ở phía bắc Trung Quốc vẫn còn duy trì phong tục này.
Ở Thường Châu, hiện có gần 1000 thợ thủ công lành nghề chuyên về chế tạo lược và hơn 10.000 nhân viên phụ việc.
Bình quân mỗi năm, Thường Châu sản xuất khoảng 1,3 triệu lược răng khít và gần 2 triệu chiếc lược gỗ răng thưa truyền thống. Mỗi nămThường Châu sẽ xuất khẩu hàng triệu chiếc lược sang nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Nếu ngày xưa, lược Thường Châu chỉ được sử dụng cho giới hoàng tộc, quý tộc thì ngày nay nó đã có mặt trong cuộc sống hàng ngày của mọi tầng lớp người dân. Lược Thường Châu vừa là bảo vật của quốc gia, vừa là vật lưu giữ những giá trị truyền thống của người dân Trung Quốc.